Từ khi Hà Nội giãn cách, mỗi ngày nhận hàng trăm cuộc gọi và vô số tin nhắn xin giúp đỡ, chị Hoài không nhớ hết những chuyến thiện nguyện chuyển gạo, thực phẩm hỗ trợ đến những người khó khăn.
Cuộc sống trong mùa dịch quả thực không dễ dàng, nhất là với những người bán vé số, bán hàng rong hay những người nhặt rác, lao động tự do.
Sau lần chứng kiến một người già lang thang bới thùng rác kiếm đồ ăn, chị Phùng Thị Thu Hoài (38 tuổi, lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội) không thể cầm lòng, chị quyết định tổ chức hoạt động hỗ trợ những người nghèo khó ở Hà Nội.
Những người lao động tự do lâm vào cảnh thất nghiệp, ''mắc kẹt'' tại Hà Nội được hỗ trợ gạo.
"Tôi cùng bạn bè chung tay mỗi người một chút, khi thì nấu cơm 0 đồng, khi thì phát cháo miễn phí trong các bệnh viện. Dịch bệnh bùng phát, chúng tôi cùng nhau vào các ngõ hẻm, trao tận tay những người gặp hoàn cảnh khó khăn những bao gạo, mớ rau, túi thịt...”, chị Hoài cho hay.
Chị Hoài tâm sự, nhìn những đứa trẻ gầy gò đen nhẻm được mẹ đưa ra lấy đồ cứu trợ mà ứa nước mắt, chỉ hi vọng có thể góp sức mình hỗ trợ họ một chút cũng là để an ủi, giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bận rộn với việc công ty, lo đời sống cho nhân viên, thương cảm người nghèo khó, chị Hoài cũng không quên tri ân các bác sĩ ngày đêm hối hả trong bệnh viện hỗ trợ bệnh nhân, hay những cán bộ chiến sĩ cả tuần, cả tháng trực chốt phong tỏa, kiểm soát phòng, chống dịch.
“Những trường hợp ở xa gọi điện nhờ giúp đỡ, đa số tôi sẽ xác minh lại rồi chuyển khoản hỗ trợ họ chút tiền mong họ vượt qua những tháng ngày khó khăn. Có những ngày tôi nhận hàng trăm cuộc gọi như thế, còn tin nhắn thì đếm không xuể.
Nước yến, khẩu trang, gạo, sữa dành tặng bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Có những tin nhắn tôi còn không dám mở ra xem vì nhiều quá, tôi sợ sức mình không giúp hết được họ. Một ngày của tôi bắt đầu từ 6h sáng đến 12h đêm, mà nhiều hôm 12h đêm vẫn có người gọi xin giúp.
Một đêm, khi chuẩn bị đi ngủ thì một cô bé gọi cho tôi cầu cứu rằng mẹ bạn ấy đang chữa bệnh và bị mắc kẹt trong khu phong tỏa nên không thể mua thuốc, nhà cũng không có gì để ăn. Bạn ấy vừa gọi vừa khóc khiến tôi xúc động quá. Động viên để bạn ấy yên tâm, 6h sáng hôm sau, tôi chạy xe mang gạo, thuốc và chút nhu yếu phẩm qua, bạn ấy vừa nhận vừa khóc khiến tôi không cầm được nước mắt xót xa.
Có nhóm thợ xây người Thái mắc kẹt ở Hà Nội, khi tôi đến, họ nói rằng 1 tuần nay chưa có cảm giác được ăn bát cơm nóng như thế nào. Nhận túi gạo từ tay tôi, họ cúi đầu cảm ơn, nước mắt rưng rưng khiến tôi nhớ mãi”, chị Hoài tâm sự và cho biết thêm, từ khi Hà Nội giãn cách xã hội đến nay, chị đã dành khoảng 3 tỷ đồng cho các hoạt động thiện nguyện như vậy, hỗ trợ cho hàng chục nghìn trường hợp. Có những ngày, nhóm của chị Hoài phát hết hàng tấn gạo, hàng nghìn lon nước yến, hàng trăm lon sữa cùng mì tôm và dầu ăn cho những người khó khăn.
Với chị Hoài, cho đi là còn mãi, chị chưa từng nghĩ sẽ dừng hành trình thiện nguyện.
Việc điều hành công ty và kêu gọi ủng hộ, trao quà giúp đỡ người khó khăn rất bận rộn, người phụ nữ chạm ngưỡng tuổi 40 không còn nhiều thời gian dành cho gia đình. Thời gian này, cả ba con của chị Hoài đều đang học trực tuyến, chị may mắn được chồng ủng hộ nên việc học hành của con đều do anh đảm nhận hết, để chị yên tâm hơn khi làm thiện nguyện.
''Cũng có những ngày mệt mỏi vì quần quật ngoài đường, đi từng ngõ, gửi quà tới từng nhà, nhưng đêm về vẫn nhận những tin nhắn trách móc rằng chị hứa đến mà không đến mà thấy day dứt lắm...
Thú thực mình cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường và giúp người bằng cái tâm, bằng sức của mình. Có những khi chạnh lòng, mình từng nghĩ đến chuyện dừng chân, không làm thiện nguyện nữa, ở nhà nghỉ ngơi cho đỡ mệt, nhưng ý nghĩ ấy chỉ lóe lên vài giây thôi, ngày hôm sau nhận được những cuộc gọi xin giúp đỡ mình lại lấy xe đi luôn'', nữ doanh nhân bộc bạch.
Giống như chị Phùng Thị Thu Hoài, thời gian này, anh Đỗ Văn Tuấn (42 tuổi) cũng gác lại việc gia đình và công ty để đồng hành, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Với anh, việc thiện nguyện như một cơ duyên. Tình cờ một lần anh xin chuyển một ít tiền đóng góp bữa cơm 0 đồng của nhóm thiện nguyện tại Hà Nội thì được mời đi phát cơm cho người khó khăn, từ đó anh gắn bó với hoạt động của nhóm luôn.
Không chỉ ủng hộ tiền, anh Tuấn (áo tím than) luôn nhận việc bê vác khi đi phát cơm thiện nguyện.
“Trước khi có dịch, mình tham gia nấu cơm cho người nghèo, những bệnh nhân chạy thận. Vẫn phải đi làm nên mình không có quá nhiều thời gian, mỗi buổi chiều mình tranh thủ dành 1-2 tiếng phụ với bếp cơm 0 đồng, đóng hộp cơm đi phát cho mọi người.
Khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, không thường xuyên đến công ty như trước, mình tranh thủ làm thiện nguyện, giúp được nhiều người hơn”, anh Tuấn nói.
Anh Tuấn không nhớ mỗi ngày mình bê vác bao nhiêu bao gạo dành tặng người khó khăn.
“Có ngày bốc đến hàng tấn gạo từ xe và kho và từ xe trao cho những hoàn cảnh khó khăn. Thi thoảng mọi người còn trêu tôi là “Tuấn bốc vác”... Mỗi ngày chứng kiến mảnh đời bất hạnh thực sự rất xót xa và mong có sức khỏe làm được nhiều điều hơn nữa cho cuộc đời tươi đẹp này.
Cũng may con gái tôi cũng lớn, cháu chủ động được việc học hành. Vợ thì cũng thấu hiểu nên gia đình luôn là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm đi giúp những hoàn cảnh khó khăn”, anh Tuấn tâm sự.
Anh chia sẻ, điều khiến anh hạnh phúc hơn cả chính là góp một phần sức mình cùng với nhóm thiện nguyện trao những suất quà nhỏ bé đến rất nhiều người nghèo.
Anh Tuấn cảm thấy may mắn vì được vợ con ủng hộ việc thiện nguyện mỗi ngày.
Theo Vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự