Những câu chuyện bí ẩn ở làng Vũ Đại

Chủ nhật - 10/11/2019 15:51
Ngôi nhà Bá Kiến đã trải qua 7 đời chủ, các đời chủ đều có những thăng trầm, nhưng đến nay, ngôi nhà vẫn vẹn nguyên với thời gian.
Ngôi nhà Bá Kiến đã hơn 100 năm tuổi, dù chưa được sửa chữa, tôn tạo nhưng cũng không hề dột nát, giờ trở thành một điểm tham quan miễn phí cho du khách
Ngôi nhà Bá Kiến đã hơn 100 năm tuổi, dù chưa được sửa chữa, tôn tạo nhưng cũng không hề dột nát, giờ trở thành một điểm tham quan miễn phí cho du khách

Nguyên mẫu làng Vũ Đại trong các tác phẩm của nhà văn Nam Cao ngày ấy giờ có tên là làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ngôi làng không chỉ nổi tiếng bởi đặc sản cá kho, chuối ngự mà còn bởi những kỷ vật liên quan đến các nhân vật: Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc... cũng như những câu chuyện kỳ bí, hư/thực từ trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao đến cuộc đời.

Ngôi nhà Bá Kiến - báu vật của làng

Một ngày đầu tháng 9, PV Báo Giao thông từ TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, theo QL21 mới rẽ vào QL38B tìm về ngôi nhà Bá Kiến ở xóm 11, làng Đại Hoàng. Ngôi nhà của một lái buôn giàu có nổi tiếng vùng đồng bằng sông Hồng là ba gian nhà kiểu thôn quê Bắc bộ, nằm trên khu đất rộng chừng 900m2.

Dù đã được làm cách đây hơn trăm năm, qua bảy đời chủ, lại chưa được tu sửa gì, song ngôi nhà không hề dột nát, 16 cột lim của ngôi nhà vẫn vững vàng trên các viên đá xanh, mái ngói vẫn phẳng dù đã nhuốm màu thời gian. Toàn bộ gỗ của ngôi nhà này đều bằng lim, trên các văng, kèo, li tô vẫn còn nhìn rõ được chạm khắc nhiều chữ nho, hình rồng.

Chị Hương, người trông giữ ngôi nhà cho biết, năm 2007, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Hà Nam đã mua lại với giá 700 triệu đồng để bảo tồn và phát triển du lịch. Hiện, ngôi nhà được giao cho UBND xã Hoà Hậu quản lý, luôn mở cửa miễn phí cho khách tham quan.

Theo chị Hương, ngôi nhà đã trải qua 7 đời chủ, chủ đầu tiên là cụ Cựu Hanh, một lái buôn cực giàu có, chính là người thuê 20 thợ mộc giỏi làm ròng rã mấy tháng trời mới xong ngôi nhà này. Cụ Hanh mất, ngôi nhà để lại cho con trai cụ, rồi tiếp tục cho cháu nội cụ. Nhưng người cháu nội này cờ bạc nghiện ngập rượu chè, nên ngôi nhà đã bị gạt nợ cho cụ Bá Bính (tên thật là Trần Bá Bính) - chính là nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến.

Cụ Bá Bính cũng nghiện cờ bạc, nên gia sản cứ tiêu tán theo các canh bạc. Người dân đồn rằng, cụ Bá Bính tự tử chết vì buồn chán, con trai cụ Bính tiếp quản ngôi nhà, bán lại cho cụ Cai Hậu, một Việt kiều mua lại để định cư. Cụ Cai Hậu không có con trai nối dõi, nên ngôi nhà chuyển sang cho một người cháu là ông Trần Hữu Hòa. Cuối năm 2007, người ta phát hiện ông Hòa chết trong tư thế treo cổ tại gian nhà dưới. Từ đó, chẳng ai dám ở căn nhà này cho đến khi Sở Văn hoá - thể thao và du lịch tỉnh Hà Nam mua lại.

“Những câu chuyện ấy cứ lan truyền, nhưng tôi đến đây, chỉ thấy cảm giác bình yên, tĩnh lặng”, chị Hương cho hay.

Những chuyện chưa kể về Chí Phèo, Thị Nở

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Đức Tuyến, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hậu cho biết, địa bàn xã có 10 thôn, trên 5.000 hộ dân với khoảng trên 15.000 nhân khẩu. Nghề chính trong làng là nghề dệt, nhưng hiện nghề này bị mai một, nên người dân ngoài làm nông thì kho cá, bán đi khắp các tỉnh, thành. Ngoài ra, những năm gần đây, xã cũng phát triển thêm về du lịch, lượng khách đến xã tham quan ngày càng tăng, có những ngày vài trăm người đến thăm nhà Bá Kiến.
“Để phát triển du lịch, chính quyền xã và bà con nhân dân mong muốn ngành văn hoá, UBND huyện đầu tư xây dựng khu du lịch danh nhân Nam Cao”, ông Tuyến đề xuất.

Ông Trần Văn Đô (70 tuổi), một thày giáo tiểu học đã nghỉ hưu xác nhận, ngôi nhà Bá Kiến đúng là đã trải qua 7 đời chủ, các đời chủ đều có những thăng trầm, nhưng đến nay, ngôi nhà vẫn vẹn nguyên với thời gian. Cùng với nhà lưu niệm nhà văn Nam Cao gần đó, ngôi nhà Bá Kiến là một dấu tích sống động, đầy ý nghĩa lịch sử.

Ông Đô cho biết, cũng giống như ngôi nhà Bá Kiến, các nhân vật Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc… trong chuyện của Nam Cao đều có thật, chỉ là hư cấu thêm bớt chút ít cho thêm phần sinh động, nổi bật.

“Tên thật của Bá Kiến là Trần Bá Bính, ông ấy chết trong nghèo khó. Nhân vật Chí Phèo ngoài đời tên là Chí, cũng tính tình hung dữ, ngày xưa những người có máu mặt của làng Vũ Đại toàn nhờ anh Chí đi đòi nợ như xã hội đen bây giờ. Khi Chí Phèo đi đòi nợ về thì mọi người cho lại mấy xu để mua rượu uống rồi lên điếm ở làng nằm phèo ra đó ngủ thì gọi là Chí Phèo. Hoặc cũng có thể cái tên Phèo là lấy từ một ông tên là Chương Pháo chuyên đi nghề giết lợn ở làng. Chí có một dạo làm thuê ở đấy, học làm được món làm phèo lợn rất ngon để uống rượu, nên được gọi là Chí Phèo?”, ông Đô nói.

Theo ông Đô, Chí Phèo không phải là người làng Đại Hoàng mà từ nơi khác đến ngụ cư và sau cũng không chết ở làng Đại Hoàng mà đi miền Nam và chết ở đồn điền cao su. Còn nhân vật Thị Nở tên thật là Trần Thị Nở (con ông quản Dụng chuyên đi đóng cối thuê).

“Bà Thị Nở rất xấu, như miêu tả của nhà văn Nam Cao. Nhưng bà này có chồng, có con, không hề có mối quan hệ tình cảm với Chí Phèo như trong truyện”, ông Đô cho hay.

Hay lão Hạc cũng là một nhân vật trong làng, cùng sống cảnh nghèo khó của người dân Vũ Đại ngày ấy, phải bán từng con vật mình nuôi để lấy tiền sinh sống. “Chỉ có điều, lão Hạc chưa từng nuốt bả chó mà ông chỉ mất tích một cách bí ẩn”, ông Đô kể.

Quyến luyến đặc sản làng Vũ Đại

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi những câu chuyện, di tích về Nam Cao và các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn, làng Đại Hoàng bây giờ còn nổi tiếng bởi đặc sản chuối ngự, cá kho và những sản phẩm này đang bán rất chạy, góp phần nâng cao đời sống người dân.

1

Một bếp cá kho làng Đại Hoàng

Chỉ tay vào buồng chuối ngự quả nhỏ nhưng căng tròn, thơm nức, bà Nguyễn Thị Tích (70 tuổi, người thôn 11, làng Đại Hoàng, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) nói, chuối thì ở đâu cũng trồng được, nhưng chuối ngự trồng ở đất Đại Hoàng thơm, ngọt đặc biệt, vỏ mỏng như giấy, khi chuối chín cũng không bị nẫu.

“Không chỉ là đất trồng, ở đây chuối ngự dấm cũng có kỹ thuật riêng, phải dựng lò, trát vách, bỏ trấu vào đốt lên, sau đó cho chuối vào, mùa nắng chỉ 1 đêm là chuối hơi mềm tay, bán được; mùa đông thì lâu hơn”, bà Tích cho biết và bật mí, chuối ngự giá trị ở long tu, hay còn gọi là râu rồng. Nếu quá trình dấm, vận chuyển chuối mà vặt bỏ, làm rụng long tu, râu rồng này thì chuối mất giá trị.

“Khi quả chuối hình hài đã có cái long tu này, chính cái long tu này hít tinh khí của đất trời kết hợp với rễ cây làm nên quả chuối. Ngày xưa mang chuối ngự đi tiến vua mà để mất long tu là coi như phạm thượng”, bà Tích giải thích.

Ông Tiến (75 tuổi, người thôn 11, làng Đại Hoàng) cho biết thêm, ở Đại Hoàng còn có đặc sản hồng Nhân Hậu. Quả hồng ở đây cũng thơm ngon, vị khác biệt nơi khác, ngay cả khi bổ đôi quả hồng ăn một nửa còn một nửa để lại đến 2-3 hôm sau bỏ ra ăn vẫn rất ngon mà không bị nát hay thối. “Đây là giống hồng ngự, hay còn gọi là hồng Nhân Hậu, cũng giống như chuối ngự, trước chỉ dùng để tiến vua. Nhiều nơi đến lấy giống, mang cây hồng ngự của làng Đại Hoàng đi nơi khác trồng nhưng quả không ngon bằng trồng trên đất của ở làng Đại Hoàng”, ông Tiến nói.

Một đặc sản nữa của làng Đại Hoàng là cá kho Nhân Hậu. Ông Đô cho biết, cá kho Nhân Hậu ngon vì chất lượng cá tươi, và kho rất lâu, từ 7h sáng đến 22h đêm, dùng củi nhãn để kho vì củi nhãn cho lửa to, khi củi thành than vẫn giữ được nhiệt. “Một nồi cá kho là sản phẩm của 4 tỉnh: Niêu cá mua ở Nghệ An, vung niêu mua ở Thanh Hoá, rế đặt niêu cá lên là của tỉnh Hà Nam, còn hộp thì lại nhập từ tỉnh Nam Định. Đây là đặc sản Đại Hoàng nhưng là kết tinh của nhiều địa phương tạo thành”, ông Đô vui vẻ cho biết.

Theo Báo Giao Thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây