Kỳ bí “mắt làng” trên đảo tiền tiêu

Thứ hai - 22/04/2019 05:22
Đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) nổi tiếng bởi có Vân Đồn - thương cảng quốc tế đầu tiên trong lịch sử của Việt Nam và có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp.
Kỳ bí “mắt làng” trên đảo tiền tiêu

Trên đảo, ngoài quần thể di tích như đình, nghè, chùa, miếu tồn tại từ lâu đời, còn có những chiếc giếng cổ, trong đó có giếng hàng nghìn năm tuổi. Người dân Quan Lạn coi những chiếc giếng như “mắt làng” với nhiều huyền tích kì bí còn truyền đến ngày nay.

Từ giếng nghìn năm...

Hiện nay, trên xã đảo Quan Lạn còn tồn tại nhiều giếng cổ như: Giếng Hệu, giếng Chổi, giếng Ruộng, giếng Đình, giếng Xóm Bấc... không lúc nào cạn nước. Người làng cho hay, những giếng này đều có từ ngày mở làng. Trong số đó, giếng cổ nhất là giếng Hệu, tại bến Cái Làng. Giếng còn có những cái tên khác là giếng Hợi (do cư dân địa phương gọi chệch đi), giếng Nàng Tiên, giếng Ngọc, giếng Nước Mắt... Giếng Hệu được đào từ thời Lý nhằm phục vụ nước sinh hoạt cho người dân ở bến Cái Làng và các tàu buôn trong, ngoài nước.

Các bậc cao niên trong xã cho biết, dân cư của làng từ nhiều vùng khác nhau di cư đến đảo mở đất, lập làng. Họ sinh sống tập trung dọc hai bên núi Vân. Thuyền bè nhiều vùng ra vào đảo ngày một tấp nập. Nhận thấy rõ điều đó, năm 1149 (Đại Định năm thứ 10), vua Lý Anh Tông cho thành lập thương cảng Vân Đồn, thương cảng sớm nhất lịch sử Việt Nam.

Bến Cái Làng (xưa có tên gọi là làng Liễu Mai) là trung tâm thương cảng cổ Vân Đồn. Từ đó, các tàu buôn khắp nơi đổ về Liễu Mai buôn bán, trao đổi hàng hóa ngày một đông. Các thuyền buôn khi rời cảng đều không bỏ qua việc lấy nước ngọt ở giếng làng Liễu Mai để dự trữ cho chuyến hành trình tiếp theo. Các cụ xưa truyền lại rằng: Nước giếng Hệu rất trong và mát, các cô gái trong làng khi tắm nước giếng thì da trắng hồng, gội đầu bằng nước giếng Hệu tóc sẽ dài, đen và óng mượt. Do vậy mới có câu ca: “Khi đi tóc mới ngang vai/ Gội đầu giếng Hệu, tóc dài ngang lưng”.

Cái tên giếng Nước Mắt gắn với câu chuyện tình đầy lãng mạn của một đôi trai gái làng Vân và Liễu Mai gặp nhau bên giếng Hệu. Họ yêu nhau tha thiết, thường hẹn hò bên giếng Hệu, thề non hẹn biển sẽ nên vợ chồng trong tương lai. Thế rồi, chàng trai phải tòng quân chiến đấu chống giặc Nguyên-Mông, nhiều năm không về. Người con gái đêm đêm ra giếng Hệu cầu nguyện cho người yêu sớm trở về, nhưng chờ mãi không thấy.

Cô gái nghĩ là người yêu đã hy sinh ngoài chiến trường nên khóc mù cả đôi mắt. Bỗng một ngày, chàng trai cùng đoàn quân chiến thắng trở về. Hai người đã dẫn nhau ra giếng Hệu kể cho nhau nghe về những năm tháng xa cách. Chàng trai rất cảm phục vì lòng chung thủy của cô gái. Câu chuyện kéo dài đến đêm khuya. Bỗng một mạch nước dưới giếng phun lên ướt cả mặt hai người. Mắt cô gái bỗng sáng trở lại. Ngày hôm sau, đám cưới linh đình được tổ chức. Vì vậy, giếng Hệu còn có tên là giếng Nước Mắt.

Ông Phạm Quốc Duyệt, người chuyên sưu tầm văn hóa dân gian Quan Lạn cho biết: “Theo các cụ trong làng kể lại thì thời gian đầu, dân trên đảo làm nhiều giếng để lấy nước ăn, nhưng chỉ được vài tháng, các giếng tự nhiên cạn kiệt. Người làng lại đào giếng mới nhưng cũng chỉ đủ dùng một thời gian. Trong một lần đi tìm nguồn nước, người dân phát hiện sát biển có mạch nước ngầm, mọi người đào xuống thấy nước chảy rất mạnh. Tìm thấy nguồn nước, dân làng rất vui mừng. Từ đó, làng không còn phải lo thiếu nước ngọt. Khi thành lập thương cảng Vân Đồn, tàu buôn ra vào đông đúc và nguồn nước ngọt các tàu buôn lấy cũng từ giếng nước của làng vì quanh vùng không đâu có nước ngọt. Sau này, khi dân cải tạo lại giếng đã phát hiện có mạch nước ngầm bắt nguồn từ đỉnh núi”.

Ông Duyệt cũng cho hay, nhiều năm nơi đây xảy ra hạn hán, khô hanh, nhưng giếng Hệu không hề cạn, thuyền các nơi đều ghé qua đảo để lấy nước ngọt. Về sau, khu vực Cái Làng bị cát biển bồi lấp khiến tàu, thuyền khó cập bến, thương cảng không còn tấp nập, người dân mới di cư sang vùng khác để sinh sống, rất ít người bám trụ ở Cái Làng. Hiện nay, chính quyền xã Quan Lạn đã đầu tư xây dựng thành giếng bằng đá, trát xi-măng nhô cao, đồng thời xây một tấm bia bên cạnh giếng, đề câu thơ: “Khi đi tóc mới ngang vai/ Gội đầu giếng Hệu, tóc dài ngang lưng”.

... Đến giếng thiêng rùa vàng

Giếng Đình không nằm cùng dãy núi với giếng Hệu mà tách biệt riêng qua một eo biển, ngoài eo biển có hai đầu núi nhô ra tạo nên một cửa hẹp mà dân bản địa gọi là Cống Cái. Giếng Đình nay thuộc thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn, còn có tên gọi khác là giếng Rùa Vàng, gắn với truyền thuyết dân gian còn lưu truyền đến ngày nay.

Theo truyền thuyết, ngày xưa, dưới giếng xuất hiện một con rùa vàng sống ở kẽ đá. Thi thoảng người ta mới thấy rùa nổi lên khỏi mặt nước (thường từ ngày 10 đến 20 tháng 6 âm lịch hằng năm). Dân trong vùng không ai dám bắt hay đụng đến rùa vàng, vì cho rằng đó là rùa thần cai quản giếng nước. Theo lời các cụ kể lại thì giếng Đình là huyệt đất quý, cả vùng đảo rộng mênh mông không nơi nào có huyệt đất quý như ở giếng Đình. Gần giếng là một ngôi đình lớn, cửa đình nhìn ra chỗ giao thoa của hai dòng nước: Nước ở Cống Cái chảy vào và nước ở thương cảng cổ đưa lên. Do vị trí đắc địa của giếng Đình cùng với sự xuất hiện của rùa vàng trong giếng khiến người dân địa phương cho đó là điềm lành.

Nói đến tích rùa vàng trong giếng Đình, ông Phạm Quốc Duyệt cho biết: “Người dân trong vùng đều coi rùa trong giếng là rùa thần, bảo vệ người làng được bình yên. Hơn nữa, nhiều nhân tài, nhiều vị tướng nổi danh cai trị vùng biên ải có nguồn gốc từ vùng đảo này. Dân địa phương cho rằng, rùa thần ở giếng chính là vị thần tạo ra nhiều nhân tài ở đảo”.

Hiện nay, giếng Đình đã được chính quyền địa phương nâng cấp, xây thành cao, lát nền sân, trở thành địa chỉ tham quan của khách du lịch. Cuộc sống ngày càng phát triển, nước cho sinh hoạt đã đến từng gia đình, không còn hộ dân nào phải ra giếng gánh nước nữa. Thỉnh thoảng vẫn có tàu bè qua lại vùng biển dừng ở đó lấy nước ngọt từ giếng.

Nguyên Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây