Chị em ruột cùng tình nguyện chống dịch ở TP.HCM

Thứ năm - 09/09/2021 10:27
Từ chỗ phản đối, ba mẹ Mai Thu và Hồng Trang chấp thuận cho các con đi chống dịch sau khi thấy sự quyết tâm của hai chị em.
Cặp chị em Mai Thu và Hồng Trang cùng nhau tham gia tình nguyện chống dịch từ cuối tháng 7.
Cặp chị em Mai Thu và Hồng Trang cùng nhau tham gia tình nguyện chống dịch từ cuối tháng 7.

Đều đặn suốt gần 2 tháng qua, một ngày của hai chị em Mai Thu (29 tuổi) và Hồng Trang (22 tuổi) bắt đầu lúc 6h và kết thúc vào 18h, có khi muộn hơn. Họ là những tình nguyện viên chống dịch đang hoạt động trong đội cơ động của quận Phú Nhuận (TP.HCM).

Hai chị em vốn nhen nhóm ý định tham gia tình nguyện từ đầu tháng 7, song còn do dự và gặp phải sự phản đối từ ba mẹ đang ở quê nhà Bình Dương.

“Tới khi hai đứa thấy bài kêu gọi sự hỗ trợ của tình nguyện viên, chúng tôi hạ quyết tâm tham gia. Ở nhà cũng là một cách chống dịch, nhưng chúng tôi muốn dùng sức trẻ để chung tay giúp đỡ cộng đồng”, Mai Thu nói.

Cố gắng vì cộng đồng

Chia sẻ với Zing, hai chị em cho biết mỗi ngày, họ nhận một nhiệm vụ khác nhau ở địa điểm khác nhau trong quận Phú Nhuận, bao gồm phát gói an sinh, trực chốt, điều phối tiêm chủng hoặc điều phối lấy mẫu xét nghiệm.

Mọi nhiệm vụ bắt đầu từ 6h30 và kết thúc khoảng 18h, trước giờ giới nghiêm. Sau đó, hai chị em cùng các tình nguyện viên khác tập trung về cùng một địa điểm để tổng kết nhiệm vụ ngày, kiểm tra xem còn gì chưa hoàn thành, đồng thời nhận phân công công việc cho ngày hôm sau.

Mai Thu cho biết các tình nguyện viên đi chợ hộ hoặc trực chốt sẽ được xét nghiệm 2 ngày/lần. Còn đối với các điều phối viên tại điểm lấy mẫu xét nghiệm, họ thường được xét nghiệm luôn sau khi xong nhiệm vụ.

1
Vì vóc dáng từa tựa nhau, hai chị em thường xuyên bị các đồng nghiệp nhầm lẫn.

 

 

“Nhiệm vụ nào cũng phải tiếp xúc rất nhiều người khác nhau, trong đó có F0. Hai chị em mới tiêm một mũi vaccine. Do đó, mỗi giây phút thực hiện nhiệm vụ đều rất nguy hiểm. Nếu tôi bảo không sợ, đó là lời nói dối. Chẳng ai muốn mình bị nhiễm Covid-19 cả, nhất là khi đang giúp đỡ cộng đồng”, người chị gái chia sẻ.

Từ khi TP.HCM siết chặt Chỉ thị 16, dù thuê trọ ở quận 6, Mai Thu và Hồng Trang được chuyển đến chỗ ở do UBND phường 8, quận Phú Nhuận sắp xếp để thuận tiện cho công tác chống dịch.

“Khi về đến nhà, tôi và em gái đều đuối lắm rồi. Chúng tôi chỉ nhanh chóng tắm giặt, ăn cơm, gọi điện thoại cho ba mẹ một chút rồi ngủ, chuẩn bị sức khỏe cho ngày làm việc tiếp theo”, Mai Thu nói.

Cô cho biết ban đầu, gia đình không đồng ý để hai chị em tham gia chống dịch. Biết ba mẹ ở quê lo lắng nhiều, Mai Thu và Hồng Trang chỉ biết năn nỉ rằng “Tụi con thật lòng muốn đi” và cam kết giữ sức khỏe.

“Nói tới nói lui suốt 2-3 ngày, ba mẹ chúng tôi mới miễn cưỡng đồng ý, với điều kiện phải gọi về nhà thường xuyên. Vì vậy, mỗi tối sau khi hoàn thành nhiệm vụ, hai chị em đều gọi video kể cho ba mẹ nghe ngày hôm đó đã làm công việc gì, có gặp F0 hay không. Lắm lúc, ba mẹ còn gọi vào giờ ăn để kiểm tra bữa tối của hai chị em”, Mai Thu kể lại.

Việc càng khó, càng hào hứng

Hồng Trang thừa nhận vì độ tuổi cách nhau khá xa, nhiều lúc hai chị em không tránh khỏi cãi vã trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, khi đi chống dịch cùng nhau, cô và chị gái thường xuyên cổ vũ đối phương vì có chung mong muốn thành phố sớm “khỏi bệnh”.

Trong số các nhiệm vụ được giao, Hồng Trang thích nhất công việc điều phối lấy mẫu xét nghiệm, mặc dù đây là công việc nguy hiểm nhất với cô.

“Công việc này cũng khiến tôi tốn nhiều năng lượng vì phải đi bộ nhiều, nói nhiều và hoạt động liên tục, giúp tôi giảm cân kha khá. Thế nhưng, việc càng khó khăn và nguy hiểm, tôi càng thấy hào hứng”, người em gái vui vẻ nói.

1
Sau 2-3 ngày thuyết phục, ba mẹ mới chấp thuận cho Mai Thu (trái) và Hồng Trang đi tình nguyện.

Đây cũng là khoảng thời gian hai chị em ghi lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ với nhau. Trong một lần hai chị em tình nguyện tại một điểm tiêm chủng, họ đã dìu một người phụ nữ trung niên có dáng vẻ mệt mỏi vào khu vực đo huyết áp.

“Sau khi khám sàng lọc, người phụ nữ này không đủ điều kiện để tiêm vaccine. Cô ấy có rất nhiều bệnh nền giống mẹ chúng tôi. Cả hai chợt lo nghĩ rằng mẹ cũng khó mà được tiêm”, Hồng Trang kể lại.

Ngay khi trở về nhà, cô và chị gái liền gọi cho mẹ. Trùng hợp, mẹ của họ được gọi đi tiêm cùng chiều hôm đó và chưa được tiêm.

“Ngoài ra, ở điểm tiêm của mẹ không có tình nguyện viên giúp đỡ. Hai chị em tôi nhìn nhau, chợt thấy nghẹn lòng. Trong khi chúng tôi trên Sài Gòn, ba mẹ ở nhà cực thân, cái gì cũng phải tự làm, không có con bên cạnh”, Hồng Trang cho biết.

Từ sau Tết Nguyên đán, Mai Thu và Hồng Trang chưa có dịp trở về thăm gia đình. Người chị gái cho biết nếu không ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tháng nào chị em cô cũng về nhà một lần hoặc ba mẹ sẽ lên chơi 1-2 ngày.

“Ngay khi thành phố mở cửa trở lại, điều đầu tiên tôi sẽ làm là dọn đồ về với ba mẹ, đem theo một bịch bánh tráng trộn 1 kg và ly trà sữa trân châu cỡ lớn nhất có thể”, Mai Thu nói.

Hồng Trang cũng có chung mong ước với chị gái. “Chắc chắn tôi sẽ về quê thăm gia đình đầu tiên và ăn cơm mẹ nấu. Suốt thời gian chúng tôi đi chống dịch, ba mẹ và họ hàng ắt phải lo lắng rất nhiều”, cô chia sẻ.

Theo Zingnews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây