Theo The Buddhist Door, các nhà nghiên cứu đã tiến hành chương trình thử nghiệm dành cho hơn 600 cảnh sát và nhân viên trong ngành thuộc 5 lực lượng cảnh sát: Avon và Somerset, Bedfordshire, Cambridgeshire, Hertfordshire và nam xứ Wales.
Thử nghiệm kéo dài trong 6 tháng và người tham gia chương trình thực hành chánh niệm này cho biết đã đạt được “những cải thiện ý nghĩa” về nhiều mặt, các nhà nghiên cứu cho biết.
Phát hiện từ nghiên cứu đưa ra bằng chứng mạnh mẽ rằng sự rèn luyện chánh niệm (trên một ứng dụng trực tuyến) có thể giúp cải thiện cảm giác hạnh phúc cho cảnh sát, theo báo cáo kết quả thử nghiệm.
Chương trình có tên Mindfit Cop, hoàn toàn miễn phí cho tất cả các nhân viên cảnh sát. Các lợi ích về mặt tinh thần có được từ chương trình như cảm giác hạnh phúc, là điều toàn toàn có thể kỳ vọng để mang lại tác động tích cực cho hiệu quả và năng suất công việc - theo The Guardian.
Báo cáo “Chánh niệm trong ngành cảnh sát” (Mindfulness in Policing) được phát hành hồi đầu tháng bởi trường Đại học Cảnh sát. Các chuyên gia tham gia nghiên cứu thuộc trường Đại học Cảnh sát và Đại học Đông Anglia.
Các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm để kiểm tra 4 giả thiết. Thứ nhất, rèn luyện chánh niệm trực tuyến qua ứng dụng Headspace (ứng dụng này do cựu tu sĩ Phật giáo Andy Puddicombe phát triển), có giúp cải thiện cảm giác hạnh phúc, sự hài lòng về cuộc sống, sự phục hồi và khả năng làm việc của cảnh sát và nhân viên trong ngành hay không. Giả thiết này được xác chứng là đúng sau 10 - 24 tuần thử nghiệm.
Thứ hai, rèn luyện chánh niệm trực tuyến sẽ giúp giảm thời gian nghỉ bệnh và các hành vi ứng xử có liên quan do bệnh tật mang lại. Kết quả nghiên cứu không cho thấy điều này.
Thứ ba, liệu chương trình Mindfit Cop có hiệu quả hơn ứng dụng Headspace trong giới cảnh sát. Kết quả cũng không chứng minh điều này.
Giả thiết thứ tư, sự rèn luyện chánh niệm có giúp ích cho người có mức kiểm soát công việc cao hay không. Kết quả cho thấy sự rèn luyện này hữu ích hơn với người có mức kiểm soát công việc thấp.
“Gần 8 triệu người trưởng thành tại Vương quốc Anh ngày nay thử thực hành chánh niệm, trong đó có hàng ngàn viên chức ở khu hành chính nhà nước Whitehall. Tuy nhiên, đa số không có bằng chứng cụ thể để trưng cho cơ quan của mình nên đến giờ những người được lợi ích từ sự thực hành này vẫn chưa thể huy động tài chính để lan tỏa sự rèn luyện này cho các đồng nghiệp của mình.
Nghiên cứu được thực hiện gần đây trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, pháp luật, quốc phòng; vì thế chúng tôi sẽ sớm xem xét mở rộng sự tiếp cận này cho các nhân viên ngành cảnh sát, như là một sự đổi mới quan trọng” - chia sẻ của Jamie Bristow, giám đốc trung tâm Mindfulness Initiative kiêm thư ký Nhóm thực hành chánh niệm của nghị viện.
Các thử nghiệm tương tự đã được tiến hành ở Hoa Kỳ và Canada, cũng cho thấy nhiều tác động tích cực.
Đầu năm 2003, cảnh sát Hoa Kỳ làm việc với các nhà hoạt động xã hội Phật giáo vì hòa bình và Thiền sư Thích Nhất Hạnh để giúp đỡ nhân viên ngành cảnh sát xử lý stress, những cơn giận đặt không đúng chỗ (sự trút giận vô lý) và sự gắt gỏng. Năm đó, cảnh sát trưởng thành phố Madison (bang Wisconsin) - Cheri Maples đã mời Thiền sư Thích Nhất Hạnh thực hiện một chương trình phi tôn giáo dành cho các nhân viên ngành cảnh sát, lính cứu hỏa, các nhân viên y tế, người làm công tác giáo dục và các lĩnh vực khác trong thành phố.
Trần Trọng Hiếu