Trong thư ngày 25-4, Thủ tướng đã chỉ ra rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối toàn cầu. Theo đó, mỗi năm, lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó, 13 triệu tấn nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương.
Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày, mỗi người sẽ thải ra 1,2kg rác. Nếu làm tròn dân số đất nước là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó, 16% là rác thải nhựa. Đồng nghĩa với việc, mỗi ngày sẽ có 19.000 tấn rác thải nhựa bị thải ở Việt Nam và đổ ra đại dương. Theo thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia thải ra biển lượng rác nhựa lớn nhất thế giới.
Năm 2018, Liên Hiệp Quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” và tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã mạnh mẽ cam kết về việc chống rác thải nhựa. Nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
Với những con số đáng báo động nêu trên, Thủ tướng kêu gọi cả nước tích cực tham gia giải quyết vấn đề rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể như: thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề rác thải nhựa.
Mỹ Ngân