Niềm vui mỗi ngày của nữ điều dưỡng
Tuy chỉ mới có 2 năm tuổi nghề tại khoa Tiết niệu (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM), điều dưỡng Phạm Thị Thu Đông (23 tuổi) đã trở nên thân quen với các bệnh nhân trong khoa. Chỉ cần nhìn thấy bóng dáng nhỏ nhắn của chị xuất hiện, các bệnh nhân đều vui vẻ chào: “Hoa khôi” đến rồi.
Phạm Thị Thu Đông - người vừa giành được danh hiệu hoa khôi Nét đẹp thầy thuốc trẻ lần đầu tổ chức tại TP.HCM vào tháng 4 vừa qua. Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt thường trực là nụ cười tươi. Mỗi ngày, Thu Đông luôn bận rộn với công việc chuẩn bị thuốc, thay băng, chăm sóc bệnh nhân của mình.
Dù mới vào nghề nhưng với Thu Đông, mỗi người bệnh là một câu chuyện, một sự sẻ chia. Tâm sự về nghề, cô không thể quên “bà ngoại” - một bệnh nhân ung thư tiết niệu giai đoạn cuối hơn 80 tuổi - do cô trực tiếp chăm sóc.
“Hôm đó, trong buồng thang máy chật chội, tôi đang loay hoay ôm hồ sơ, chăm chú bấm nút chuyển thang thì một giọng nói vang lên bên cạnh: ‘Con nắm tay bà một lát được không?’. Đó là một bà cụ trên 80 tuổi, mái tóc bạc và đôi mắt sâu thẳm nhiều tâm sự. Khi lùi chân để đứng cạnh và nắm bàn tay ấm của bà, tôi nghĩ mình là người hạnh phúc nhất trong ngày hôm đó”, Thu Đông nhớ lại vào một ngày cuối năm cách đây 2 năm. Đó là ngày cô gặp bệnh nhân của mình, khi bà đến lịch đi hóa xạ trị.
Bà cụ là bệnh nhân ung thư tại khoa Tiết niệu do Thu Đông trực tiếp chăm sóc. Từ cái nắm tay ngày hôm đó, mỗi ngày, Thu Đông không chỉ làm công việc chuyên môn của một điều dưỡng, cô còn cùng bà chia sẻ những câu chuyện vui buồn. “Sự gần gũi của bà làm tôi nhớ đến bà ngoại trong ký ức tuổi thơ của mình”, Thu Đông bày tỏ.
Hóa xạ trị thường khiến bệnh nhân ung thư rất mệt mỏi nên ngoài việc theo dõi các chỉ số, điều dưỡng còn là người quan tâm đến sức khỏe tinh thần của bệnh nhân. Mỗi sáng bước vào, Thu Đông đều hỏi “bà ngoại” xem đêm qua bà ngủ ngon không, có đau nhiều không, ăn được không, có muốn ra ngoài đi dạo.
Bà cụ cũng luôn để dành cho cô cháu gái điều dưỡng khi thì quả quýt, khi miếng bánh, viên kẹo hoặc chỉ đơn giản là một nụ cười, một cái nheo mắt âu yếm. Lúc đấy Thu Đông thấy ở "bà ngoại" tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống, dù ở hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo.
Những ngày cuối năm 2022, trước khi ra viện, bà cụ muốn chụp một bức hình cùng cô điều dưỡng mà bà coi như cháu gái này. Có lẽ cũng biết được tình trạng bệnh của mình, bà dặn dò Thu Đông: “Con nhớ giữ lấy hình của bà, để đó lỡ có quên mặt bà thì phải xem lại nghen!”.
Được "chữa lành" từ chính người bệnh
Sau khi ra viện một thời gian thì bà cụ qua đời nhưng với Thu Đông, cái nắm tay ấm áp trong thang máy ngày hôm đó là sự trao nhận yêu thương, là nguồn năng lượng tích cực mà cô nhận được từ chính người bệnh của mình.
“Tôi luôn nghĩ rằng sự yêu thương, 'tự chữa lành' bắt nguồn từ những điều vô cùng nhỏ bé. Người bệnh đến với chúng tôi là để được chữa lành về thể xác lẫn tinh thần, và tôi nhận ra nhân viên y tế như chúng tôi cũng đang được chữa lành bởi chính người bệnh của mình”, Thu Đông chia sẻ.
Thu Đông trong cuộc thi Nét đẹp thầy thuốc trẻ. Ảnh: NVCC.
Theo GS.TS.BS Trương Quang Bình, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, điều dưỡng là người phối hợp với bác sĩ trong việc trả lại sức khỏe cho người bệnh, trong khi thu nhập chưa được bằng bác sĩ. Phải là những con người dũng cảm, chịu hy sinh, chân thành, bền bỉ thì mới chọn, đứng vững và vui với công việc của mình.
Còn Thạc sĩ, điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, nhìn nhận khi công việc ngày càng nhiều, bản thân chị nhiều khi cũng rơi vào tình trạng khó kiểm soát, dễ cáu gắt, nóng giận, kèm theo đó là cảm giác bất lực khi thấy sức khỏe người bệnh tiến triển không tốt.
Nhưng rồi chính câu chuyện về nghị lực, lạc quan sống đã giúp chị cảm thấy mình còn may mắn, quyết tâm đến với nghề, vượt qua khó khăn, bước tiếp con đường đã chọn.
Điều dưỡng Thu Đông chăm sóc bệnh nhân trong khoa Tiết niệu. Ảnh: BVCC.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược khẳng định: “Vượt lên trên cả những khó khăn của nghề điều dưỡng, tôi còn thấy lòng biết ơn của các bạn dành cho chính những người bệnh của mình. Biết ơn vì người bệnh đã tin tưởng, trao cho các bạn cơ hội chăm sóc, và từ đó, các bạn hoàn thiện mình, phụng sự người bệnh tốt hơn mỗi ngày”.
Nhằm tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà Florence Nightingale - người đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của ngành Điều dưỡng hiện đại, cũng như sự ghi nhận, tôn vinh vai trò của người Điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh, năm 1965, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) đã chọn ngày 12/5 hàng năm là ngày "Quốc tế Điều dưỡng".
Năm 2024 với chủ đề “Điều dưỡng của chúng ta, tương lai của chúng ta - Sức mạnh kinh tế của chăm sóc điều dưỡng”, ICN khẳng định nghề điều dưỡng đóng vai trò quan trọng trong tương lai, mang lại sức mạnh kinh tế qua hoạt động chăm sóc y tế, giúp con người và xã hội khỏe mạnh, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Nguồn Vietnamnet.vn