Chính thức "chữa bệnh" cho rừng Xích Tùng 700 tuổi trên Yên Tử

Thứ năm - 07/11/2019 22:06
Sau nhiều năm loay hoay, rừng Xích Tùng cổ trên 700 tuổi đặc biệt quý hiếm trên Yên Tử (Quảng Ninh) sẽ chính thức được "chữa bệnh" với những phác đồ đặc biệt.
Đường Tùng - con đường hành hương lên Yên Tử rợp bóng Xích Tùng cổ. Ảnh: Nguyễn Hùng
Đường Tùng - con đường hành hương lên Yên Tử rợp bóng Xích Tùng cổ. Ảnh: Nguyễn Hùng

Rừng Xích Tùng cổ, được xác định do các bậc tiền nhân trồng bởi có hàng, lối và vị trí trồng, là những nhân chứng đặc biệt của núi thiêng Yên Tử, nơi có Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập đồng thời là vị sư tổ thứ nhất.

Một gốc Xích Tùng cổ bị mục ruỗng gần một nửa. Ảnh: Nguyễn Hùng
Một gốc Xích Tùng cổ bị mục ruỗng gần một nửa. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ông Lê Tiến Dũng – Trưởng Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử – cho biết: “Chiến dịch chữa bệnh” cho 233 “cụ” Xích Tùng cổ sẽ chính thức được các nhà khoa học, các chuyên gia lâm nghiệp hàng đầu Việt Nam bắt tay thực hiện trong tháng 11 này.

Báo Lao Động đã có nhiều bài phản ánh về rừng Xích Tùng cổ 700 tuổi trên Yên Tử đều già cỗi, bệnh tật và chết dần chết mòn từ lâu. Trước đó, đã từng có dự án “khám-chữa bệnh” cho các “cụ”, nhưng rồi dự án bị đưa vào diện cắt giảm do khó khăn về vốn. Vì thế, các “cụ” vốn đã yếu lại không có “thuốc” chữa nên cứ lần lượt "ra đi".

Một “cụ” bị bão quật đổ vào tháng 7.2016. Ảnh: Nguyễn Hùng
Một “cụ” bị bão quật đổ vào tháng 7.2016. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo Ban Quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử, trên Yên Tử còn khoảng 233 cây, phân bố tập trung ở Đường Tùng, Am Dược, Chùa Hoa Yên, thác Vàng, thác Bạc…

Vài năm trở lại đây, đã có trên 20 cây chết; 132 cây thân, gốc bị mục rỗng một phần, cụt ngọn, thân nghiêng, sâu bệnh hại nặng... Riêng Đường Tùng có 69 cây thì 7 cây chết đứng, 51 cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại...

Dự án “cứu” rừng Xích Tùng cổ cứ đặt lên, đặt xuống và đến nay mới có quyết định triển khai bởi có vốn – tiền thu được từ bán vé tham quan Yên Tử. Tổng số vốn cho dự án là trên 26 tỉ đồng, kéo dài trong vòng 5 năm, với những phác đồ “điều trị” vô cùng tỉ mỉ.

Một “cụ” bị chết khô. Ảnh: Nguyễn Hùng
Một “cụ” bị chết khô. Ảnh: Nguyễn Hùng

Cụ thể, với những cây thân bị rỗng, sẽ nạo lấy các phần gỗ đã bị mục và xông hơi thuốc vào để tiêu diệt côn trùng gây hại và các mầm mống nấm hoại sinh; dùng các loại hóa để hạn chế sự xâm nhập của nước mưa vào trong thân cây. Đối với những cây có hiện tượng mục gốc, mục dọc thân đã và đang bị mối tấn công, sẽ dùng thuốc diệt mối hoặc dùng máy diệt côn trùng hoặc đặt các bẫy bả diệt mối quanh gốc được để trừ diệt mối.

Xích Tùng cổ trên Yên Tử được xác định là do các bậc tiền nhân trồng bởi rừng có hàng, lối. Theo một số chuyên gia lâm nghiệp, rừng Bạch Mã cũng có Xích Tùng nhưng đều là những cây mọc tự nhiên. Ảnh: Nguyễn Hùng

Xích Tùng cổ trên Yên Tử được xác định là do các bậc tiền nhân trồng bởi rừng có hàng, lối. Theo một số chuyên gia lâm nghiệp, rừng Bạch Mã cũng có Xích Tùng nhưng đều là những cây mọc tự nhiên. Ảnh: Nguyễn Hùng

Một công việc cũng hết sức công phu nữa là rà soát và cắt bỏ tất cả các cành bị bệnh của 233 cây tùng cổ, để vừa đảm bảo an toàn cho du khách, vừa không tạo môi trường cho các loại sâu bệnh phát triển. Đối với những cây bị bọ cánh cứng gây hại, sẽ dùng các chế phẩm hoá học bảo vệ thực vật, như thuốc trừ, thuốc bảo vệ và thuốc điều trị,… để phòng trừ.

Theo giới chuyên môn, đành rằng các “cụ” tuổi cao, sức yếu, nhưng nếu chữa trị kịp thời, sẽ kéo dài thêm được tuổi thọ thêm vài chục năm nữa, trước khi nhân giống, trồng mới những cây Xích Tùng khác. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo giới chuyên môn, đành rằng các “cụ” tuổi cao, sức yếu, nhưng nếu chữa trị kịp thời, sẽ kéo dài thêm được tuổi thọ thêm vài chục năm nữa, trước khi nhân giống, trồng mới những cây Xích Tùng khác. Ảnh: Nguyễn Hùng

Cùng với đó, trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều kiện đất đai đến sinh trưởng và phát triển của từng cây, sẽ có những biện pháp kĩ thuật bón phân cụ thể tác động đến cây Xích Tùng cổ và cho các địa điểm trồng mới.

Song song với việc cứu rừng tùng hiện có, dự án sẽ tập trung ươm giống và trồng mới.

Đã nhân giống thành công Xích Tùng. Tuy nhiên, để trồng thành công giữa rừng Yên Tử cần có biện pháp chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Hùng

Đã nhân giống thành công Xích Tùng. Tuy nhiên, để trồng thành công giữa rừng Yên Tử cần có biện pháp chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Hùng

Nguồn tin: Báo Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây