Cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km, Làng lụa Hà Đông hay Làng lụa Vạn Phúc (thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) nổi tiếng không chỉ vì là một làng nghề dệt lụa tơ tằm trứ danh mà còn nhờ sở hữu tiềm năng du lịch to lớn.
Được ví như “biểu tượng của mảnh đất Hà Đông” nên cổng chào của làng Vạn Phúc được xây dựng khá công phu. Bên trái của cổng chính là một tấm bia lớn chào đón du khách thập phương có khắc tên ngôi làng bằng chữ thư pháp đẹp mắt.
“Cung đường ô” chính là điểm nhấn đặc biệt góp phần thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước đến với làng lụa Vạn Phúc. Ngay sau khi bước qua cánh cổng làng, bạn sẽ bị hút mắt bởi vô vàn màu sắc rực rỡ dưới ánh nắng của “dải lụa ô” dài 100m trên cao.
Tham quan làng nghề là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi đến với làng lụa Vạn Phúc. Bạn sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ quy trình sản xuất lụa do những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thực hiện. Nếu như muốn tìm hiểu kĩ càng hơn về quy trình này thì xưởng dệt lụa tơ tằm của nghệ nhân Triệu Văn Mão là một địa chỉ mà bạn không thể bỏ qua.
Cận cảnh máy dệt truyền thống được trưng bày trong xưởng dệt của Công ty cổ phần phát triển lụa Vạn Phúc – nơi sản xuất, trưng bày và bán các sản phẩm lụa tơ tằm cao cấp bậc nhất tại làng nghề.
Những dải lụa mềm mại được giăng mắc trên cao giúp du khách liên tưởng đến công đoạn phơi lụa – một trong những bước quan trọng nhất để tạo ra một sản phẩm lụa thẩm mĩ, chất lượng.
Nếu chưa tìm được một chiếc áo dài ưng ý, bạn có thể đến quầy vải để lựa vải, sau đó đặt may đo theo sở thích và cá tính của mình.
Làng lụa Vạn Phúc cũng là một trong số ít những địa điểm tại Hà Nội còn giữ nguyên vẹn những nét đẹp thôn quê giản dị, cổ kính. Vì thế, sẽ là thiếu sót nếu bạn đến với Vạn Phúc chỉ vì muốn khám phá làng lụa mà bỏ qua cảnh sắc hữu tình với cây đa, bến nước, sân đình nơi đây. Từ xa bên kia đường đối diện với cổng làng Vạn Phúc, bức tượng Phật Bà Quan Âm trên đài sen ẩn mình trong hàng cây cổ thụ sẽ là một ấn tượng khó phai mờ về sự bình yên, tốt lành nơi đây.