Tình người lan tỏa từ những căn bếp nhỏ giữa lòng Sài Gòn

Thứ sáu - 31/05/2024 09:38
Người Sài Gòn vốn sống hào sảng, thân thiện và giờ đây họ còn tìm mọi cách để làm được những điều tử tế cho cộng đồng.
Tình người lan tỏa từ những căn bếp nhỏ giữa lòng Sài Gòn

Căn bếp nhỏ, niềm vui to

Câu chuyện của chị Kim Phương (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) với căn bếp nhỏ tình thương đã hoạt động được 5 năm nay. Cứ đều đặn ngày 1 và ngày 15 (âm lịch) hàng tháng, căn bếp lại đầy ắp những tiếng cười, nói chuyện rôm rả của những thành viên trong nhóm đến để chuẩn bị những suất cơm cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên, chị Kim Phương nói: “Lúc đầu chị làm việc này trong phạm vi gia đình, nhưng hành động của chị lâu dần được sự ủng hộ của bạn bè, chị em trong khu phố, mỗi người đến phụ một tay, một chân".

tinh-nguoi-lan-toa-tu-nhung-can-bep-nho-giua-long-sai-gon

Căn bếp nhỏ của chị Phương nhộn nhịp từ tờ mờ sáng, các chị em trong khu phố cũng mỗi người giúp một tay, người góp tiền, người góp sức, tất cả chỉ mong lan toả tấm lòng nhỏ để giúp đỡ những người dân lao động.

Trong căn bếp, mỗi người một việc, người thì xào rau, nấu cơm, người chiên gà, chiên thịt, dường như tiếng cười nói trong căn bếp nhỏ làm quên đi mọi ưu phiền. Sau khi chế biến xong, các món ăn sẽ được bọc lại kĩ càng, xếp ngay ngắn trên bàn, đợi bà con đến để phát.

Đồng hành cùng chị Phương là bà Phạm Tuất (82 tuổi, ngụ Gò Vấp) tuy tuổi đã cao nhưng cũng tất bật tham gia hoạt động này, bà cười nói: “Mình già rồi, không còn lẹ chân lẹ tay, nhưng thấy việc làm của Phương là hành động yêu thương, nên tôi muốn góp sức để lan toả rộng rãi hơn”.

tinh-nguoi-lan-toa-tu-nhung-can-bep-nho-giua-long-sai-gon-0

Mỗi chị em trong nhóm của chị Phương có những hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau, tuy nhiên, với tinh thần sẻ chia khó khăn cùng với người lao động, tất cả họ đều đồng lòng thực hiện việc này đều đặn hàng tháng.

Nói về lý do bắt đầu hoạt động này, chị nói: “Tôi từng có thời gian công tác xã hội tại phường, được tham gia nhiều hoạt động và rất thích những hoạt động như thế này, thấy giúp ích được cho xã hội thì tôi làm thôi”.

Anh Bảo Minh (ngụ Gò Vấp) hào hứng chia sẻ: “Nhiều lúc thấy các cô, chú lớn tuổi không đi xa được, tôi phụ việc giao hàng tận nơi, thấy vậy cũng vui”.

tinh-nguoi-lan-toa-tu-nhung-can-bep-nho-giua-long-sai-gon-8

Hành động của chị Phương được sự ủng hộ nhiều người xung quanh. Trong đó, Hội Chữ thập đỏ quận Gò Vấp đã cung cấp 100kg gạo, 1 triệu đồng/tháng để giúp chị Phương duy trì việc làm của mình.

tinh-nguoi-lan-toa-tu-nhung-can-bep-nho-giua-long-sai-gon-4

tinh-nguoi-lan-toa-tu-nhung-can-bep-nho-giua-long-sai-gon-7

Hiện tại, ngày 1 (âm lịch) nhóm của chị Phương sẽ nấu 100 suất và phát tại nhà của chị, ngày 15 (âm lịch) chị sẽ nấu 200 suất và mang lên phường để phát cho người dân.

Gây quỹ vì người nghèo trong khu phố

Một trong những người Sài Gòn thích làm việc "bao đồng" khác là chị Nguyễn Thị Song Tâm (47 tuổi, chủ một tiệm mì nhỏ tại TP.HCM), đã cùng các chị em trong khu phố thực hiện quỹ “Tất cả vì người nghèo trong khu phố”.

Hàng tháng vào ngày 1 và 15 (âm lịch), căn bếp nhỏ của chị Tâm rộn ràng từ 5 giờ sáng, mùi thơm nghi ngút lan tỏa cả khu trọ nhỏ.

tinh-nguoi-lan-toa-tu-nhung-can-bep-nho-giua-long-sai-gon-99

Tại tiệm mì nhỏ của chị Tâm, chị và năm người bạn dậy sớm chuẩn bị nguyên liệu để nấu mì, hoành thánh, sủi cảo,… với giá chỉ 10.000 đồng/tô, còn bún riêu sẽ có giá 0 đồng. Tất cả lợi nhuận có được sẽ được đưa vào quỹ hỗ trợ cho người nghèo sống trong khu phố.

“Mặc dù kế hoạch nhỏ này mới được thực hiện trong hai tháng gần đây, nhưng đã mang lại nhiều ý nghĩa ngoài mong đợi, có thể góp một phần nhỏ giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, tôi và các chị em cảm thấy vui và hạnh phúc” – chị Tâm chia sẻ.

Hành động ý nghĩa của chị Tâm nhận được sự ủng hộ của nhiều cô, chú và các bạn trẻ.

tinh-nguoi-lan-toa-tu-nhung-can-bep-nho-giua-long-sai-gon-88

Chị Hồng Nga (ngụ khu phố 3) chia sẻ: "2 tháng nay, cứ ngày 1 và 15 (âm lịch) tôi đều đến để ủng hộ chị Tâm, tôi cũng muốn góp một phần công sức của mình để ủng hộ cho chị".

“Mì hoành thánh chỉ giá 10.000 đồng nhưng có đầy đủ thịt, rau, xá xíu, sủi cảo. Những người đến mua mà khó khăn thì cô không lấy tiền” - bà Hai (người dân ngụ phường 5, quận Gò Vấp) nói.

Lúc đầu, nhóm chị Tâm chuẩn bị khoảng 30/tô trong một buổi sáng, về sau tăng lên 50 tô, chị bán từ 6 giờ đến tầm 7 giờ là hết. Có nhiều người đến ăn mà ủng hộ 50.000 -100.000 đồng, có người lại mang thêm ít rau để ủng hộ. Họ mong rằng những tấm lòng nhỏ của họ có thể giúp đỡ được nhiều người nghèo trong khu phố.

"Sau khi bán xong, số tiền có được sẽ gửi về đại diện của khu phố để giữ lại, tôi mới thực hiện được hai tháng nay nên chưa được nhiều, chắc gom từ giờ đến Tết số tiền được nhiều thì mua quà, mua thuốc, giúp đỡ những người nghèo trong khu phố" - chị Tâm nói thêm.

tinh-nguoi-lan-toa-tu-nhung-can-bep-nho-giua-long-sai-gon-6

Chị Cao Thanh, hàng xóm của chị Tâm, cũng là người bạn đầu tiên cùng chị Tâm triển khai hoạt động gây quỹ “Tất cả vì người nghèo trong khu phố”, chia sẻ:

“Mấy chị em chúng tôi người thì phụ làm đồ ăn, người phụ làm rau, người phụ bưng bê, mỗi người một việc, thấy nhiều người đến nhận, tấm tắc khen ngon là chị em tôi vui” – chị Thanh chia sẻ.

Chị Mai Ly khách hàng quen thuộc của chị Tâm bày tỏ: “Ăn mì của chị Tâm nhiều nên tôi quen vị rồi, nay biết được việc làm của chị như vậy, tôi sẽ rủ bạn bè mình tới để ủng hộ cũng như góp sức giúp lan tỏa việc làm này”.

Hành động gây quỹ của chị Tâm cũng nhận được sự quan tâm, động viên của Hội Chữ thập đỏ quận Gò Vấp. Đại diện Hội chữ thập đỏ Quận Gò Vấp, chị Kim Loan chia sẻ: "Đây là việc làm đầy ý nghĩa, cần được lan tỏa rộng rãi hơn nữa, tôi cũng sẽ đồng hành cùng chị Tâm để giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn".

(Theo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây