Ẩn số lớn của Trung Quốc: Bảo vật thất truyền hàng ngàn năm, đến nay chưa ai tìm thấy

Thứ bảy - 16/11/2019 15:38
12 bức tượng bằng đồng do Tần Thủy Hoàng ra lệnh đúc cho đến nay vẫn còn thất lạc.
Sử liệu đã khẳng định nhưng cho tới nay không có một dấu tích nào của 12 tượng đồng do Tần Thủy Hoàng ra lệnh đúc. (Ảnh: Chinatimes.com)
Sử liệu đã khẳng định nhưng cho tới nay không có một dấu tích nào của 12 tượng đồng do Tần Thủy Hoàng ra lệnh đúc. (Ảnh: Chinatimes.com)
01. Ngọc Tỷ Truyền Quốc

Đây được coi là bảo vật quý hiếm xuất phát từ mong muốn của Tần Thủy Hoàng. Cũng kể từ thời nhà Tần về sau, nó trở thành thứ mà bất cứ người nào cũng muốn có. Bởi giá trị tinh thần của Ngọc Tỷ Truyền Quốc là vô cùng to lớn, ai trong thiên hạ sở hữu Ngọc Tỷ này thì sẽ được coi là người mang chân mệnh thiên tử của Trung Hoa.

Theo sách chuyên đề "Nắm bắt những nghi vấn tồn tại trong lịch sử" do tác giả Trương Trình viết và được xuất bản bởi Nhà xuất bản Họa báo Trung Quốc, thì Ngọc Tỷ Truyền Quốc được Tần Thủy Hoàng ra lệnh chế tác sau khi chính thức thống nhất Trung Hoa.

Vị vua nổi tiếng này muốn có một "Thiên Tử Ấn - tức ấn tín tối cao của hoàng đế". Vật liệu làm Ngọc Tỷ được lấy từ một loại ngọc trắng ở huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây ngày nay.

Nguyên mẫu ngọc được làm theo một loại ngọc gọi là "Ngọc Hòa thị – tức Ngọc họ Hòa, có nguồn gốc từ nước Sở trước khi quốc gia này bị nhà Tần tiêu diệt. Mặt trước của miếng ngọc có khắc 8 chữ: "Thụ Mệnh Do Thiên, Ký Thọ Vĩnh Xương" – nghĩa là "Nhận thiên mệnh từ trời cao, sẽ trường tồn mãi mãi" phỏng theo bút tích của Tả thừa tướng Lý Tư (một vị thừa tướng quyền lực bậc nhất dưới thời Tần Thủy Hoàng).

Ẩn số lớn của Trung Quốc: Bảo vật thất truyền hàng ngàn năm, đến nay chưa ai tìm thấy - Ảnh 1.
Ngọc Tỷ Truyền Quốc là bảo vật mà ai muốn làm đế vương cũng sẽ tìm cách giành lấy (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Kknews.cc).

Cũng kể từ đây, bất cứ ai muốn xưng đế ở Trung Hoa đều tìm cách giành cho được "Ngọc Tỷ Truyền Quốc". Nó như biểu tượng của Thiên mệnh.

Tuy nhiên sau khi nhà Tần sụp đổ, Ngọc Tỷ bị chính cháu của Tần Thủy Hoàng là Tử Anh dâng cho Lưu Bang để đầu hàng, Lưu Bang lập ra nhà Hán lừng lẫy trong lịch sử, đồng thời nắm giữ Ngọc Tỷ Truyền Quốc, trải qua hơn 300 năm.

Đến cuối thời Đông Hán, triều đình suy yếu, loạn lạc xảy ra, Tam Quốc phân tranh, báu vật này lưu lạc qua tay các tướng như Tôn Kiên, Viên Thuật, Lữ Bố,... rồi cuối cùng về tay Tào Tháo.

Năm 220 Sau Công nguyên, Tào Phi phế bỏ nhà Hán, lập ra nước Ngụy. Rồi 3 đời vua sau, dòng họ Tư Mã nắm quyền lực trong triều đình, phế bỏ nhà Ngụy, lập ra nước Tấn.

Sau này nước Tấn rơi vào loạn lạc, Ngọc Tỷ lưu lạc khắp nơi. Các sử liệu có nhắc về Ngọc Tỷ cũng chỉ dừng lại ở đó. Còn có các thông tin khác nhau về số phận của bảo vật này tới tận khi vị vua cuối cùng của Trung Quốc là Phổ Nghi thoái vị nhưng các thông tin này không đủ chính thống.

Đến nay người Trung Quốc vẫn cho rằng Ngọc Tỷ Truyền Quốc là một báu vật đang bị thất lạc.

02. Thập nhị tượng đồng của Tần Thủy Hoàng

Ngoài Ngọc Tỷ Truyền Quốc, sau khi lên ngôi, Tần Thủy Hoàng còn cho đúc một tập hợp các bức tượng đồng hình 12 người, cao đến gần 3 mét đặt tại ngoại vi cung A Phòng nổi tiếng ở Hàm Dương.

Mặc dù những bức tượng này không được làm bằng vàng, nhưng chúng vẫn được gọi là "Kim Nhân" – tức người bằng vàng. Chính xác thì cả 12 bức tượng được làm bằng đồng nhưng ở thời đại đó, đồng cũng là một kim loại vô cùng quý giá tương đương với vàng.

Trong "Tam Phụ Hoàng Đồ" (một sách tư liệu có từ thời cổ đại, nội dung kể về các địa danh và lễ nghi thời xưa) cũng có nhắc tới sự tồn tại của mười hai bức tượng này. Cụ thể, sách có đoạn miêu tả như sau: "Trong uyển lâm của Doanh triều (tức nhà Tần) ở Vị Nam (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây) rộng lớn tới mức có thể chứa cả một vạn người, có cả xe chở rượu, xe chở thịt nướng đi lại, người người hát ca, 12 bức kim tượng đứng lừng lững trước của cung..." . 

Tài liệu cổ này đã khẳng định sự tồn tại của tổ hợp bảo vật này dưới thời nhà Tần.

Về lý do đúc tượng, thuyết phục nhất vẫn là việc Tần Thủy Hoàng không muốn có một số lượng quá lớn vũ khí tồn tại trong dân chúng, điều này có thể dẫn đến biến động về nổi loạn. Cũng có giả thiết rằng đây là những vật dùng làm lễ tế vì sự mê tín của hoàng đế.

Đến nay, 12 bức tượng này đều đã biến mất, nguyên nhân vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhưng cũng có sử liệu cho rằng các bức tượng này bị tiêu hủy dưới tay Đổng Trác.

Cụ thể, "Hậu Hán Thư" và "Tam Quốc Chí" đều cho rằng vào năm 190 Sau Công nguyên, dưới thời Hán Hiến Đế, quyền thần Đổng Trác tiến hành vơ vét của cải, đã phá hoại 12 bức tượng đồng này khi ép vua và triều đình phải dời đô từ Lạc Dương về Trường An.

Cũng có ý kiến cho rằng thực ra 12 bức tượng này được chôn theo lăng mộ Tần Thủy Hoàng và khu vực trung tâm lăng mộ thì vẫn chưa được khai quật vì nguyên nhân ảnh hưởng tới môi trường và công nghệ chưa cho phép. Nhìn chung, tập hợp bảo vật này vẫn là một ẩn số cho tới ngày này nay.

03. Vĩnh Lạc Đại Điển

Vĩnh Lạc Đại Điển là một bộ sách khổng lồ, được biên soạn dưới thời Minh Thành Tổ trong 5 năm từ 1403-1408. Minh Thành Tổ là một hoàng đế quan tâm tới văn hóa và giáo dục, nên ông đã ra lệnh biên soạn bộ sách này.

Đây được coi là một trong những bộ bách khoa toàn thư lớn nhất thời cổ – trung đại. Nội dung của nó bao gồm các lĩnh vực địa lý, thiên văn học, lịch sử, y học, âm luật, Phật giáo, Đạo giáo...

Khi bộ sách hoàn thành nó có 11.095 tập, mỗi trang sách có kích cỡ quy chuẩn, dài 50cm, rộng 30 cm sử dụng loại giấy trắng rất tốt và dẻo dai. Tuy nhiên, bi kịch đã xảy ra với bộ sách đáng quy này.

Năm 1557, dưới thời Minh Thế Tông, Tử Cấm Thành xảy ra một trận hỏa hoạn lớn, bộ "Vĩnh Lạc Đại Điển" may mắn không bị thiêu trụi nhưng khiến vua và triều đình lo lắng, sau này phải tiến hành chép lại thêm một bản dự phòng nữa.

Sau này, trải qua các biến cố lịch sử như cuộc nội dậy của Lý Tự Thành, liên quân Tám nước đánh Bắc Kinh... bộ sách đã bị thất lạc vả hư hỏng rất nhiều. Đến nay chỉ có khoảng 400 tập sách được tìm thấy và lưu giữ, tức chưa đầy 4% tổng số tập sách ban đầu. 

Vậy số còn lại đi đâu?

Ẩn số lớn của Trung Quốc: Bảo vật thất truyền hàng ngàn năm, đến nay chưa ai tìm thấy - Ảnh 4.

Một trong những trang của bộ Vĩnh Lạc Đại Điển được lưu tại Thư viện Quốc gia Bắc Kinh (Ảnh: Xinhuanet.com)

Có nhiều quan điểm về nơi đang cất giữa những tập sách còn lại của Vĩnh Lạc Đại Điển. Thậm chí có nghi vấn về việc nó đã được chôn cất cùng các hoàng đế nhà Minh trong lăng. Tuy nhiên, chỉ có 2 sau giả thiết là đáng tin:

Thứ nhất, theo ông Vương Trung Lạc, nhà sử học và là giáo sư nổi tiếng tại Đại học Sơn Đông, thì có khả năng những tập sách đang được cất giấy trong những bức tường tại các khu vực là nơi ở của hoàng gia trong cung điện.

Bởi theo ông, có thể vào năm Gia Tĩnh thứ 13 (1534) dưới thời hoàng đế Minh Thế Tông, cung điện đã được gia cố lại. Các bức tường ở khu phía Đông và Tây chỉ dày 3,5m. Trong khi ở khu phía Bắc và Nam dày 6,1 mét. Vì thế việc các tập sách được giấu vào phía trong là hoàn toàn có thể.

Thứ hai, theo ghi chép từ tài liệu "Kiết Kỳ Đình Tập Ngoại Biên" thời vua Ung Chính nhà Thanh thì hoàng đế đã cho chuyển toàn bộ bản sao từ trong cung sang Hàn Lâm Viện khi ấy.

Như vậy, trong cung có thể chỉ còn bản gốc. Nhưng tới thời cháu của vua Ung Chính là vua Gi Khánh, thì hỏa hoạn lại xảy ra ở một khu vực trong cung và nhiều người cho rằng lần này Vĩnh Lạc Đại Điển bản gốc đã bị thiêu cháy.

Tuy niên, nhiều học giả lại phản bác quan điểm này, họ cho rằng có tài liệu lịch sử khẳng định đời vua Càn Long trước đó đã cho chuyển phần lớn bản gốc về điện Chiêu Nhân ở cung Càn Thanh và khu vực này thì không bị hỏa hoạn nên bản gốc không bị mất bởi lí do đó.

Đến nay, những tập sách may mắn còn sót lại đang được trưng bày tại Thư viện Quốc gia Bắc Kinh. Còn số phận của hơn 10.000 tập sách gốc vẫn còn là một ẩn số cho tới ngày nay.

Nguồn tin: Soha.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây