Phòng khám phát thuốc y học cổ truyền miễn phí hơn 60 năm ở TP.HCM

Thứ năm - 01/06/2023 03:37
Mỗi sáng, 20 y sĩ cùng những người làm công quả tại tổ đình Hưng Minh Tự (Q.6, TP.HCM) luôn tất bật thăm khám, bốc thuốc miễn phí cho hơn 500 lượt bệnh nhân.
Tấp nập đóng gói thuốc phát miễn phí cho người bệnh
Tấp nập đóng gói thuốc phát miễn phí cho người bệnh
Chính thức hoạt động từ năm 1961, phòng chẩn trị y học cổ truyền miễn phí tại tổ đình Hưng Minh Tự là điểm đến quen thuộc của nhiều người dân muốn được khám chữa bệnh bằng thuốc nam, châm cứu.

MỖI HỘI QUÁN LÀ 1 PHÒNG KHÁM MIỄN PHÍ

Ông Lê Đức Thắng, Tổng thư ký Ban Trị sự Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, cho biết tiêu chí của giáo hội là mỗi hội quán phải có 1 phòng chẩn trị y dược cổ truyền để chữa bệnh, phát thuốc miễn phí giúp người dân. Hiện nay, giáo hội có 212 phòng khám miễn phí, tương đương 212 hội quán ở 18 tỉnh, thành trên cả nước. Riêng TP.HCM có 8 phòng khám.

Ngày trước, các phòng khám chủ yếu thu mua dược liệu từ người dân. 20 năm trở lại đây, diện tích dược liệu thu hẹp, giáo hội phải trồng thêm gần 40 ha ở các tỉnh miền Tây, sau đó phân phối đến các cơ sở để cấp thuốc miễn phí cho người bệnh.
a
Mỗi buổi sáng, phòng khám phục vụ khoảng 500 người bệnh.
"Những gia đình chuyên trồng dược liệu thì chúng tôi thu mua lại, còn những nhà trồng xen kẽ vào cây ăn trái sẽ ủng hộ cây thuốc đó để giúp người bệnh. Tất cả các phòng khám đều có giấy phép của Sở Y tế và nhân lực được đào tạo tại trung tâm của giáo hội", ông Thắng chia sẻ.
 
Bà Trương Thị Phương Thanh, y sĩ phụ trách phòng khám tại tổ đình Hưng Minh Tự, cho biết phòng khám có 3 y sĩ châm cứu, 20 y sĩ khám, phát thuốc cùng sự hỗ trợ của nhiều người làm công quả. Tại phòng khám trung bình có trên 200 cây dược liệu phổ biến như: cây đậu xanh, cây dâu tằm ăn, nhãn lồng, rau mơ, rễ chanh, diếp cá, húng lủi, ngải cứu, ích mẫu, đinh lăng… lúc nào cũng có sẵn.
 
a
Vườn dược liệu mẫu tại tổ đình Hưng Minh Tự.
"Phòng khám mở cửa từ 7 - 11 giờ từ thứ ba đến chủ nhật hằng tuần, thứ hai đóng cửa để chuẩn bị thuốc. Mỗi ngày, phòng khám đón 500 người bệnh đến thăm khám và 130 lượt châm cứu, cuối tuần còn đông hơn nữa. Bất kể là ai, từ đâu đến, hoàn cảnh thế nào… chúng tôi đều không lấy tiền", bà Thanh cho hay.

Yêu thương tiếp nối yêu thương

Ngoài các y sĩ làm việc trực tiếp với người bệnh, tại đây cũng có nhiều người được phân công nhiệm vụ tại khu trồng dược liệu mẫu, khu bào chế. Bên trong phòng khám, 3 dãy ghế chờ luôn kín người, phía ngoài, các dãy ghế đá cũng có đông đảo người chờ tới lượt vào khám, nhận thuốc. Tranh thủ tắt app ứng dụng, anh Ninh Đức Lộc (53 tuổi, tài xế công nghệ) tấp vào lấy thuốc cho con bị bệnh gan. Anh kể: "Con tôi bị gan nên giờ ngứa, xổ ra ngoài da. Cháu từng tới đây khám, mà nay giờ học nên tôi qua lấy thuốc thay con. Lần này là lần thứ mười mấy tới lấy thuốc tôi cũng không nhớ, nhưng từ ngày có thuốc miễn phí này thì tiết kiệm được nhiều chi phí lắm".
Được hàng xóm giới thiệu, bà Võ Thị Bé (46 tuổi, Q.Bình Tân) cũng tới lui phòng khám trong hơn 1 tháng qua để lấy thuốc trị bệnh giãn tĩnh mạch, cao huyết áp. Thấy hiệu quả, gần đây mỗi lần đi thăm khám, bà Bé lại giúp chở thêm người cao tuổi trong xóm đến lấy thuốc các bệnh của người già.

"Tôi đã tốn nhiều tiền thuốc lắm rồi mà không bớt, nhưng chuyển qua điều trị theo y học cổ truyền thì khỏe hơn nhiều, cảm thấy rõ được sự thay đổi. Các y sĩ cũng vui vẻ, hòa nhã nên quay lại bao nhiêu lần tôi vẫn thấy thoải mái", bà Bé nhận xét.

Tất bật đóng gói thuốc để phát cho người bệnh, bà Lê Thị Mỹ Hạnh (54 tuổi) cho hay hơn chục năm trước bà từng đến đây xin thuốc trị nhân xơ tử cung, sỏi thận. Cảm nhận được hiệu quả, tâm khỏe, thân khỏe, bà bắt đầu đến phòng khám xin làm công quả, góp sức hỗ trợ người đi khám bệnh.

Phòng khám phát thuốc y học cổ truyền miễn phí hơn 60 năm ở TP.HCM - Ảnh 4.
"Trước thì tôi chỉ đến vào ngày chủ nhật, từ 2015 đến nay, con lớn rồi nên tôi nghỉ làm quản lý kho giày da, vào đây làm góp sức cùng mọi người. Thông thường, mỗi người khám xong sẽ nhận được 4 ngày thuốc, ai ở xa thì nhận 6 ngày thuốc. Ở đây có nhiều người từng nhận thuốc rồi sau đó ở lại làm công quả như tôi", bà Hạnh nói.
Nguồn Thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây