Người nuôi chim trời giữa lòng thành phố

Thứ năm - 25/04/2019 11:20
Có một người không vợ con, mưu sinh vất vả bằng nghề bán cây kiểng dạo. Ấy vậy mà lúc nào ông cũng dành tiền để mua lúa gạo, bánh cho hàng trăm con chim bồ câu và se sẻ. Đó là ông Nguyễn Văn Chương, 56 tuổi, ngụ phường An Bình, TP Cần Thơ...
Ông Chương cho đàn chim ăn - Ảnh: MINH TÂM
Ông Chương cho đàn chim ăn - Ảnh: MINH TÂM

"Việc dùng tiền của mình mua thức ăn để nuôi chim trời trong nhiều năm ròng rã như chú Chương rất có ý nghĩa. Phải là người có tâm, yêu động vật lắm mới làm được điều này" Chị Lê Hoàng Anh (nhân viên bưu điện).

Tờ mờ sáng, tại đại lộ Hòa Bình, công viên Tao Đàn, hình ảnh những cánh chim bồ câu chao liệng, tiếng chim se sẻ ríu rít khiến khung cảnh Cần Thơ thêm yên bình, an lạc. Tại góc trái vỉa hè của Bưu điện thành phố Cần Thơ, đối diện với công viên Tao Đàn, ông Chương lấy chổi quét rác.

 Rồi ông lấy hai bọc lúa và gạo rải ở hai chỗ riêng biệt. Sau đó ông ngắt bánh bò thành từng mẩu nhỏ xíu vừa miệng bọn chim, búng đều trên vỉa hè. Khi ông huýt gió, những chú bồ câu đậu gần trên cây sao, trên dây điện, tầng nhà bưu điện bay xuống trước. Dần đến những con bồ câu ở công viên Tao Đàn, các khách sạn cũng lượn vòng đáp xuống lăng xăng mổ thức ăn. Sau đó là những bầy se sẻ.

Chim ăn ngày 3 cữ

"Se sẻ rất nhát hơi người nhưng lại khoái bánh bò nên búng bánh bò một hồi, chúng sẽ xuống". Quả thật, sau một hồi thăm dò bầy se sẻ cũng nối cánh nhau bay xuống, mổ tới tấp những mẩu bánh nho nhỏ của ông Chương. Riêng bầy bồ câu rất dạn dĩ, dường như chúng coi ông là người thân. Cứ ông ngồi ở đâu rải thức ăn là chúng bay xuống bu quanh. Có một con cứ đập cánh bay lên bay xuống trước mặt ông. Ông vừa ném bánh bò về phía chim, vừa giải thích: "Con này bị sứt môi. Trong bầy nó là con rất hay làm nũng, nhảy lên nhảy xuống để được tui cho ăn nhiều hơn".

Có lẽ quen với hình ảnh người đàn ông trạc ngũ tuần mặc áo thun bạc màu, quần tây xắn lên quá gối, khuôn mặt sạm đen ngồi cho chim trời ăn nên những người tập thể dục đi ngang cứ ới ông vài câu. Riêng những người khách lạ thì thích thú đứng nhìn. 

Trong đó có một đoàn năm người gồm một hướng dẫn viên du lịch và bốn du khách nước ngoài đi ngang, nhìn thấy ông Chương đang ngắt bánh bò cho chim ăn nên hiếu kỳ dừng lại lấy máy ảnh ra chụp. Ông Võ Minh Đức, chạy xe ôm gần đó, kể: "Suốt sáu năm nay, dù nắng hay mưa ông ấy cũng cho chim ăn ngày ba cữ sáng, trưa và chiều. Nhờ có ông mà chim bồ câu kéo về góc đại lộ này ngày càng đông, giờ cũng tầm trên 150 con".

Cứ vậy, con ăn no thì vỗ cánh bay đi, con chưa ăn thì bay đến, cho đến hơn nửa tiếng đồng hồ đàn chim mới ăn xong. Lúc này ông Chương mới bắt đầu cuộc mưu sinh của mình bằng nghề bán kiểng dạo. Bán đến trưa, ông ghé vào quán ăn cơm trưa, rồi vội vã đến bưu điện cho chim ăn cữ trưa. Chim ăn xong, cũng gần 13 giờ, ông lại tiếp tục công việc mưu sinh của mình. Và khi đến 17 giờ, lúc vòng bánh xe kết thúc một ngày mưu sinh, ông lại đến cho chim ăn cữ cuối.

 Trước khi ông về, vài con bồ câu hình như quyến luyến, cứ bay vòng xung quanh ông. Ông đưa tay ra, một con bồ câu liền đậu xuống. Ông nhẹ nhàng vuốt ve một cách trìu mến rồi tung nó lên trời. Nhìn theo cánh chim bay, ông bung nụ cười hạnh phúc: "Chỉ cần bao nhiêu đó cũng đủ khiến tôi hết mệt nhọc, đêm ngủ ngon thẳng cái tới sáng".

Người nuôi chim trời giữa lòng thành phố - Ảnh 3.

Đồng tiền kiếm được vất vả từ việc bán cây kiểng dạo được ông Chương dùng để mua thức ăn nuôi chim trời - Ảnh: MINH TÂM

Chim - người yêu nhau

"Nuôi riết rồi "mến cánh mến chân", xem tụi nó như con. Ngược lại chúng cũng rất mến mình" - ông Chương nói. Sáu năm trước trong lúc tâm trạng đang buồn, ông lấy bánh bò ngắt từng mảnh vụn rồi búng ra cho bồ câu đậu trên vỉa hè xem chim có ăn không. Không ngờ chúng tranh nhau ăn. Vậy là ông lấy hết chục bánh bò mà mình định ăn sáng ngắt hết cho chim và nhìn đàn bồ câu lúng xúng mổ lia lịa những mẩu bánh nhỏ xíu.

 Rồi khi ăn xong, chúng tung cánh bay rợp cả một góc trời ông thấy lòng bình lại, những buồn phiền cũng tan biến mất. Vậy là từ đó, sáng nào ông cũng mua bánh bò cho chim ăn điểm tâm. Sau đó, số bánh phải tăng lên khi lượng bồ câu dần đông lên và se sẻ cũng kéo đến. Để ý ông mới biết đây là những con bồ câu trời, sống rải rác ở những ô cửa khách sạn, bưu điện, thư viện. Riêng se sẻ thì vô biên.

Ông Chương nghĩ mình với chim có thiện duyên nên chúng mới kéo đến đông như vậy. Thôi thì mình cho chim ăn, đổi lại chúng sẽ khiến tâm mình bình lại và mình cũng có niềm vui sống, có bầu có bạn. Ông cho biết mỗi ngày chim ăn 4 kg lúa, 0,5kg gạo, 20 bánh bò. Mỗi ngày vị chi ông xuất ra 60.000 đồng cho... chim.

Ông nói tiền kiếm được từ bán cây kiểng dạo chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng. Trong đó tiền thuê nhà trọ 1 triệu đồng/tháng; rồi tiền ăn uống, sinh hoạt, còn dư bao nhiều ông dồn hết cho những con chim trời. Nhiều người thấy ông vất vả, quanh năm chỉ vài bộ đồ cũ bạc màu, sờn vai nên buông lời thị phi: "Không vợ con, đúng ra phải lo tích cóp tiền bạc phòng thân. 

Lại đi làm chuyện tào lao". Ai nói gì thì nói, ông cười bảo nhờ cho chim ăn mà tinh thần ông thoải mái, ít bệnh tật bởi đi đâu trong thành phố cũng nghe chim hót, hoan hỉ cả ngày. Còn chuyện già cả mai sau, ai cũng có số mà...

Ông bảo giữa mình và đàn chim hiểu nhau đến mức chúng có thể đọc được chữ viết của ông: "Có lần tôi thấy chim ăn ở vỉa hè, nhiều người qua lại khiến chúng hoảng sợ nên tôi quyết định dời thức ăn qua bên góc sân một cơ quan. Không biết làm sao cho lũ chim biết, tôi lấy phấn viết đại trên vỉa hè: thức ăn của các con dời qua góc sân kế bên, cách đây khoảng 50m". Ông vẽ thêm mũi tên chỉ hướng. 

Ông bảo: "Cứ ngỡ viết vui vậy thôi nhưng không ngờ hôm sau đến giờ ăn, cả đàn đều bay qua góc sân mới giống như đã đọc được chữ của tui vậy. Được vài ngày, tôi lại thấy không ổn bởi sân hơi nhỏ khiến đàn chim ăn rất khó khăn. Tôi đành dời lại chỗ cũ. Vậy là tôi viết thông báo trên sân: Ngày mai, các con sẽ ăn lại chỗ cũ. Y như lần trước, chúng lại quay về nơi cũ".

Ông còn tìm mọi cách để bảo vệ chim. Hễ nhác thấy những kẻ cầm súng săn là ông chạy lại ghi số xe, rồi điện báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên có những lúc ông cũng không ngăn chặn được những bàn tay đoạt mạng những con vật nhỏ bé đáng thương đó. Đó là những lúc đang đi bán cây kiểng, ông tự nhiên thấy lòng bồn chồn, khó chịu, linh tính chuyện không hay thì nhận được cú điện thoại cho biết có người đi xe hơi sang trọng, dùng súng hơi bắn chết chim. Ông hốt hoảng chạy đến nơi lượm xác mà nước mắt chảy ròng ròng. Ông buồn, ông giận bọn người lấy trò sát sanh làm vui...

Hiệu ứng tốt lành

Hai anh bảo vệ tên Phan Ngọc Tú và Nguyễn Văn Mai của Bưu điện TP Cần Thơ mỗi khi thấy ông Chương bệnh không đến thì cho chim ăn thay ông. Hoặc những người bán hàng rong thỉnh thoảng cũng góp sức bằng lon gạo, ký lúa. Nhờ đó, chim không đói ngày nào. Hoặc khi có ai định săn bắn chúng, họ chạy đến ngăn lại để bảo vệ cuộc sống của đàn chim.

Nguồn tin: Tuổi trẻ Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây