“Nguyện sinh Tây phương tịnh độ trung
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh
Bất thoái Bồ Tát vi bạn lữ”.
Bốn câu trên được trích trong “Diệu Pháp Liên Hoa kinh”, dịch nghĩa rằng:
“Nguyện sinh trong nước Cực Lạc
Chín phẩm đài sen là Cha Mẹ
Hoa nở thấy Phật hiểu/ Không sinh
Bất thoái Bồ Tát là chúng bạn”.
Không chỉ xuất hiện trong Kinh pháp, hình ảnh Cửu phẩm Liên Hoa còn hiện hữu đi vào đời sống tâm linh của người Việt.
Trải qua hơn 1.000 năm, chùa Động Ngọ (thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) còn lưu giữ tòa Cửu phẩm Liên Hoa được dựng từ thời Lê. Theo trụ trì chùa Đồng Ngọ, Đại đức Thích Thanh Thắng, tòa Cửu phẩm do Hòa thượng Chân Nguyên tạo dựng vào năm Chính Hòa thứ 13 (1692).
Tam quan chùa Động Ngọ.
Hòa thượng Thích Chân Nguyên tên thật là Nguyễn Nghiêm (tự là Đình Lân), sinh năm 1647 tại thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến của đất vải Thanh Hà. Để xây dựng tòa cửu phẩm này, ông đã đi khắp nơi tìm thợ, trong đó có cả những nghệ nhân tên tuổi từ kinh đô. Công trình được khởi công xây dựng năm 1688, đến năm 1692 mới hoàn thành. Tòa Cửu phẩm Liên Hoa chùa Đồng Ngọ nằm giữa tam bảo và nhà tổ.
Bảo pháp quốc gia Cửu phẩm Liên Hoa chùa Động Ngọ.
Theo tấm bia “Kiến khai Cửu phẩm Liên Hoa bi ký” (1692) lưu giữ ở chùa, cây Cửu phẩm cao trên 5m, mặt cắt 6 cạnh đều, 9 tầng tượng trưng cho 9 bông hoa sen xếp chồng lên nhau. Mỗi mặt tháp được gắn 3 pho tượng Phật, ở giữa là Phật A Di Đà, hai bên là tượng Quan Âm Bồ Tát và Thế Chí Bồ Tát, cũng có cạnh là tượng Phật A Di Đà và Văn Thù, Phổ Hiển Bồ Tát, tổng số 163 pho tượng. Các tượng có kích cỡ bằng bắp tay được tạo tác bằng gỗ, thếp vàng vô cùng tinh xảo.
Những pho tượng dưới chân bảo tháp
Tòa cửu phẩm được đặt trong nhà phẩm vuông, 2 tầng 8 mái, được thiết kế theo kiểu đền, đình truyền thống. Toàn bộ tòa Cửu phẩm Liên Hoa là một công trình kiến trúc kỳ thú. Cũng theo đại đức Thích Thanh Thắng, trong 163 pho tượng cổ trên tòa cửu phẩm đã bị kẻ gian lấy mất 60 pho. Những pho tượng hiện giờ đều mới được làm khi trùng tu.
Đại đức Thích Thanh Thắng cho biết, cây cửu phẩm này được đặt trên chân cột đá hình hoa sen. Ngày trước truyền lại, tòa Cửu Phẩm có thể quay tròn quanh trục. Qua thời gian, đến nay tòa cửu phẩm không còn quay được nữa. Được biết, trong 163 pho tượng cổ trên tòa cửu phẩm đã bị kẻ gian lấy mất 60 pho và được bổ khuyết lại khi trùng tu.
Khung cảnh chùa Động Ngộ đẹp và thanh bình, đậm chất văn hóa làng quê đồng bằng Bắc Bộ
Tòa Cửu phẩm Liên Hoa là một trong những công trình kiến trúc độc đáo và lâu đời nhất tại chùa Đồng Ngọ hiện nay. Nhà Cửu phẩm nơi đặt tòa tháp Liên Hoa có diện tích 69m2, được xây dựng bằng gỗ quý, có 4 mái chồng diêm với những đầu đao cong tạo sự thanh thoát, nhẹ nhàng. Cửa chính vào chùa xây kiểu gác chuông hai tầng, trên có treo một quả chuông cao 1,5m, đúc năm Gia Long thứ 12 (1813). Bước qua cổng chùa, tòa tiền đường uy nghi 5 gian 2 chái, cửa bức bàn của chùa khiến nhiều người choáng ngợp.
Chùa Động Ngọ hiện được trùng tu, tôn tạo khang trang, đẹp đẽ. Nhà tam bảo chùa Động Ngọ rộng 4 gian có 21 bức tượng thờ xếp thành các lớp tôn nghiêm, đặc sắc. Sau tam bảo là tổ đường 3 gian 4 mái, tọa lạc trên nền rất cao, mặt nhìn ra cây đại cổ thụ trên 300 năm tuổi.
Theo dòng chữ khắc trên nóc chùa: “Thái Bình nhị niên thừa Khuông Việt chỉ truyền hạ chiếu tạo tự. Đại Chính nguyên niên sắc tỷ kỳ ly tự Đào Chu trụ trì” thì chùa do nhà sư Khuông Việt khởi dựng vào năm 971. Năm 1530, nhà sư Đào Chu trụ trì tại đây đã trùng tu lại. Ngôi chùa còn nhiều lần được trùng tu qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Tại chùa còn nhiều chân tảng, ngói mũi hài cỡ lớn thời Lý, Trần. Trải qua thời gian, nơi đây từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Hiện chùa Động Ngọ cùng với chùa Giám là hai ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Hải Dương, đây cũng là hai ngôi chùa cùng có báu vật Phật giáo là tòa Cửu phẩm Liên Hoa với nhiều nét tương đồng về lịch sử và kiến trúc.