Đứa trẻ bị bỏ rơi
Gần 20 năm đã trôi qua, nhưng với bà Đặng Thị Bình (63 tuổi, trú tại Văn Lâm, Hưng Yên), câu chuyện “cổ tích” mà bà trong vai nhân vật chính như vừa xảy ra mới đây.
Trong ngôi nhà trọ lụp xụp nằm tại khu vực phường Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội), bà Bình chậm rãi kể lại từng chi tiết, từng khoảnh khắc và cảm xúc mà bà đã trải qua trong suốt quãng thời gian nhận nuôi đứa trẻ không thân thích ấy.
Theo đó, câu chuyện xảy ra vào năm 2002. Thời điểm đó do kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên bà Bình lên Hà Nội thuê trọ cùng con gái để tìm việc kiếm đồng ra đồng vào, phụ giúp cho con.
Sau khi thay đổi nhiều công việc khác nhau, thấy rằng việc trông trẻ phù hợp với mình bởi bản tính hiền lành, yêu thương trẻ con nên bà Bình đã nhận trông cho những gia đình lao động trong khu trọ.
Mặc dù công việc chăm sóc 4-5 đứa trẻ một lúc vô cùng vất vả nhưng nghĩ đến việc có thể kiếm thêm tiền, hỗ trợ con cái có cuộc sống ấm no hơn, bà Bình lại cố gắng chịu đựng mà không một lời than vãn với con.
Và rồi như một mối nhân duyên, chính công việc mà đã có lúc bà Bình định từ bỏ ấy đã khiến bà gặp được đứa bé tên Hoàng Huyền T., sẽ gắn bó với bà trong suốt 14 năm và cùng viết nên câu chuyện khiến người nghe phải cảm động rơi nước mắt.
“Tôi còn nhớ, ngày hôm ấy là 8-1-2004, mẹ của T. bế cháu đến gửi tôi trông với tiền công 1 triệu đồng/tháng. Mẹ của cháu nói rằng, chị ta phải bận đi chữa bệnh nên không thể đến thăm con thường xuyên, số tiền kia là để tôi trông cháu cả ngày lẫn đêm.
Lúc đó cháu T. còn nhỏ xíu, chỉ mới được 5 tháng tuổi, tôi nuôi cháu chẳng khác gì mẹ nuôi con”, bà Bình cười nhẹ nhàng chia sẻ.
Thấy rằng, người phụ nữ cũng gặp hoàn cảnh khó khăn chẳng kém gì mình, bà Bình cũng không đòi hỏi gì thêm ngoài số tiền ít ỏi trả theo tháng.
Thử hỏi rằng, ai có thể nuôi một đứa trẻ 5 tháng tuổi trong một tháng trời với số tiền 1 triệu đồng. Mỗi đêm, đứa bé khát sữa, trở mình, bà Bình lại phải dậy chăm bẵm từng li từng tí.
Sau khi giao con cho bà Bình chăm sóc, cứ khoảng 3 ngày, mẹ bé T. lại đến thăm con một lần. Nhưng rồi đến tháng 5-2005, khi bé được hơn 1 tuổi thì bà Bình mất liên lạc với người phụ nữ này một cách khó hiểu.
Nhớ lại thời điểm đó, bà Bình nói: “Lúc không thấy cô ấy đến thăm con, tôi cũng lo lắng và tìm hiểu xem cô ấy có gặp vấn đề gì không.
Bởi lẽ trước đó, cô gái này nói mình bị bệnh nặng, phải đi chữa trị và có thể nhập viện nên tôi vẫn cứ chờ đợi.
Sau nhiều tuần trôi qua, không liên lạc được nên tôi tìm đến chủ trọ để hỏi thông tin. Lúc này tôi mới biết, chị ta đã gói ghém đồ đạc, chuyển chỗ ở từ rất lâu rồi.
Nghe tin ấy, bà Bình giận lắm. Nhưng bà giận người mẹ một thì lại thương đứa trẻ mười. Mới chỉ hơn một tuổi, đứa bé ngây thơ ấy vẫn chưa thể nhận biết được rằng mình đã bị mẹ bỏ rơi.
Không biết, đứa bé có hiểu rằng nó sẽ không bao giờ được gặp mẹ thêm một lần nữa.
Và có lẽ chính bà Bình cũng không hiểu, bởi trong suốt một thời gian dài sau đó, ngoài việc chăm sóc bé T. cẩn thận chờ ngày mẹ cháu về đón, bà còn nhờ người quen tìm hiểu tin tức của mẹ bé T..
Cứ ở đâu có thông tin, dù xa xôi cách trở, bà Bình vẫn cứ tìm cách đến tận nơi để hỏi han.
Bà nói: “Khi ấy không phải tôi ngại nuôi cháu mà bởi vì mỗi lần nhìn thấy đứa trẻ khóc, tôi lại thương và nghĩ rằng, tình cảm của người mẹ là quan trọng nhất với đứa trẻ và đó cũng thành động lực cho tôi đi tìm mẹ của cháu T.”.
Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm, cuộc tìm kiếm của bà Bình luôn khiến bà thất vọng bởi kết quả của nó. Cuộc sống gia đình bà vốn dĩ đã không no đủ, nay lại thêm một miệng ăn nên khó khăn lại chồng chất khó khăn.
Nhiều lần, người dân nghèo trong xóm trọ khuyên bà nên gửi bé T. vào trại trẻ mồ côi dể giảm bớt gánh nặng. Nhưng đáp lại những lời đề nghị đó, luôn là “không”.
Lý giải điều này, bà Bình tâm sự: “Tôi nuôi T. từ khi còn bé, không khác gì mẹ cháu, thậm chí tôi còn thân thiết hơn cả người mẹ.
Vì thế, một người mẹ dù có là mẹ hờ cũng không thể đưa con mình vào trại trẻ mồ côi, dù có khó khăn thế nào đi chăng nữa”.
Luôn hy vọng tìm được mẹ cho cháu bé
Thời điểm đó, để có thêm tiền trang trải cuộc sống và lo cho đứa trẻ, bà Bình nhận trông thêm nhiều đứa trẻ của những người dân quanh xóm.
Biết câu chuyện của bà và bé T., mọi người ai cũng thương cảm và ủng hộ bằng nhiều cách, người thì quần áo, người thì sữa bột.
Có lẽ, trong suốt cuộc đời của mình, đây cũng là quãng thời gian bà Bình cảm thấy vất vả nhất. Thế nhưng, dù thế nào đi nữa, bà Bình vẫn nuôi một hy vọng ngày nào đó người mẹ sẽ trở về đón đứa con.
Có lẽ cũng vì lý do đó, sau một thời gian làm việc ở Hà Nội, con gái của bà Bình trở về quê nhà Hưng Yên lập nghiệp, cũng muốn đón mẹ về quê để cuộc sống bớt cực khổ nhưng bà Bình không đồng ý.
Bà nói: “Nếu về quê, khi người mẹ quay lại làm sao tìm được thông tin của tôi, làm sao mà đến đón Huyền T. được. Tôi phải đợi ở đây đến khi nào chị ta quay lại thì thôi”.
Nhưng chờ mãi, chờ mãi, mọi thứ vẫn chỉ là hy vọng không có hồi đáp, cho đến khi cháu T. lớn lên, đi học mẫu giáo rồi vào tiểu học, người mẹ ấy vẫn không quay về.
“Tôi cứ đợi mãi mà không có chút tin tức gì của chị ấy, nhà thì nghèo nên cũng không chăm cháu tốt được như con nhà người ta.
Khi hết sữa bột, tôi lại phải lấy sữa Ông Thọ cho cháu uống, thi thoảng thì đổi sữa tươi cho cháu đỡ chán. Đến lúc T. ăn dặm, cháu thích ăn thịt nhưng tôi có tiền mua đâu.
Khi nào người ta trả tiền trông trẻ, rủng rỉnh một chút thì tôi mới mua ít thịt đem về nấu cho cháu ăn. Còn tôi thì ăn thịt mỡ nấu canh, có nhiều hôm thì ăn cơm với rau, chan nước mắm...”, bà Bình ngậm ngùi chia sẻ.
Năm tháng cứ thế trôi qua, mái tóc bà Bình từ đen cũng đã chuyển dần sang bạc. Cháu T. cũng lớn dần theo thời gian, được đến trường, được học hành như bao đứa trẻ khác.
Để động viên cháu học tập, bà Bình hứa hẹn khi nào T. được điểm 10 thì sẽ có thưởng. Đứa bé vốn thông minh tháo vát nên học rất giỏi, đến lúc cháu khoe với bà 4 điểm 10 cùng lúc, bà Bình chỉ biết nghẹn ngào vì không đủ tiền mua quà thưởng cho cháu.
Thế nhưng, dường như được sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, lại bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ nên T. luôn tỏ ra tự lập từ khi còn bé. Mỗi khi bà Bình cho tiền, T. đều không sử dụng mà đem cất đi, để dành mua sách vở.
Nói trong nước mắt, bà Bình kể: “Có lần tôi phát hiện ra T. đi bốc xếp gạch thuê cho người ta, bốc đến nỗi tay sưng phồng, rớm máu.
Nhìn cháu người gầy nhẳng, học lớp 3 mà chỉ ngang ngửa đứa bé lớp 1-2 mà ứa nước mắt. Có những đêm, hai bà cháu chỉ biết ôm nhau mà khóc”.
Cùng sống đồng cam cộng khổ với nhau trong suốt bao nhiêu năm trời, dần dần T. đối với bà Bình không còn là một đứa trẻ, một đứa cháu nhỏ nữa mà còn là một người bạn tâm giao, gắn bó như ruột thịt.
Chính bà Bình cũng thừa nhận, nuôi bé T. từ khi còn nhỏ nên đôi khi, tình cảm của bà và những đứa cháu ruột còn không bằng tình cảm bà dành cho T.
Nói về hoàn cảnh của bà Bình, ông Nguyễn Xuân Bỉnh (nguyên Công an viên, cán bộ chính sách xã Thượng Thanh) cho biết: “Tôi không nắm rõ được thông tin trước đó của mẹ cháu T., nhưng từ khi cháu bị bỏ lại cho bà Bình nuôi thì tôi cũng nắm sơ bộ.
Có lần, tôi thấy bà Bình ngồi khóc ở trụ sở xã, hỏi ra mới biết bà đi làm giấy tờ khai sinh cho cháu T. nhưng không được.
Tôi phải đứng ra xác minh, nói với mọi người về trường hợp của bà Bình để chính quyền thông cảm, tạo điều kiện cho bà. Sau này, có những đơn vị tài trợ học bổng, xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tôi cũng dành suất đó cho cháu T., mặc dù hoàn cảnh sống hai bà cháu rất khó khăn nhưng cháu học cũng rất tốt”.
Còn theo ông Trương Quang Vân, tổ trưởng tổ dân phố số 10, nơi bà Bình ở trọ những năm đầu tiên nhận nuôi cháu T. cho biết, nhiều người tại khu vực này cũng biết chuyện cháu T. bị mẹ bỏ rơi.
Bà Bình từ người giữ trẻ lại trở thành mẹ của đứa trẻ trong hoàn cảnh éo le như vậy.
Để giúp đỡ bà Bình, nhiều người trong tổ dân phố cũng chung tay đóng góp để tạo điều kiện cho bà làm thuê làm mướn, kiếm tiền nuôi cháu. Chính ông Vân đã làm đơn lên phường để xin chế độ cho cháu T., mỗi tháng được mấy trăm ngàn đồng mua sữa.
Ông Vân chia sẻ: “Bà ấy là một người tốt, có tấm lòng cao cả khiến nhiều người rất khâm phục. Đã có nhiều người đến xin cháu T. về nuôi nhưng bà ấy không cho, dù hoàn cảnh rất khó khăn. Bà ấy vẫn muốn đợi mẹ đứa bé trở về nhận con nhưng đợi mãi vẫn không thấy.
Bà Bình cố nuôi cháu lớn, học hành rất tốt lại còn ngoan ngoãn, ai cũng yêu quý. Khi học đến cấp 2, cháu T. cũng biết hoàn cảnh của mình nhưng cháu luôn coi bà Bình như mẹ.
Mới đây, bà Bình phải đi nhờ vả, xin cho cháu chuyển hộ khẩu lên Hà Nội để học cấp 3. Mỗi khi được nghỉ, cháu T. lại bắt xe bus về với mẹ Bình của mình”.
Ngôi nhà bà Bình đang sinh sống tại Văn Lâm, Hưng Yên.
Câu chuyện cổ tích này được viết trong suốt 14 năm, bà Bình vẫn lặng lẽ đi tìm tung tích mẹ của T.
Còn về phần đứa bé năm nào, ban đầu T. vẫn luôn nghĩ mình là cháu ruột của bà Bình nhưng đến khi biết chuyện, cú sốc đầu đời của cô bé lại chính là chuyện mình bị mẹ ruột bỏ rơi suốt từng đó năm.
Nó đã khiến T. trở nên trầm lặng, khép kín và không bao giờ muốn nhắc đến mẹ mình. Cô bé tâm sự, dù mẹ có về đón cũng nhất quyết sẽ ở với bà Bình.
Cách đây vài tháng, T. đã hoàn thành kì thi tuyển sinh vào cấp 3 của mình với kết quả tốt. Cô bé nói rằng, mình sẽ cố gắng học thật giỏi để làm giáo viên hoặc không sẽ kinh doanh gì đó gần nhà để có thể chăm sóc bà Bình khi tuổi xế chiều.
Còn với bà Bình, những câu nói ấy của đứa bé cũng đã có thể sánh ngang với hàng vạn liều thuốc bổ, giúp tinh thần của bà thư thái hơn rất nhiều.
Hiện tại, bà Bình đã ở tuổi lục tuần, sức khỏe yếu đi từng ngày nhưng vẫn nhận trông thêm trẻ để hai bà cháu có tiền trang trải cuộc sống. Theo bà Bình, điều bà mong mỏi nhất lúc này là có sức khỏe để có thể lo cho T. đến khi cô bé học xong đại học.
Bây giờ nguyện vọng của bà Bình là làm sao tìm được mẹ cho bé T.. Bà vẫn động viên T. rằng: “Mình không rơi vào hoàn cảnh đó, mình không thể hiểu, biết đâu mẹ cháu có nỗi khổ riêng chưa thể về tìm cháu.
Hy vọng trong tương lai, khi chị ta lo xong công việc của mình sẽ quay lại tìm kiếm đứa con. Lúc đó cũng là lúc cuộc đời của tôi mãn nguyện, có thể yên tâm đi về bên kia thế giới”.
Theo An ninh thế giới
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự