Nằm ở vị trí phong thủy đặc biệt
Chùa Tây Phương xây dựng trên một ngọn núi thấp nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn. Các ngôi chùa Việt Nam thường nằm ở những vị trí cao ráo, một quả đồi nổi lên giữa một vùng đồng bằng là vị trí lý tưởng để xây chùa. Một địa điểm mà ngay một quan cai trị lừng danh thời Hán là Cao Biền đã phải rất để tâm đến nó. Và chính nằm ở vị trí hội tụ khí thiêng của trời đất, Cao Biền đã lo sợ những anh kiệt của nước Việt xuất hiện chống lại sự đô hộ nước ngoài nên đã cho yểm mạch ở nơi này bằng việc xây dựng một ngôi chùa. Như vậy, chùa Tây Phương có một lịch sử rất lâu đời, cả nghìn năm từ thời Bắc thuộc nhưng rất tiếc dấu vết của thời kỳ nguyên sơ đó đã không còn nhưng rõ ràng, chùa Tây Phương nằm ở một vị trí rất đặc biệt theo quan niệm phong thủy của người xưa.
Chùa Tây Phương nằm trên núi Câu Lậu nay thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Chùa nằm ở vị trí thoáng, sơn thủy hữu tình, mặt chính chùa quay ra phía Đông nhìn thấy núi Rùa, hướng Tây là sông Tích, hướng Nam là núi Con Voi, hướng Bắc là núi Ba Vì.
Một đặc điểm tôi muốn nhấn mạnh là chùa Tây Phương có lịch sử lâu đời, được tu sửa trùng tu qua nhiều thời kỳ nhưng diện mạo kiến trúc như bây giờ và tên gọi “Tây Phương cổ tự” chính thức có vào thời Tây Sơn. Vì có thể tu sửa trong một thời kỳ nên chùa Tây Phương có cấu trúc khá giống với chùa Kim Liên ở quận Tây Hồ, Hà Nội với kiểu chùa hình chữ tam, ba chùa nằm song song nhau. Triều đại Tây Sơn khá ngắn ngủi nhưng về dấu ấn Phật giáo phía Bắc có thể kể đến hai ngôi chùa nổi tiếng trên và chính danh sỹ thời Tây Sơn là Phan Huy Ích khi về thăm chùa đã có bài thơ rằng:
“Câu Lậu chót vót
Nước chảy quanh vòng
Một ngọn cao ngút
Vụ trị khơi lòng
Đạo gửi ở không
Cội gốc khôn cùng
Lòng người bản thiện
Đời đời thủy chung”.
Thăm các vị La Hán chùa Tây Phương
Tất nhiên nói đến chùa Tây Phương thì nổi tiếng nhất bởi những pho tượng cổ, nhất là nhóm tượng La Hán (thực ra là tượng tổ) và tượng Tuyết Sơn. Rất nhiều người đã đánh giá các pho tượng ở chùa Tây Phương là những pho tượng vào loại đẹp nhất của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam thế kỷ XVIII. Ở đây tôi muốn đặc biệt chú ý đến hai pho tượng đặc sắc nhất đó là tượng Tuyết Sơn và tượng tổ La Hầu La Đa.
Tượng Tuyết Sơn thực ra là tượng đức Phật Thích Ca ở giai đoạn ngài ở trên núi tuyết kham khổ, mỗi ngày chỉ ăn một hạt vừng, một hạt kê, hành xác để tìm ra chân lý. Pho tượng tạc người trong dáng ngồi, đen sẫm, mắt trũng sâu, thân hình khô đét, có thể nhìn thấy rõ những xương sườn nhô ra nhưng khuôn mặt vẫn toát ra vẻ đăm chiêu suy tưởng. Đây là giai đoạn tu hành khổ hạnh của Thích Ca vì sau này khi ngài xuống núi, ngồi dưới bóng cây bồ đề và đắc đạo thì ngài có một dáng vẻ gần như khác hoàn toàn. Pho tượng Tuyết Sơn này là một kiệt tác điêu khắc gỗ của chùa Tây Phương cùng với một pho tượng Tuyết Sơn lừng danh khác ở chùa Mía ở Đường Lâm, Sơn Tây.
Pho tượng lừng danh thứ hai ở chùa là tượng tổ La Hầu La Đa. Tuy tạc một vị thiền sư có nguồn gốc Ấn Độ nhưng khuôn mặt tượng có nhiều điểm tương đồng với một người đàn ông bản địa, môi mỏng, gò má cao, một tay cầm gậy, một tay để trên gối mắt hơi lim dim và toát ra vẻ đăm chiêu khổ cực. Đây là một trong những bức tượng có hồn nhất trong nhóm tượng tổ, cũng là một kiệt tác tạo ấn tượng mạnh mẽ cho người chiêm ngưỡng, được tạo tác bởi bàn tay của những nghệ nhân làng nghề mộc truyền thống Chàng Sơn.
Và có lẽ bởi quá ấn tượng với những pho tượng này, nhà thơ Huy Cận (1919-2005) sẵn có niềm hứng khởi khi đến thăm chùa từ thời là sinh viên trường Cao đẳng Canh Nông và rồi khi trở lại thăm chùa vào những năm 1960 ông đã viết bài thơ “Những vị La Hán chùa Tây Phương”. Đoạn đầu bài thơ là những mô tả những dáng hình khắc khổ kỳ lạ của các vị La Hán.
“Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?
Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.
Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.
Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe từa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn...”.
Rồi sau đó là những suy tư về thời cuộc. Tượng gỗ nhưng cũng là những con người, có những nỗi đau day dứt về kiếp người, thời thế:
“Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.
Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu”.
Chùa Tây Phương ngày nay
Đến chùa Tây Phương lại nhớ thơ Huy Cận
Mọi sự so sánh có thể đều khập khiễng nhưng tôi biết rằng Victor Hugo khi viết “Nhà thờ Đức Bà Paris” đã khiến cho danh thắng này được biết đến trên toàn thế giới. Ngoài một nhà thờ của Thiên chúa giáo còn có một nhà thờ của văn học, của Victor Hugo. Bài thơ nổi tiếng của Huy Cận cũng làm cho chùa Tây Phương được nhiều người biết đến hơn. Huy Cận là một nhà thơ lớn của phong trào thơ mới với nhiều tác phẩm xuất sắc và đặc biệt hơn nhà thơ đã từng tham dự vào những sự kiện lớn của lịch sử. Đó là tháng 8-1945, Huy Cận đã cùng với Trần Huy Liệu và Nguyễn Lương Bằng vào Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của Vua Bảo Đại, chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến Việt Nam kéo dài hàng nghìn năm.
Ngoài vai trò là một nhà thơ, Huy Cận còn là một chính trị gia, năm 26 tuổi, ông đã điều hành Bộ Canh Nông trong Chính phủ Liên hiệp Quốc dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh như với vai trò một Bộ trưởng và sau này ông còn đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng khác trong Chính phủ. Người bạn tâm giao và thân thiết nhất với ông là nhà thơ Xuân Diệu sống cùng ông cho đến tận cuối đời ở phố Điện Biên Phủ.
Đến thăm chùa Tây Phương một chiều khi thu đã vào sâu, tôi đi trên những bậc đá ong dẫn lên chùa mà lòng man mác. Và khi ngắm những pho tượng phật trong chùa, lòng lại rộn lên những câu thơ của nhà thơ Huy Cận về thời thế, sự đời. Có đúng là rất nhiều bậc trí giả xưa nay vẫn đau đáu dằn vặt vì: “Nung nấu tâm can, vò võ trán/ Đau đời nhưng có cứu được đời đâu…”.
Nhà văn Uông Triều
Nguồn tin: An ninh Thủ đô
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự