Nhà sư lập 'bảo tàng' nông cụ của đồng bào Khmer

Thứ hai - 24/02/2020 04:02
Trân quý những dụng cụ nông nghiệp cổ xưa của đồng bào dân tộc Khmer, Hòa thượng Chau Sơn Hy, trụ trì chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, H.Tri Tôn, An Giang) đã dày công sưu tầm rồi xây dựng 'bảo tàng' để trưng bày.
Hòa thượng Chau Sơn Hy giới thiệu các nông cụ của đồng bào Khmer
Hòa thượng Chau Sơn Hy giới thiệu các nông cụ của đồng bào Khmer

Lưu giữ nét đẹp văn hóa nông nghiệp

Hòa thượng Chau Sơn Hy cho biết từ lâu Hòa thượng vẫn thường tìm và lưu giữ những nông cụ xưa của đồng bào Khmer để làm kỷ niệm. Dần dần, thấy nhiều bộ nông cụ của những Phật tử bị hư hỏng do không được bảo quản tốt nên ông đứng ra vận động: “Ai có nông cụ hồi xưa thì cho sư xin để đem về chùa để trưng bày, bảo quản tốt hơn cho con cháu sau này biết”.

Cỗ xe bò có tuổi đời 126 năm, trên thành khung được khắc chữ Khmer
Cỗ xe bò có tuổi đời 126 năm, trên thành khung được khắc chữ Khmer

Hưởng ứng lời vận động của Hòa thượng Chau Sơn Hy, từ năm 2006, nhiều bà con trong vùng và các nghệ nhân tích cực tìm đến ủng hộ chùa Sà Lôn. Người góp công, người góp của để bộ sưu tập hiện vật ngày càng nhiều hơn. Khi số hiện vật quý giá lên đến hơn 100 món, Hòa thượng Chau Sơn Hy quyết định xây dựng “bảo tàng” để lưu giữ và trưng bày.

Cối xay lúa bằng cần đẩy tay
Cối xay lúa bằng cần đẩy tay

“Tôi muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa nông nghiệp và tư liệu sản xuất xưa để lớp trẻ nhận biết quá trình ông cha làm ra hạt gạo cực khổ như thế nào. Từ khâu cày, bừa, cấy, rồi tới thu hoạch, cắt, đập bằng tay, đem vô sấy bằng sức, giã gạo cũng bằng sức... Qua đó giúp lớp trẻ sống có trách nhiệm với chính mình, với người thân và xã hội hơn”, Hòa thượng Chau Sơn Hy chia sẻ.

Cối giã lúa, giã cốm dẹp bằng chài tay.
Cối giã lúa, giã cốm dẹp bằng chài tay.

Cũng theo Hòa thượng Chau Sơn Hy, nhờ sự chung tay của địa phương và các trường dân tộc nội trú trên địa bàn mà các em học sinh được tạo điều kiện đến tham quan. Tại đây, các em được tận mắt thấy, được nghe thuyết minh về những dụng cụ xưa của ông cha.

Lưỡi liềm cắt lúa.
Lưỡi liềm cắt lúa.

Những “báu vật” có một không hai

Được Hòa thượng Chau Sơn Hy dẫn tham quan “bảo tàng”, chúng tôi mới có cơ hội nhìn ngắm những nông cụ xưa độc đáo và điển hình như: Chiếc xe bò dành cho người giàu đi dạo; chiếc xe vận chuyển hàng hóa, lúa, gạo, phân bón; những dụng cụ lao động như cối giã gạo, lưỡi liềm, lưỡi hái, tay gặt, cào răng lược, dụng cụ cày, bừa, nôm, đó…

Những chiếc xe vận chuyển hàng hóa, chuyên chở lúa, gạo, phân bón ngày xưa
Những chiếc xe vận chuyển hàng hóa, chuyên chở lúa, gạo, phân bón ngày xưa

Trong đó, đặc biệt nhất là cỗ xe bò dành cho người giàu đi dạo. Xe được chế tác vào năm 1894, tính đến nay tròn 126 năm. Trên thành khung xe có khắc chữ Khmer. Xe này do hòa thượng Chau Sơn Hy vận động của ông Tà Hiêm ở sóc Sà Lôn tặng lại cho chùa. “Tôi nghe chủ nhân chiếc xe bò này kể lại là ông ngoại của ông ấy sử dụng, sau đó chia lại cho mẹ ông rồi mới tới lượt ông sử dụng. Ông ấy hiện giờ cũng hơn 80 tuổi rồi. Xe này chỉ có những người giàu mới đi được, giống như xe 4 chỗ tiền tỉ bây giờ vậy”, Hòa thượng Chau Sơn Hy cho biết.

 

hinh9_pomb

Sau chiếc xe bò đặc biệt này, Hòa thượng Chau Sơn Hy lần lượt giới thiệu tỉ mỉ nhiều hiện vật quý giá khác như giỏ đựng cá khi đi tát đìa (tiếng Khmer gọi là Trun); Sniên (cào cá bằng tay), Kay Đom Bal (khung dệt vải, lụa)… Tất cả đều được chế tác bằng gỗ rất công phu. Cùng với đó là những tác phẩm điêu khắc bằng gỗ gõ, gỗ trắc… rất tinh xảo thể hiện các loài chim muông, gia súc, gia cầm.

Dụng cụ đãi gạo.
Dụng cụ đãi gạo.

Anh Trọng Nhơn (28 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) cho biết: “Khi đi tham quan ngôi chùa này, tôi vô cùng bất ngờ trước bảo tàng nông cụ thời xưa. Tôi ấn tượng nhất là những cỗ xe bò với họa tiết, chạm khắc thật tinh xảo và đẹp mắt”.

Theo: Thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây