Chuyện những người bảo vệ cột mốc biên giới

Thứ tư - 14/06/2023 12:10
'Có đứng cạnh, tận mắt nhìn thấy, tận tay sờ lên cột mốc - nơi có in hai chữ Việt Nam mới thấy hết được sự thiêng liêng của cột mốc chủ quyền. Từ đó càng thôi thúc bản thân phải có trách nhiệm bảo vệ' - ông Sinh Von, người có hơn 10 năm sinh sống, làm việc gần khu vực cột mốc 65/1(2) trên đoạn biên giới do Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu quản lý, bảo vệ chia sẻ.
Chuyện những người bảo vệ cột mốc biên giới

VIỆC LÀM Ý NGHĨA

Ông Sinh Von (người Khmer) có dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm đen cùng nụ cười hiền, chất phác. Từ nơi khác về đây sinh sống, hơn 10 năm qua, ông đã gắn bó với xã biên giới Hưng Phước, huyện Bù Đốp với công việc bảo vệ vườn cao su ở vị trí giáp biên. Ngôi nhà ông ở chỉ cách cột mốc 65/1(2) khoảng 100m. Mỗi ngày ngoài việc trông coi, chăm sóc vườn cao su, ông Von đều dành thời gian để thăm nom, bảo vệ cột mốc biên giới.

Ông Sinh Von cùng cán bộ biên phòng phát quang, vệ sinh cột mốc
Ông Sinh Von cùng cán bộ biên phòng phát quang, vệ sinh cột mốc.

Ở tuổi 60, ông Von đã chứng kiến những năm tháng khốn khó, nhất là thời điểm chiến tranh biên giới còn diễn ra. Vì thế, ông càng thấu hiểu và thêm trân quý nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cũng như giá trị của việc chung tay bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Ông chia sẻ: “Tôi sinh sống, làm việc chỉ cách nước bạn một dòng sông nhỏ, bên này là đất mình, bên kia là đất bạn. Ngày nào dù bận mấy cũng phải đến thăm cột mốc. Mỗi lần chạm tay vào cột mốc chủ quyền, nơi có hai chữ Việt Nam là tôi lại thấy bồi hồi xúc động. Cột mốc bẩn, tôi lau chùi, xung quanh thì phát quang cỏ. Tôi sẽ còn làm công việc này đến khi chân không thể đi, mắt không thể nhìn”.

Nói chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Hoàng Văn Hùng, Phó Đội trưởng Đội trinh sát Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu cho biết: Ông Von ở cạnh biên giới, cạnh cột mốc nên hễ có thông tin gì đều gọi báo ngay cho đồn. Với sự bảo vệ của ông Von, cột mốc 65/1(2) luôn sạch sẽ và thoáng đãng. Việc làm của ông có ý nghĩa rất lớn.

CHUNG TAY BẢO VỆ

Cũng là chăm sóc, bảo vệ cột mốc, nhân dân ấp 4, xã Hưng Phước lại có cách làm khác. Việc cùng Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu tổ chức tuần tra, phát quang đường biên, cột mốc đã trở nên rất quen thuộc với mỗi người dân nơi đây. Mỗi tháng một lần, có khi mỗi tuần một lần, Ban điều hành ấp 4 lại cử người phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu tuần tra, bảo vệ biên giới. Hành trang mỗi lần tham gia là khăn sạch, cuốc, rựa và chổi tre. Mỗi người một việc, người phát cây, cuốc cỏ, người lau cột mốc, quét dọn. Tất cả đều được thực hiện một cách thuần thục và tự nguyện.

Nhân dân ấp 4 cùng cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu vệ sinh cột mốc
Nhân dân ấp 4 cùng cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu vệ sinh cột mốc.

Hiểu được trách nhiệm của công dân với đất nước, bà con trong ấp tình nguyện đóng góp kinh phí để cùng đồn biên phòng làm sân chào tại cột mốc 65/3(2). Chị Nguyễn Thị Sen, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp 4, xã Hưng Phước cho hay: Trong những lần tham gia tuần tra, phát quang, bảo vệ cột mốc, thấy nền sân cột mốc chưa đẹp và bằng phẳng, nên khi phát động, nhân dân trong ấp nhiệt tình hưởng ứng. Người góp công, người góp của để cùng đồn xây dựng sân chào cột mốc biên giới. Có sân chào cột mốc, người dân lại cùng nhau trồng hoa xung quanh để tạo cảnh quan cho khuôn viên.

“Việc làm này không chỉ góp phần làm vơi bớt khó khăn, vất vả cho các chiến sĩ biên phòng khi tuần tra, kiểm soát vùng biên, cột mốc vào mùa mưa và còn làm đẹp diện mạo biên giới quốc gia. Đồng thời thể hiện tinh thần, trách nhiệm của mỗi công dân với nhiệm vụ bảo vệ biên giới” - chị Sen tự hào.

Cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu giới thiệu về lịch sử hình thành cũng như cấu tạo của cột mốc cho nhân dân
Cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu giới thiệu về lịch sử hình thành cũng như cấu tạo của cột mốc cho nhân dân.

"Khi tới lượt được phối hợp tuần tra, phát quang, bảo vệ cột mốc, người dân đều hăng hái và nhiệt tình. Bởi ai cũng biết, chung tay cùng bộ đội bảo vệ đường biên, cột mốc chính là bảo vệ nhà mình, bảo vệ người thân, xóm làng nơi sinh sống. Đó là trách nhiệm chung của mọi người dân chứ không phải của riêng ai. Chị NGUYỄN THỊ BƯỞI, ấp 4, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp"

Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 21,655km với 33 cột mốc, trong đó 2 cột mốc chính và 31 mốc phụ. Phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ được đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai sâu rộng trong toàn thể cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Thiếu tá Nguyễn Trường Sơn, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu cho hay: Khi triển khai phong trào đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và sự tham gia nhiệt tình của các tập thể, cá nhân trên địa bàn. Trong thời gian tới, đồn sẽ tiếp tục phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể lan tỏa sâu rộng hơn nữa để từ đó phát huy trách nhiệm của mỗi người dân, tổ chức chính trị - xã hội trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó tình quân - dân trên biên giới.

Nguồn Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây