Đây là ngôi chùa gắn liền với dòng họ Trần trong vùng, do cụ tổ là Trần Khắc Trang, vốn là Thiên tử nghĩa nam xây dựng. Theo văn bia còn lại, ngôi cổ tự xưa là từ đường thờ cúng tổ tiên của dòng họ, sau đó theo thời gian và những biến đổi thế thái, nhà thờ tổ đã dần được chuyển thành ngôi chùa tại gia, rồi trở thành chùa làng. Hiện tại trong chùa còn lưu giữ được nhiều di vật cổ, nhiều bức tượng có giá trị lịch sử văn hóa tôn giáo và nhiều bức hoành phi, câu đối có giá trị. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những tấm bia đá còn trong khuôn viên chùa. Những tấm bia không chỉ ghi lại tiểu sử của ông tổ Trần Khắc Trang, ghi lại tình trạng ngôi chùa ở các giai đoạn khác nhau trong lịch sử mà còn cho ta những thông tin vô cùng quan trọng về việc truyền thừa và đặc điểm của dòng thiền đã tồn tại và phát triển ở vùng Hải Phòng nói chung và tại ngôi chùa xã Cổ Am nói riêng. Bài viết này sẽ dựa vào những thông tin ghi trên bia đá để làm rõ hơn về mối quan hệ giữa Thiên Hương tự và dòng thiền Lâm Tế - dòng Thiền khá phổ biến ở miền Bắc Việt Nam lúc bấy giờ.
1. Đôi nét về dòng thiền Lâm Tế và bài kệ truyền thừa ở Việt Nam
Thiền phái Lâm Tế xuất hiện vào thời nhà Đường với vị khai tổ là Lâm Tế Nghĩa Huyền (? - 867). Tư tưởng căn bản của Lâm Tế là “sinh Phật bất nhị”, tức chúng sinh và Phật không phải hai, chú trọng ở vô tâm vô sự. Phương pháp tu chứng là Tứ liệu giải, Tam huyền, Tam yếu. Lâm Tế về sau phát triển mạnh ở Trung Quốc, rồi lan truyền ra các nước lân cận.
Đầu thế kỷ XI, Lâm Tế phân chia thành hai phái Dương Kỳ Phương Hội và Hoàng Long Tuệ Nam, sau đó phái Dương Kỳ tự xưng là Lâm Tế chánh thống, còn phái Hoàng Long suy yếu. Lâm Tế được truyền vào Việt Nam ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài và đều thuộc truyền thừa phái Dương Kỳ1.
Vị Thiền sư tông Lâm Tế Trung Hoa đầu tiên đến Đàng Ngoài của nước Đại Việt là Thiền sư Chuyết Chuyết, thế danh là Lý Thiên Tộ, pháp danh là Hải Trừng, pháp hiệu là Viên Văn, thường được gọi là Chuyết Công Hòa thượng. Ông sang Đại Việt vào năm 1630, vào Đàng Trong trước, rồi năm 1633 ra Thăng Long lưu lại ở chùa Khán Sơn hoằng pháp. Sau đó dời về chùa Phật Tích ở Tiên Du Bắc Ninh và cuối cùng, sau khi chúa Trịnh cho trùng tu chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) thì về trụ trì chùa Ninh Phúc cho đến khi viên tịch vào năm 1644.
Hòa thượng Chuyết Chuyết được xếp vào hàng vị Tổ thứ 71 Phật giáo và là thế hệ 34 dòng Lâm Tế, Trung Hoa. Sang Việt Nam, Ngài sáng lập dòng Lâm Tế ở Đàng Ngoài trở thành sơ Tổ dòng Lâm Tế Đàng Ngoài. Các đệ tử xuất sắc của Thiền sư Chuyết Chuyết là Minh Hành và Minh Lương thuộc về thế hệ thứ 2 Lâm Tế Đàng Ngoài. Minh Hành là người gốc Trung Hoa, còn Minh Lương là người Đại Việt. Năm 1643, khi Chuyết Chuyết dời sang chùa Ninh Phúc ở Bút Tháp, thì Minh Hành trở thành vị trụ trì chùa Phật Tích. Đến năm 1644, khi Thiền sư Chuyết Chuyết viên tịch, ông trở thành viện chủ chùa Ninh Phúc. Ông mất vào năm 1659, thọ 64 tuổi
Về bài kệ truyền thừa tại Việt Nam, có hai ý kiến khác nhau, một ý kiến cho rằng, truyền thừa Lâm Tế ở Đại Việt dựa theo bài kệ của Thiền sư Minh Hành, nội dung bài kệ như sau:
明真如性海 Minh Chân Như Tính Hải
金祥普照通 Kim Tường Phổ Chiếu Thông
至道成正果 Chí Đạo Thành Chính Quả
覺悟証真空 Giác Ngộ Chứng Chân Không.
Tuy nhiên, bài kệ này có những phiên bản khác nhau ở hai chữ Tính và Chiếu. Trong Thích song tổ ấn tập của Thiền sư Trừng Diệu Tịnh Hạnh thì ở vị trí hai từ trên lần lượt thay bằng từ Bào và từ Quang; trong Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thích Mật Thể thì ghi hai chữ đó thành Bào và Chiếu; trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang và cuốn Thiền Sư Việt Nam của Thích Thanh Từ thì lại ghi là Tính và Chiếu. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi không đi sâu vào việc phân tích sự đúng sai của bài kệ được cho là kệ truyền tông của phái Lâm Tế vì điều này đã được tác giả Phạm Đình Nhân phân tích cặn kẽ trong bài viết Một số tồn nghi về bài Kệ truyền thừa Phật giáo của dòng Lâm Tế Đằng Ngoài2.
Một ý kiến khác cho rằng, việc truyền thừa này được dựa vào bài kệ của Tổ Trí Bản Đột Không – vị tổ đời thứ 25 của tông Lâm Tế. Nội dung bài kệ như sau:
智慧清净 Trí tuệ thanh tịnh
道德圓明 Đạo đức viên minh
真如性海 Chân như tính hải
寂照普通 Tịch chiếu phổ thông.
心源廣潤 Tâm nguyên quảng nhuận,
本覺昌隆 Bản giác xương long.
能仁聖果 Năng nhân thánh quả,
常演寬弘 Thường diễn khoan hoằng.
惟傳法印 Duy truyền pháp ấn,
証悟會融 Chứng ngộ hội dung.
堅持戒定 Kiên trì giới định,
永紹祖宗 Vĩnh thiệu tổ tông.
Về ý kiến này, nhà nghiên cứu Hán – Nôm Phạm Văn Tuấn với bài viết Kệ phái truyền thừa Lâm Tế Đại Việt in trong tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm năm 20093 đã nêu ra những lập luận khá rõ ràng để chứng minh việc truyền thừa tông Lâm Tế ở Việt Nam là dựa vào bài kệ truyền thừa trên, chúng tôi
nghiêng về ý kiến này và sẽ dùng bài kệ trên như một đối tượng để tham chiếu với việc truyền thừa ở chùa Mét (Thiên Hương tự) dưới đây.
2. Các văn bia tại chùa Mét (Thiên Hương tự)
Hiện nay, tại chùa Mét (Thiên Hương tự) còn lại 5 tấm bia, tất cả những bia này đều có thác bản tại viện Nghiên cứu Hán Nôm, có kí hiệu lần lượt từ 46372 đến 46378. Văn bia có tên và nội dung lần lượt như sau:
Văn bia số 46372: Thiên Hương tự thiền sư ký – Văn bia về thiền sư chùa Thiên Hương (天香寺禪師記), không ghi niên đại, nội dung nói về ngôi chùa được lập nên bởi dòng họ Trần, nhưng trải qua binh đao hoạn nạn đã hư hỏng nhiều, sau đó dòng họ có tặng cho Hòa thượng Viên Dung, tên chữ là Như Chất đến tu trai tại đây. Sau đó, hòa thượng truyền lại cho học trò là Đào Xuân Huyên, tên chữ là Tính Bồi. Nhà sư Tính Bồi đã cho phục dựng lại chùa, thời gian tu tạo kéo dài 14 năm từ năm Tân Tỵ đến năm Ất Mùi. Trải qua 14 năm, ngôi chùa đã được phục dựng lại với quy mô tương tự như trước nhưng tiền đường còn thiếu tượng và tường bao, cửa ra vào chưa được trang hoàng giống như thuở sơ khai.
Phần cuối bia còn nói đến Thiền đồ Thích tử gồm: Tính Kiên, Tính Chủng, Tính ()4, Tính Trí, Tính Thủy, Tính Luận, Tính Thành, Tính Chúc, Tính Thông, Tính (), Tính Sùng, Tính Linh, Tính Dụng, Tính Bàn, Tính Tọa, Tính Cát, Tính Lâm, Tính Niệm, Tính (), Tính (), Tính Thuyên, Tính Độ, Tính Trác, Tính Ánh, Tính Bình, Tính Trí, Tính Chẩn, Tính Uyên, Tính (), Tính (), Tính Đường, Tính Huệ.
Các Sa di ni gồm: Diệu Thục, Diệu Quảng, Diệu Hợp, Diệu Côn, Diệu Trinh.
Hàng cháu gồm: Hải Tịch, Hải Tương, Hải Nhàn, Hải Tịnh, Hải Trừng, Hải Điện, Hải Khoan, Hải (), Hải Nhuận, Hải Thiến, Hải Lãng, Hải Tình, Hải Triều, Hải Chiếm, Hải Bốn, Hải Cảnh, Hải Trương, Hải (), Hải Phổ, Hải Thìn, Hải Hiền, Hải Chân, Hải Phương, Hải Cố, Hải Đồng, Hải Dục, Hải Phiên, Hải Bích, Hải Thuần, Hải Tân.
Bia số 46373: Trần tộc thế hệ ký – Ghi chép về thế hệ họ Trần (陳族世繫記), niên đại Cảnh Hưng năm thứ 36 [1775], nội dung nói về ông tổ họ Trần vốn là Thiên tử nghĩa nam, có tên chữ là Khắc Trang, vốn là Lãnh binh vùng Bắc Ngạn. Thời giặc Minh xâm chiếm nước ta, ông đưa gia đình về ẩn cư nơi đây rồi xây dựng cơ đồ truyền lại cho con cháu. Con ông là Đề lãnh Trần Công Chẩn, các cháu là Hiến Sát sứ Trần Viết Thịnh, Cấp sự trung Trần Viết Quýnh… đời đời nối tiếp làm rạng danh dòng họ.
Bia số 4673 – 4674: Tu tạo tiền đường bi ký – Bia ghi chép về việc sửa sang nhà Tiền đường (修造前堂碑記), niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 5 [1845], ngày 20 tháng 5, nội dung nói về việc sửa chữa tòa tiền đường của chùa Thiên Hương, phần đầu cũng nói ông tổ Trần Khắc Trang vốn là Thiên tử Nghĩa nam, phần sau chữ tương đối mờ, nhưng nội dung xoay quanh chuyện những người đóng góp cho việc sửa sang tiền đường, trong đó chủ yếu là người họ Trần và người dân trong xã (có họ Nguyễn, họ Bùi, họ Đào, họ Lê…), số lượng đóng góp theo từng cá nhân khá lớn, người nhiều 5 quan, người ít từ 1 đến 2 quan.
Bia số 46376: Thiên Hương tự trụ trì Đào Xuân Huyên tự Tính Bồi bi ký – Bia ghi chép về trụ trì chùa Thiên Hương, nhà sư Đào Xuân Huyên, tên chữ là Tính Bồi (天香寺住持陶春暄字性培碑記), niên đại Cảnh Hưng thứ 40, năm Kỷ Hợi [1779], nội dung nói về việc xây dựng khám thờ trụ trì Tính Bồi, ông là người kế thừa ngôi chùa từ đại sư Như Chất, nhưng ngôi chùa do thời gian và do chiến tranh hoạn lạc đã bị hư hỏng nhiều, chính ông là người đã vận động dân trong vùng cùng đóng góp để sửa sang lại ngôi chùa như thuở sơ khai. Chính vì công lao to lớn như vậy, ông đã được xây tháp đặt khám thờ và dựng bia ghi lại sự việc để làm bằng chứng cho đời sau. Việc thờ phụng được tiến hành bởi các học trò đứng dòng chữ Hải, cụ thể là Hải Dục đảm nhiệm.
Văn bia do Trần Huy Thiểm soạn, Trần Huy Thiển hiệu đính
Đệ tử gồm Hải Dục, Hải Phương, Hải Cố, Hải Đồng, Hải Thuần, Hải Uông, Hải (), Hải Tân, Hải Úc, Hải Hằng, Hải Lạng, Hải Tình, Hải Thìn, Hải Vĩ…
Số 46377 – 46378: Bia không đề tên, niên đại năm Tự Đức thứ 28 [1875], ngày tốt tháng 11, nội dung ghi lại việc dòng họ Trần tại đây kê khai lại đất đai của dòng họ, trong đó có ghi cụ thể địa điểm từng mảnh đất, giáp các bên và diện tích từng khoảnh.
Ngoài ra, ở đây còn hai tấm gỗ, dạng như bài vị. Tấm thứ nhất ghi Vĩnh Phúc phái tổ sư, gồm những vị sau: Tên chữ là Phổ Đoan Thích Úc Úc, tên chữ là Chiếu Tiến Thích Minh Minh, Tỳ kheo Khâu tên chữ là Chiếu Đàm, quốc tứ tăng phó, tên chữ là Tính Hạo Thiền Trí Tuệ, tên chữ là Phổ Huy Thích Nẫm Nẫm, tên chữ là Thông Hựu Thích Phúc Tuệ, tên chữ là Tâm Diễn Thích Tịnh Hành; Tấm thứ hai có tên là Thiên Hương phái tổ sư, gồm chín vị sau: tên chữ là Chiếu Chiêm Thích Dương Dương, tên chữ là Phổ Nghi Thích Mặc Mặc, tên chữ là Tịch Hinh Thích Úc Úc, tên chữ là Tính Bồi Thích Khách Tuệ, đặc tứ Viên Dung hòa thượng tên chữ là Như Chất Thích Mật Tàng, tên chữ là Hải Dục Thích Truân Truân, tên chữ là Tịch Đoan Thích Nguyên Nguyên, tên chữ là Thông Thưởng Thích Niệm Niệm, tên chữ là Nguyên Thuyên Thích Mật Mật.
3. Mối quan hệ giữa chùa Mét và dòng Thiền Lâm Tế
Theo những ghi chép trên bia đá, nội dung có thể chia thành hai mảng. Mảng thứ nhất ghi chép về ông tổ dòng họ Trần, các thế hệ đời sau và diện tích đất đai mà dòng họ sở hữu… Phần này, tạm thời chúng tôi dừng lại ở mức giới thiệu và sẽ quay trở lại với một chuyên đề khác. Mảng thứ hai, ghi chép về những chuyện liên quan đến chùa Mét, như các dịp trùng tu rồi đến các vị trụ trì… và đây chính là mảng mà chúng tôi quan tâm trong chuyên luận này.
Theo đó, chùa Mét có tên chữ là chùa Thiên Hương, trước kia tên là Thiên Trản, vốn là ngôi chùa tư được chuyển từ từ đường của dòng họ Trần, với ông tổ là Trần Khắc Trang – là Thiên tử nghĩa nam, sau đó tặng cho Viên Dung hòa thượng, có tên chữ là Như Chất Mật Tàng làm nơi tu trai. Khi Viên Dung hòa thượng viên tịch, người kế đăng là Đào Xuân Huyên, pháp danh là Tính Bồi. Đệ tử đời sau có một loạt người mang dòng chữ Tính, chữ Hải.
Chính về những ghi chép như vậy mà chúng tôi đã đặt ra câu hỏi: liệu hai vị sư trụ trì trên có thực sự tồn tại? Và có sự liên quan nào giữa ngôi chùa này với dòng Thiền Lâm Tế đang thịnh hành ở miền Bắc Đại Việt thời bấy giờ hay không?
Trở lại với dòng Thiền Lâm Tế và bài kệ truyền thừa tại Đại Việt, ta thấy thứ tự các sư mang chữ Như, Tính, Hải… ở chùa Mét rất đúng với thứ tự chữ được nêu ra trong bài kệ của Trí Bản Đột Không thiền sư: “Chân, Như, Tính, Hải”. Hơn nữa, trong hai tấm gỗ dạng bài vị ghi chép về hai phái Thiên Hương và Vĩnh Phúc cũng xuất hiện một loại chữ đã được bài kệ nhắc đến, ngoài các từ Chân, Như, Tính, Hải, còn xuất hiện thêm một số từ của các đời sau như: Tịch, Chiếu, Phổ, Thông, Tâm, Nguyên. Tuy nhiên, thứ tự các chữ không theo nguyên bản mà có sự lộn xộn.
Lần theo tên các vị sư được nhắc đến trong văn bia, các nhà sư Viên Dung Như Chất và Đào Xuân Huyên Tính Bồi, trong Từ điển Thiền Tông Hán Việt5, phần biểu đổ Thiền tông Việt Nam – tông Tào Động và Lâm Tế, phần chữ Như chỉ nhắc đến Như Hiện Nguyệt Quang, Như Trừng Lân Giác và Như Tùy, không có Như Chất; phần chữ Tính cũng không thấy nhắc đến Tính Bồi… Tuy nhiên, theo những ghi chép của văn bia, Viên Dung và Tính Bồi sống vào khoảng thời Lê, trước năm 1779 (vì văn bia lập khám thờ Tính Bồi được dựng vào năm 1779), phù hợp với khoảng thời gian tông Lâm Tế phát triển rộng rãi ở miền Bắc Đại Việt. Hơn nữa với phần mộ tháp còn lại ở khuôn viên chùa Mét thì giả thiết hai nhân vật này có thật chiếm tỉ lệ tin cậy khá cao.
Ngoài ra, trong các vị đệ tử thời sau của hai vị này có hai vị hàng chữ Hải, là Hải Trừng, Hải Triều.
Về Hải Trừng, trong văn bia Tân tạo Kim Long tự bi, phúc quả viên thành hưng công tín cúng hậu ký, niên đại Vĩnh Hựu năm thứ 5 [1739], kí hiệu số 8727 – 28, tại chùa Kim Lung, thôn Khoái Ngoại, xã Kinh Khê, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách có đoạn ghi: “Tư Tỷ kheo Hải Trừng, quán tại Nam Sách, Tiên Minh, Kinh Khê bản tích… Nhất hưng công trụ trì tăng Tỷ kheo Hải Trừng. Môn nhân Sa di Tịch Hằng, Sa di Tịch Khiêm, Tịch Tường, Tịch Kiền, Tịch Thiêm, Tịch Pha – Tư Tỷ kheo Hải Trừng, quên ở Kinh Khê, Tiên Minh, Nam Sách (nay thuộc Hải Dương)… Hưng công có trụ trì là tăng Tỷ kheo Hải Trừng”. Như vậy, Hải Trừng chính là trụ trì chùa Kim Lung (thuộc Hải Dương ngày nay).
Về Hải Triều, theo Phúc Điền trong Thiền uyển truyền đăng lục, quyển Hạ, phần chùa Diên Linh, núi Long Đọi có ghi: “Hà Nội, Long Đọi sơn, Diên Linh tự, Khai sơn Hải Triều Tự Tại Hòa thượng. Quán Đọi Sơn, Tam Giáp nhân, Nguyễn thị. Đồng tử xuất gia, sư đắc Bảo Sơn Tính Dược Hòa thượng. Hành niên lục thập lục tuế cáo tật, phó pháp Thượng thủ Tịch Khoan Nhân Trí Đại sư, trụ trì y tự. Ngôn ngật nhi hóa, Sơn môn phần hoá kiến tháp tạo tượng nhi phụng sự chi - Chùa Diên Linh, núi Long Đọi, tỉnh Hà Nội. Tổ Khai sơn Hòa thượng Hải Triều Tự Tại. Sư họ Nguyễn, người Tam Giáp, Đọi Sơn. Niên thiếu xuất gia, đắc pháp từ Hòa thượng Bảo Sơn Tính Dược ở chùa Sùng Phúc, Thường Tín. Vào năm 66 tuổi mắc bệnh, trao pháp cho vị Thượng thủ là Đại sư Tịch Khoan Nhân Trí, trụ trì bản tự. Nói xong thì mất. Sơn môn hoả thiêu dựng tháp tạc tượng mà phụng thờ”. Đây chính là những ghi chép về hòa thượng Hải Triều (1706 – 1761), đời thứ 39 Thiền phái Lâm Tế.
Tuy nhiên, hai vị Hải Trừng, Hải Triều được nhắc đến trong văn bia của chùa Mét có đúng là hai vị được nêu trên hai không thì hiện tại chúng tôi cũng chưa có chứng cứ nào để xác thực điều đó.
Căn cứ tên tuổi, tính xác thực về sự tồn tại của các vị trụ trì cùng với tên đệ tử đời sau được sắp xếp theo đúng bài kệ truyền tông của Thiền Lâm Tế: Như, Tính, Hải cũng như sự xuất hiện tên của hai nhân vật Hải Trừng, Hải Triều – là những cá nhân thực sự trong dòng thiền Lâm Tế (tuy chưa được xác thực sự trùng khớp của các nhân vật), chúng ta có thể thấy giả thuyết về mối liên hệ giữa chùa Mét (Thiên Hương tự) với dòng thiền Lâm Tế là có thể tin cậy được, và với số lượng đệ tử như đã kê trong trong văn bia cũng như quy mô ngôi chùa được miêu tả, thì nơi đây có thể đã là một trung tâm sinh hoạt Phật giáo khá tấp nập của cư dân trong vùng.
Chú thích:
1. Xem Lê Xuân Phong, Bàn về quá trình truyền nhập và phát triển các phái Thiền Tào Động và Lâm Tế ở Đà Nẵng thế kỉ XVII, XVIII, địa chỉ trang Web: http://dised.danang.gov.vn/images/Tap_chi_so_44-8.pdf
2. Địa chỉ trang Web: http://phatgiao.org.vn/nghien-cuu/201303/Mot-so-ton-nghi-ve-bai-Ke-truyen-thua-Phat-giao-cua-dong-Lam-Te-dang-Ngoai-9995/
3. Bản online theo địa chỉ Web: http://hannom.vass.gov.vn/noidung/thongbao/Pages/baiviet.aspx?ItemID=812
4. Mất chữ.
5. Hân Nhẫn, Thông Thiền biên dich (2009), Từ điển Thiền tông Hán – Việt, nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr. 991
Hoàng Thị Thu Hường
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự