Năm 1993, nhà giáo ưu tú Phạm Thị Vy nghỉ hưu. Bà tự nhủ sẽ làm một điều gì đó có ích cho cộng đồng. Rồi bà Vy ra đường, thấy chỉ với 1 thúng xôi, một hàng phở, hàng bún vỉa hè, người ta cũng nuôi sống cả nhà một cách đàng hoàng.
Người nghèo làm gì có điều kiện để đi học tử tế. Nếu dạy họ một cái nghề giắt lưng để họ tự nuôi sống mình, chắc là được. Ý tưởng về Hoa Sữa bắt đầu nhen lên âm ỉ trong lòng.
Có ý tưởng, bà Vy liền đi "kiếm" người học từ tổ bán báo Xa mẹ (do vợ chồng ông Vũ Tiến sáng lập) và Trường Nguyễn Viết Xuân - nơi nuôi dạy con em thương binh, liệt sĩ từ nhỏ cho tới khi học xong.
Từng có người thắc mắc, sao bà lại giúp hai đối tượng trái ngược thế? Một bên là con em của những người có công, một bên... rất bụi đời.
Bà Vy tâm sự: Hai đối tượng có thể có xuất xứ khác nhau nhưng tôi nghĩ chúng đều là những đứa trẻ không may mắn, khó khăn và đều cần được giúp đỡ. Biết đâu học cùng nhau, những cái hay, cái tốt được lan tỏa hơn.
Cũng theo bà Vy, lớp học không kén chọn, không xếp loại học trò, cứ có hoàn cảnh khó khăn, thích học là nhận hết.
Trường nữ công tư thục Hoa Sữa ra đời. Đặc biệt, với sự giúp đỡ của bà Song Thư Bideaux Nguyễn (một Việt kiều Pháp) và nhiều tình nguyện viên làm không công, Hoa Sữa đã đưa ba nghề nấu ăn Âu, phục vụ bàn, nhất là bánh mì - bánh ngọt Pháp, vào đào tạo một cách bài bản. Những năm 1990 đó, bánh ngọt Pháp vẫn là một điều gì đó mới mẻ ở Hà Nội.
Bà Vy vẫn con nhớ như in hình ảnh những chiếc bánh mì, bánh ngọt "made in Hoa Sữa" đầu tiên ra đời. "Các em sung sướng, hăm hở. Học một hồi ra một chiếc bánh, lại được ăn. Thấy cái nghề rất thiết thực mà không phải tưởng tượng".
Vì không có điều kiện, giai đoạn đầu, trường "phân thân" đi thuê các chốn: học ở Bạch Mai, cửa hàng bánh thì ở Phan Chu Trinh. Còn ngủ nghỉ là một cái lán ở gần Giáp Bát.
Đó cũng là lúc thương hiệu và câu chuyện truyền cảm hứng của Hoa Sữa bắt đầu được nhiều người biết đến.
Một cán bộ thuộc Tổ chức Phát triển văn hóa và xã hội Tây Ban Nha đến thăm các em, chứng kiến nơi ở tạm bợ, ông khóc. Bà Vy bảo "đây đã là một sự cố gắng của tôi".
Phòng học làm bánh ở trường Hoa Sữa.
Ông nói: "Tôi thương các em một thì tôi thương bà 10; khi về, tôi sẽ làm ngay một đề xuất xây nhà nội trú cho các em trường Hoa Sữa".
Có tổ chức tài trợ xây nội trú nhưng không có đất. Thế là bà cặm cụi viết đơn xin đất, trong đó nêu rõ Nhà nước cấp đất, Tổ chức Phát triển văn hóa và xã hội Tây Ban Nha cho tiền xây nhà nội trú và Hoa Sữa dạy nghề.
Lúc đó, mô hình Hoa Sữa quá đặc biệt, thậm chí là "quái đản" (theo bà Vy) nên nhận được sự ủng hộ rất lớn từ TP Hà Nội. Bãi đất đó chính là nơi "đóng quân" của mấy trăm học sinh và thầy cô giáo Hoa Sữa hiện nay.
Phòng học may ở trường Hoa Sữa.
"Hoa sữa là loài hoa gắn với Hà Nội, bánh cũng là hoa của sữa. Mô hình Hoa Sữa rất gần hình dáng loài cây này ở chỗ: Mỗi năm sẽ có thêm các tán mới, từ những tán cây đó trổ ra những bông hoa nhỏ li ti mà thơm ngát như học trò của chúng tôi", cô Vy chia sẻ.
Bà Vy nay đã nghỉ hưu nhưng văn hóa lấy con người làm trọng của Hoa Sữa vẫn tiếp tục được gầy dựng và phát triển bởi một thế hệ lãnh đạo mới. Từ vài chục học viên năm xưa, sau gần 30 năm có hơn 13.000 học viên đã tốt nghiệp tại ngôi trường này.
Đến thăm Hoa Sữa trong một ngày nắng lạnh lạnh, bên trong dáng hình rêu phong hoài cổ, mùi bánh mới nướng bốc lên thơm lừng.
Hôm đó cũng là ngày Hoa Sữa đón 100 em học sinh dân tộc ít người của thị xã Sa Pa về tham quan trải nghiệm, 1/3 trong số đó ở lại nhập học.
Trong cuộc nói chuyện giữa nhà trường và đoàn công tác của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã, nhiều em học sinh bẽn lẽn giơ tay hỏi: "Học ở đây em có được miễn phí không?".
Các em người dân tộc thiểu số ở Sa Pa chia sẻ đến đây học làm bánh.
Khi nghe một giáo viên trả lời tất cả học sinh dân tộc ít người học đều không phải đóng phí, nhà trường còn giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp, mặt mũi em nào em nấy giãn ra.
Bà Lê Thị Kim Phượng, hiệu trưởng hiện tại, kể giờ đây Hoa Sữa mở rộng ra nhiều hệ, có sơ cấp, có trung cấp, khuyết tật - tự kỷ và theo yêu cầu. Cũng có thêm những ngành đào tạo mới. Trung bình hằng năm trường có 300-400 học viên.
"Khó khăn bây giờ cũng nhiều nhưng Hoa Sữa luôn mở rộng vòng tay đón nhận những ai yếu thế muốn đến đây học nghề và mong muốn trở thành người có ích cho xã hội", bà Phượng nói.
Bản thân bà Phượng, vốn là một giáo viên văn cấp III, nhiều năm trước xin vào Hoa Sữa với ý nghĩa làm tạm trước khi tìm một chỗ khác ổn hơn. Sau rốt, vì duyên nợ, hơn hết bị chính Hoa Sữa với triết lý và sự tử tế của nơi này hấp dẫn, ở lại tới tận bây giờ.
(Theo Tuổi trẻ)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự