18h, bà Dung đẩy cánh cửa căn phòng trọ trong đường Vũ Xuân Thiều, con đường nhỏ ở thành phố Nha Trang. Cánh cửa khép hờ được "khóa" sơ sài bằng sợi dây cước. Ba đứa nhỏ trong nhà mừng rỡ chạy ra ôm chầm, ríu rít gọi: Bà ngoại! Bà ngoại về rồi!
Ba đứa trẻ đó là Su, Na và Vịt. Su với Na là chị em sinh đôi, 7 tuổi. Vịt 5 tuổi. Cả ba đứa trẻ không phải cháu ruột bà, nhưng một hai gọi bà là "bà ngoại".
Bà là Nguyễn Thị Dung, 65 tuổi, người Phú Yên. "Nhà tui ở trên núi, nghèo khổ lắm. Hồi chồng mất, tui làm hoài không có ăn phải bỏ xứ vô đây, làm đủ việc" - bà Dung nói. Không bằng cấp, không hộ khẩu, bà làm đủ việc lặt vặt, ai thuê gì làm nấy. Bà thuê căn phòng trọ cũ kỹ này từ đầu năm 2004 đến giờ, đã hơn 16 năm.
Sau 20h mỗi ngày, bà Dung đi nhặt ve chai góp thêm chút tiền nuôi các cháu - Ảnh: MY LĂNG
Bảy năm trước, trong xóm có cô gái trẻ một mình bụng mang dạ chửa, sinh được cặp sinh đôi tên Na và Su. Khi hai đứa nhỏ mới được 19 ngày tuổi, mẹ nó đã ẵm sang nhờ bà Dung giữ giùm để đi làm và trả tiền hằng tháng. Được chừng 5-6 tháng, người mẹ trẻ âm thầm bỏ đi, để lại cho bà Dung hai đứa bé, rồi bặt tin từ đó.
"Hồi mẹ nó mới bỏ đi, tụi nhỏ khóc quá chừng. Tui hoang mang lắm. Đi làm thuê nuôi cái thân mình còn không dư được đồng nào, giờ nuôi hai đứa nhỏ, xoay xở làm sao? Tui tính đùm tụi nó về Phú Yên, nhưng về thì lấy gì sống?" - bà Dung kể.
Từ đó, căn phòng này là nhà của hai đứa trẻ không thân thích ruột rà với bà.
Nhớ lại quãng thời gian chật vật, gian nan lúc đầu, bà lặng người rồi khẽ khàng bảo có lúc đường cùng chỉ biết khóc... "Thằng Dương (con trai út cũng vào Nha Trang làm thuê - PV) đi mua sữa mà nó khóc bảo sao khổ quá vậy, giờ bỏ không được, cho người ta nuôi thì không đành, thôi má con mình ráng nuôi, được tới đâu hay tới đó. Có 100.000đ nó mua sữa hết 100.000đ, có 50.000đ mua hết 50.000đ" - bà cho hay.
Lúc quẫn quá, bà liều đi xin. Cũng may, hàng xóm tốt bụng, người cho sữa, người cho đồ ăn, người cho áo quần. Cứ chỗ nào có cho quà từ thiện là bà đội nắng đi bộ tới xin về nuôi tụi nhỏ. "Được cái trời thương, tụi nhỏ dễ nuôi lắm, cái gì ăn cũng được. Cơm với xì dầu cũng ăn hết" - bà nói.
May mắn, tụi nhỏ rất ít khi bệnh, lâu lâu mới bị sổ mũi. Bà nói đầy tự hào: "Tui nuôi kỹ lắm, ăn nóng uống nước nấu sôi. Đồ người ta cho thấy lạ tui không dám cho ăn, sợ bệnh. Chiều phải nấu nước nóng tắm cho tụi nhỏ. Đồ ăn tui cũng không nấu trong nhà, sợ bay mùi hôi tội tụi nhỏ".
Năm 2015, bà lại được "gửi" trông giùm bé Vịt mới hơn 3 tháng tuổi. "Mẹ nó gửi một năm rồi cũng bỏ đi mất tăm. Sau tui mới biết buôn bán ma túy, án tù 7 năm, đã đi 4 năm rồi. Tui đặt cho nó tên Vịt, chứ không biết nó tên khai sinh là gì" - bà Dung kể.
Vịt có người thân ở Nha Trang, nhưng người ta bảo không nuôi được. Bà lại lần nữa dang rộng vòng tay cưu mang đứa bé. Từ ngày có tụi nhỏ, bà chẳng còn thời gian cho mình. Tết bà không về thăm quê, người thân, dòng họ.
"Tui không đi đâu được - bà nở nụ cười hiền hậu, nói - Đi chừng trên một tiếng chưa về là ở nhà tụi nó khóc. Nó sợ bị bà ngoại bỏ. Năm ngoái đi chà toalet, tui đóng cửa lại, cái chốt nó dính, tui bị nhốt trong nhà tắm tới 17h chủ về mở cửa mới ra được. Về thấy thằng Su khóc ói đầy nhà, nó sợ bỏ nó đi".
Ước gì ngoại như "con rắn lột da"
Mấy đứa trẻ bị bỏ rơi được bà Dung nuôi từ lúc đang bò lổm ngổm, giờ đã lên bảy, lên năm. Căn phòng này bà thuê từ lúc chỉ có 130.000 đồng một tháng, tới giờ cả điện, nước đã lên tới 1,2 triệu đồng.
"Hằng ngày ai kêu gì tui làm nấy. Trưa chạy về nấu cơm nước cho tụi nhỏ ăn. Ban đêm đi lượm nhôm nhựa. Mỗi lần tui ra ngoài chỉ móc dây, không khóa cửa. Tụi nhỏ không dám ra đường, sợ bị bắt đưa vô trại mồ côi" - bà Dung nói.
Hai chị em Na và Su vẫn chưa có giấy khai sinh. Bà mới đặt tên cho Na là Thảo, Su là Hiếu, đặt họ Nguyễn theo mình. Bà tính sẽ nhập khẩu hai chị em bé Na về nhà em trai ở Phú Yên. Bà Dung bảo mong mỏi bây giờ là mấy đứa nhỏ được đi học. Na và Su năm nay đã 7 tuổi, lẽ ra phải học lớp 2. Từ năm ngoái, có nhóm sinh viên đến dạy Su học một tuần 3-4 buổi không lấy tiền. Cậu bé đã học xong chương trình lớp 1.
Bà Dung chợt mỉm cười, gương mặt tươi tỉnh, khoe: "Có tụi nhỏ cũng vui lắm, nói chuyện ríu rít cả ngày. Bữa nào không có ai kêu đi làm, ở nhà mấy đứa nhổ tóc ngứa cho ngoại. Mỗi lần thấy ngoại mệt, ngoại bịnh là tụi nó xúm lại đứa bóp tay, bóp chân, đấm lưng. Có lần tui bị chóng mặt, bé Na lấy thuốc đau đầu cho ngoại uống, lấy lộn thuốc tiêu chảy! Thằng Su thì cứ hỏi ngoại đỡ chưa ngoại, để chén đó lát con rửa, con rửa dơ dơ cũng được".
Rồi bà xoa đầu thằng Su, tủm tỉm kể chuyện cậu nhóc đi mua cho bà ngoại ly cà phê mà lén uống, khi về tới nhà vơi còn một nửa. Rồi bà kể chuyện bé Na với ước mơ mai mốt lớn đi rửa chén, lau nhà với bà ngoại. Thằng Su thì tính học đến lớp 5 nghỉ đi học nghề, mai mốt lỡ ngoại chết nó theo cậu Dương đi làm nuôi chị Na với em Vịt. Nó cứ ước ngoại như con rắn, lột da rồi sống tiếp, sống đời với ba chị em nó...
Thương ngoại, tụi nhỏ rất ngoan, tự lo cho mình để bà ngoại đỡ cực. Sáng dậy ba đứa tự xếp gối xếp mền, chải tóc. Chiều biết tự tắm rửa, thay đồ. Ăn xong biết rửa chén. Tối ngủ biết trải nệm, lấy gối.
"Tui ẵm bồng tụi nó từ lúc còn đỏ chét bằng cái bắp chân, thương hơn cháu ruột mình. Nhiều người muốn xin về làm con nuôi nhưng tui không cho. Phải chi mình nhặt ở đâu, chứ đây mẹ nó gửi đàng hoàng. Tui cứ trông một ngày nào đó mẹ tụi nhỏ làm ăn có tiền sẽ quay lại đón tụi nhỏ đi nên cứ ở lì chỗ này, không dám chuyển đi đâu..." - bà Dung rớm nước mắt nói.
Cứ kiên trì, khó khăn sẽ qua đi
Để nuôi 3 đứa trẻ, bà không nề hà việc gì. Bà nhận lau dọn nhà, giặt đồ, chà bồn cầu, đi chợ cho người ta... Người ta đem củ kiệu tới, bà đợi tụi nhỏ ngủ rồi còng lưng lột vỏ tới sáng, được 150.000 đồng. 4h sáng, bà dậy sớm quét dọn cho một salon tóc, một tháng được 300.000 - 400.000 đồng. Lâu lâu, con trai út bà - bọn nhỏ gọi là cậu - mang tiền về phụ mẹ nuôi 3 đứa cháu. Ban ngày ai kêu việc gì làm nấy, tối bà đi nhặt ve chai.
Làm đủ việc nhưng bà chẳng dư được bao nhiêu khi nuôi một lúc 3 đứa trẻ. Chật vật nhất là khi mùa mưa bão về, gạo không xin được nhiều. Mỗi khi có tiền đi chợ, bà Dung phải tính toán từng mớ rau, lạng thịt, con cá. Không có tiền thì chỉ có cơm trắng chan xì dầu rồi mì tôm.
Bà bảo: "Mấy bà cháu có gì ăn nấy, cứ kiên trì rồi khó khăn cũng qua đi. Tui cũng gần hết đời rồi. Làm ơn thì làm cho trót, bỏ tụi nó tội lắm".
Bà Dung nói bà may mắn được nhiều người giúp đỡ. Bà thuê căn phòng này đã hơn 16 năm. Chủ nhà rất thương, tháng nào không có tiền thì cho thiếu. Ngày tết hoặc mùa mưa bão về, phường cho gạo và dầu ăn. Bữa nào kẹt quá, bà đi quanh xóm xin tiền đi chợ.