Chuyện về một “sứ giả từ thiện”

Thứ ba - 29/10/2019 10:53
Những ngày cuối năm bận rộn, nhưng thỉnh thoảng anh Nguyễn Văn Điển lại gác việc nhà “khăn gói” cho một chuyến đi dài ngày.
Anh Điển kể với phóng viên Báo Quảng Ninh về các trường hợp khó khăn anh đã từng đến và giúp đỡ.
Anh Điển kể với phóng viên Báo Quảng Ninh về các trường hợp khó khăn anh đã từng đến và giúp đỡ.
Khi thì anh rong ruổi một mình, khi đi cùng vợ đến tận các xã miền núi, vùng cao của Hoành Bồ, lúc đến tận Thái Bình, Bắc Giang… ở đâu có người nghèo, người tàn tật cần giúp đỡ là anh tìm đến. Không phải chỉ đến một lần mà anh ngược, xuôi tới ba, bốn lần. Những người biết công việc anh làm vẫn gọi anh là “sứ giả từ thiện”, bởi anh làm “cầu nối” cho một nhóm Việt kiều ở úc đi hỗ trợ các đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn ở khu vực miền Bắc.

“Tôi làm không vì danh, vì lợi”
Nhờ các cô giáo Trường Mầm non thị trấn Trới, Hoành Bồ dẫn đường, một ngày cuối năm Kỷ Sửu chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Điển ở tổ 1, khu 7, thị trấn Trới (Hoành Bồ). Chuyến viếng thăm đột ngột của chúng tôi khiến anh Điển có phần ngỡ ngàng. Với vẻ ngập ngừng, anh dò hỏi: “Nhà báo tìm tôi có việc gì vậy?”. Rồi anh giải thích: “Những việc tôi làm chẳng thấm tháp gì, cũng chẳng phải là điển hình gì. Tôi chỉ nhận uỷ quyền của một nhóm Việt kiều ở bên úc làm một công việc hết sức bình dị”. Anh nói  vậy, nhưng chúng tôi được biết, anh làm công việc này từ trước năm 2000.

Để một trường hợp khó khăn được nhận giúp đỡ anh phải lặn lội lần theo địa chỉ đến tận nơi; chụp hình, ghi chép tỉ mỉ để thông tin lại cho phía tài trợ. Khi nhận được tiền từ bên úc gửi về, anh lần nữa trở lại trao tiền tận tay cho các trường hợp cần giúp đỡ.
1
Cô trò lớp mẫu giáo Khu 9, Trường Mầm non thị trấn Trới (Hoành Bồ)
được dạy và học trong lớp học rộng rãi, khang trang do nhóm Việt kiều úc tài trợ xây dựng.
Anh Điển sinh năm 1965, ở Thái Bình. Năm 1982 anh ra Quảng Ninh làm công nhân Mỏ than Vàng Danh (nay là Công ty Than Vàng Danh). Năm 1989, Mỏ giảm biên chế, anh xin nghỉ chế độ 1 lần. Để đảm bảo cuộc sống cho 5 miệng ăn (2 vợ chồng và 3 đứa con), vợ chồng anh xoay đủ nghề, từ làm ruộng, chạy chợ, đến chạy xe ôm. Góp nhặt được chút vốn, vợ chồng anh chuyển sang sản xuất đá sạch bán cho các quán giải khát và đi giao bia.

Cơ duyên để anh làm công việc “cầu nối” nhân đạo này cũng rất tình cờ. Nhấp ngụm nước chè, anh chậm rãi kể: “Dì ruột tôi là bà Nguyễn Thị Chức hiện định cư ở TP Sedney (úc), trong một vài lần về thăm quê hương, thấy hoàn cảnh những người tàn tật, mù loà khó khăn quá, bà đã đứng ra vận động các Việt kiều, người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít để chuyển về ủng hộ cho họ. Ban đầu việc chuyển tiền ủng hộ được thực hiện thông qua các tổ chức từ thiện, nhân đạo của các tỉnh. Nhưng có một lần, sau khi gửi 5 triệu đồng giúp đỡ trường hợp 2 cháu Thương - Tâm, nạn nhân chất độc da cam ở xã Lê Lợi (Hoành Bồ), bà có về nước và đến tận nhà để hỏi thăm.

Gia đình các cháu cho biết không được nhận đủ số tiền đó. Bà đã quyết định giao cho tôi trực tiếp làm công việc tìm kiếm, thẩm định thông tin, địa chỉ các trường hợp cần giúp đỡ, trung chuyển tiền ủng hộ của nhóm tới các địa chỉ ấy”. Cũng theo anh Điển kể, hiện gia đình bà Chức định cư tại TP Sedney (úc). Bà sinh năm 1948. Bà coi làm từ thiện là một công việc hàng ngày. Số tiền hỗ trợ các đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn đều do bà đứng lên quyên góp. Không chỉ thông qua anh Điển, nhóm của bà còn trực tiếp chuyển tiền ủng hộ đến nhiều địa chỉ cần giúp đỡ ở TP Hồ Chí Minh, miền Trung khi gặp lũ lụt…

Ngày đầu tiên làm quen với công việc mới, anh cũng có những bỡ ngỡ, không biết phải bắt đầu từ đâu. Đi giao hàng đến đâu anh cũng nghe ngóng, hỏi thăm. Cứ hễ nghe người ta nói ở đâu có trường hợp, hoàn cảnh thương tâm cần giúp đỡ anh lại “khăn gói” leo lên chiếc xe máy tòng tọc tìm đến. Tiếng là đi làm từ thiện, nhưng anh mang theo đủ thứ, nào máy ảnh, sổ sách, bút viết… khiến không ít người nhầm tưởng anh là “nhà báo đi tác nghiệp”.

Suốt gần 10 năm qua, cùng với phát triển kinh tế gia đình, anh lặng lẽ, âm thầm làm công việc ấy mà không nhận bất cứ đồng thù lao nào từ những người tài trợ. Anh bảo: “Nhận thù lao thì đâu còn gọi là làm từ thiện. Họ góp của thì mình góp sức, cũng là để giúp đỡ bà con của mình, giúp đỡ những người nghèo, khổ hơn mình”. Làm việc thiện xuất phát từ chữ tâm nên không biết từ bao giờ anh đã gắn bó và yêu thích công việc này. Nhiều khi anh kéo cả vợ cùng tham gia.

Câu chuyện giữa anh và chúng tôi trở nên cởi mở hơn khi nhắc đến những trường hợp, hoàn cảnh éo le anh đã từng gặp gỡ để chuyển tiền hỗ trợ. Cầm chồng ảnh cao đến hơn gang tay, anh giới thiệu cho chúng tôi nghe tên, tuổi, địa chỉ và hoàn cảnh từng trường hợp. “Đây là 2 chị em cô Thơm ở Thái Bình, chị bị mù, em bị ngớ ngẩn; đây là ông Dương hơn 50 năm nằm co quắp một chỗ, nhà còn bố, mẹ già gần 70 tuổi, hàng ngày phải chăm bẵm, nâng lên, đặt xuống; 2 chị em cháu Thuý mồ côi cả cha, lẫn mẹ ở Sơn Dương…

Những hoàn cảnh này đều rất đáng thương. Là đàn ông mà nhiều khi tôi cũng phải rơi nước mắt. Có lần đến chuyển tiền hỗ trợ cho một gia đình ở Thái Bình. Vừa lúc tôi đến thì nhân viên thu tiền điện cũng đến. Gia đình chị ấy nghèo đến mức không có nổi vài chục nghìn để nộp tiền điện.

Tôi lấy tiền túi biếu để chị nộp tiền điện, vừa giúp được chị ấy lúc khó khăn, vừa đưa tận tay chị trọn vẹn được số tiền nhóm Việt kiều gửi giúp đỡ. Tôi thấy lòng mình vui, còn tâm mình thật thanh thản, thoải mái” - Anh Điển xúc động nói với chúng tôi. Anh bảo, anh làm từ thiện không vì danh, vì lợi, mà xuất phát từ tâm, và anh được làm cũng nhờ cái duyên...

Nếu chỉ nghe kể, nhiều người sẽ nghĩ công việc của anh cũng đơn giản, nhưng chứng kiến mới thấy hết sự gian nan, vất vả. Những trường hợp anh tìm đến chủ yếu là ở những vùng nông thôn nghèo, miền núi xa xôi. Anh không thể sử dụng phương tiện nào khác ngoài chiếc xe máy đã cũ của gia đình, bởi “còn phải tìm đường”, đường đến những nơi đó thường nhỏ, hẹp hoặc cua, dốc, có khi phải trèo, lội qua suối, khe. Vì thế mà một chuyến đi của anh thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Anh thường tranh thủ đi vào những lúc rảnh rỗi, nên cũng không thể lựa chọn thời tiết. Có khi là đội nắng, dầm mưa, cả trong những ngày đông giá rét… 

Niềm vui nối niềm vui
Đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được anh Điển và nhóm Việt kiều úc do bà Nguyễn Thị Chức làm nhóm trưởng giúp đỡ chủ yếu là người mù, người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, nạn nhân chất độc da cam. Mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 3,5 triệu đồng/ người. Mỗi trường hợp được nhóm hỗ trợ 2 lần/năm.

Qua gần 10 năm, đã có hàng trăm người được nhóm giúp đỡ. Không chỉ giúp đỡ bằng tiền mặt, nhóm còn uỷ quyền cho anh Điển mua tặng xe lăn cho người tàn tật, xe đạp cho trẻ em nông thôn, miền núi đến trường. Với những trường hợp mù loà, thông qua tổ chức Hội Người mù tỉnh, anh ký hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viên Đa khoa Bãi Cháy... để mổ thay thuỷ tinh thể cho những ai có nhu cầu. Theo bản danh sách anh Điển đưa chúng tôi xem, năm 2006, nhóm hỗ trợ 53 trường hợp mù loà, tàn tật với số tiền trên 30 triệu đồng; năm 2008, anh ký hợp đồng với bệnh viện để mổ mắt cho 50 trường hợp bị mù; năm 2009, nhóm hỗ trợ 79 trường hợp bị tàn tật…

Tổng số tiền mà nhóm đã giúp đỡ cho các đối tượng trên đến nay là hàng trăm triệu đồng. Mặc dù số tiền hỗ trợ, giúp đỡ cho mỗi trường hợp không nhiều, nhưng đã động viên, khích lệ, mang lại rất nhiều niềm vui cho họ. Anh Điển kể: “Một lần đi ký hợp đồng với Bệnh viện Đa Khoa tỉnh để mổ mắt cho một số người mù, tôi gặp một cụ ở Đông Triều bị loà đang thiết tha đề nghị bệnh viện cho mổ mắt, nhưng vét sạch trong nhà cụ cũng chỉ có mấy trăm nghìn đồng. Biết chuyện, tôi đề nghị đưa cụ vào danh sách. Cụ mừng lắm. Tết năm ấy, cụ tìm đến tận nhà để cảm ơn. Làm từ thiện tôi không bao giờ mong họ sẽ nhớ đến mình. Tôi thấy vui và hạnh phúc khi cụ đã tìm được ánh sáng cho đôi mắt của mình”.

 
Phải kể đến sự giúp đỡ của nhóm Việt kiều úc, mà công lớn là của anh Điển đối với Trường Mầm non thị trấn Trới (Hoành Bồ). Trường Mầm non thị trấn Trới có 5 điểm trường, trong đó có 3 điểm đặt ở các thôn xa trung tâm để thu hút mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường, xa nhất là điểm ở khu 9, cách trường chính khoảng 3km, con đường vào đây vừa nhỏ, vừa ngoằn ngoèo. Lớp học ở đây nguyên là cơ sở làm việc của hợp tác xã cũ, nhà cấp 4, đã xuống cấp, chỉ có 2 phòng thông nhau.

Đầu năm học 2004-2005, cô giáo phụ trách điểm trường đứng ra vận động phụ huynh đóng góp để sửa chữa lớp học. “Nhưng đi vận động mãi, năm lần bảy lượt, tiền phụ huynh đóng góp không đủ mua mấy cây hoành, nên cô giáo phụ trách đã tìm đến anh Điển đề nghị giúp đỡ. Anh vui vẻ nhận lời ngay. Sau khi trao đổi với nhóm Việt kiều úc, anh đề nghị thị trấn tạo điều kiện về đất đai để tiến hành xây mới lớp học” - cô giáo Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường kể.

Anh Điển trực tiếp đi tìm thợ, đứng ra mua vật liệu và cùng với bố đẻ anh trông coi công trình. Sau vài tháng thi công, lớp mẫu giáo khu 9 đã hoàn thiện với 3 phòng: Ăn, ngủ, học thông nhau (tổng diện tích 130m2) rộng rãi và thoáng mát. Anh còn quy hoạch lại khu lớp học, xây tường rào, lát gạch 270m2 sân chơi, mua sắm tặng cô trò điểm trường trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Tổng số tiền mà nhóm Việt kiều úc ủng hộ điểm trường trên 300 triệu đồng. Vào ngày Tết thiếu nhi, Tết Trung thu, anh Điển và nhóm đều gửi quà chúc mừng các cháu.

Chúng tôi đến thăm lớp học vào đúng ngày rét có mưa phùn. Sân lớp học sạch bóng không một vết đất, vết bùn. Trong lớp học, cô trò đang ríu rít tập hát, tập múa. Phòng học được trang bị bàn ghế mới, nhiều đồ dùng, đồ chơi, bên cạnh là phòng ngủ, 2 cô giáo phụ trách lớp Phạm Thị Thanh Tuyền và Phạm Thị Mai cho biết: “Có lớp học mới, phụ huynh học sinh cũng phấn khởi; tỷ lệ huy động trẻ cũng đạt cao hơn, chất lượng chăm sóc trẻ cũng tốt hơn.

Hiện chúng em đã huy động được 100% trẻ 5 tuổi và trên 90% trẻ 4 tuổi ra lớp. Nếu không có sự trợ giúp của anh Điển và nhóm bà Chức không biết đến bao giờ điểm trường mới có lớp học khang trang như thế này”.

Trên đường từ lớp mẫu giáo khu 9 trở về thị trấn, anh Điển chia sẻ với chúng tôi những dự định thời gian tới. Anh đã đề nghị nhóm của dì Chức tiếp tục hỗ trợ cho điểm trường khu 9 một bể chứa nước để cô, trò có nước dùng; mua sắm một số thiết bị đồ chơi ngoài trời, trong nhà để các cháu được vui chơi, thư giãn sau giờ học. Với những đóng góp của anh Điển và nhóm Việt kiều úc, ngày 15-1 vừa qua anh đã được Bộ GD-ĐT tuyên dương khen thưởng vì có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp GD-ĐT.

Nguồn tin: Internet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây