Với tâm niệm sống “cho đi là còn mãi”, cả bốn thành viên gia đình ông Trịnh Văn Hải, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) đã quyết định đăng ký hiến tặng mô, tạng cho y học sau khi qua đời.
Gia đình ông Trịnh Văn Hải ở khối phố 8, phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh). Cái tên ông Hải “hiến tạng” chẳng còn xa lạ với người dân nơi đây. Cái biệt danh theo ông gần chục năm từ khi người ta biết ông đăng ký hiến mô tạng.
“Chúng tôi may mắn có được một cơ thể khỏe mạnh, một đôi mắt sáng, một trái tim không mệt mỏi… sau khi chết đi chúng tôi không còn sử dụng được nhưng sẽ còn rất nhiều người cần đến. Thật tuyệt vời nếu sự sống cứ thế được tiếp nối...”, ông Trịnh Văn Hải (Hà Tĩnh) nói.
Câu chuyện hiến mô tạng của gia đình ông bắt đầu vào một buổi tối năm 2015, khi ông Hải vô tình xem được lời kêu gọi hiến tạng được phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam.
“Lúc đó tiếng tivi văng vẳng rằng hiện nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng duy trì sự sống, song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng để ghép... Trong đó nguồn mô, tạng chủ yếu nhận được từ người đang sống, người thân hiến một quả thận, một phần gan. Nguồn tạng từ người cho chết não rất ít… Tôi nghĩ nếu như khi mình chết đi vẫn có thể duy trì sự sống cho ai đó thì thật tuyệt vời”, ông nhớ lại.
Những thông tin, hình ảnh của bản tin khiến ông xúc động. Ông vội vàng lấy giấy bút ra ghi lại địa chỉ liên quan để đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Có được thông tin, ông đã liên hệ tới số điện thoại của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (VNCCHOT) để đăng ký hiến tạng.
Qua điện thoại, ông được tư vấn viên giới thiệu chi tiết quy trình và các thủ tục dành cho người đăng ký tình nguyện hiến tạng vì mục đích nhân đạo. Sau đó, các giấy tờ thông tin được trung tâm gửi về tận gia đình.
“Cầm tờ đơn đăng ký trong tay, là lúc tôi đối diện một lần nữa với quyết định của bản thân. Nhưng tôi nghĩ khi con người mất đi đều trở về với cát bụi, vậy thì tại sao không để lại một bộ phận nào đó nếu nó vẫn có thể giúp ích cho người khác, như vậy cái chết của mình cũng ý nghĩa hơn. Suy nghĩ đó giúp tôi thêm tự tin với quyết định của mình”, ông Hải cười.
Trong tờ đơn đăng ký hiến tạng có 12 ô khác nhau tương ứng với 12 bộ phận cơ thể sẽ hiến tặng sau khi qua đời như xương, tủy, da, thận, gan, giác mạc... Đọc hết toàn bộ, ông mạnh dạn đánh dấu tất cả những gì có thể lấy được cho y học với mong muốn tiếp nối sự sống cho những người khác nếu có thể.
Trước đó, ông cho biết đã rất khó khăn trong việc thuyết phục người vợ của mình đồng ý để chồng hiến tạng. “Con người lúc xuôi tay nhắm mắt rồi sẽ chẳng thể mang theo được gì sang thế giới bên kia. Nếu biết trái tim hay quả thận của mình đang có người sử dụng thì xem như người thân mình vẫn tồn tại, sự sống cứ thế được tiếp nối, còn gì hạnh phúc bằng...”, ông Hải vừa tâm sự vừa khéo léo thuyết phục vợ. Cuối cùng, ông cũng được nhận lại cái gật đầu từ người vợ của mình.
Không chỉ đồng ý cho chồng hiến tạng, hai năm sau bà Vũ Thị Lụa ( 56 tuổi) - vợ ông Hải đã cùng hai cô con gái là Trịnh Vũ Thu Hà (SN 1993) và Trịnh Vũ Ngân Hà (SN 1997) cũng ký vào đơn tự nguyện hiến tạng sau khi qua đời.
4 tấm thẻ hiến tạng của các thành viên trong gia đình.
Khi biết tin gia đình ông Hải đăng ký hiến tạng, bà con lối xóm cũng có nhiều ý kiến bàn luận. Có người khen kẻ chê, song với gia đình ông đó không phải hành động bộc phát mà là kế hoạch đã ấp ủ và sự đồng thuận nhất tâm bấy lâu của cả gia đình. Để đi tới quyết định đầy nhân văn này, bốn thành viên trong gia đình đã vượt qua quan niệm “chết toàn thây” của dân gian và sự dị nghị của hàng xóm.
“Khi cầm tấm thẻ hiến tạng trên tay, vợ chồng chúng tôi đều thấy mãn nguyện vì đã quyết định sẽ làm một điều có ích. Việc làm của chúng tôi hết sức bình thường trong cuộc sống, chẳng có gì to tát cả. Cả nhà đều nghĩ rằng, chết là hết. Thế nên việc sau khi chết mà vẫn giúp được cho người khác là điều rất đáng quý, rất nên làm. Việc hiến tạng cũng là một nghĩa cử nhân văn, mình làm sớm càng lan tỏa hơn ý nghĩa đến cộng đồng”, bà Lụa nói.
Kể từ khi đăng ký hiến tạng, vợ chồng ông Hải luôn dặn các con mang theo thẻ bên người cùng các giấy tờ tùy thân quan trọng khác. Bởi chiếc thẻ này sẽ giúp đơn vị cấp cứu nhận diện người đã đăng ký hiến tạng khi gặp sự cố nguy hiểm đến tính mạng. Họ sẽ thông báo cho đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người đến tiếp nhận, tiến hành các thủ tục cần thiết để ghép tạng cho người bệnh càng sớm càng tốt.
Vợ chồng ông Hải chia sẻ câu chuyện hiến tạng với bà con lối xóm.
Không chỉ vậy, ông Hải còn dạy các con có ý thức và rèn thói quen ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể thao, tránh xa các đồ uống kích thích, có cồn. Những thói quen này vừa giúp các thành viên nâng cao sức khỏe và để đảm bảo các mô, tạng đều ở thể trạng tốt trước khi hiến tặng.
“Tôi thường nói với các con, lá đơn đăng ký hiến mô tạng như một lời hứa của mình với xã hội. Vì vậy khi lời đã hứa thì cần có trách nhiệm thực hiện. Mỗi thành viên cố gắng chăm sóc giữ gìn sức khỏe để làm sao khi chúng ta nằm xuống, ít ra một bộ phận đăng ký có thể đưa lại sự sống cho một người khác”, ông Hải tâm niệm.
Câu chuyện hiến tạng còn được ông Hải lan tỏa đến nhiều bạn bè và bà con lối xóm. Theo ông, sai lầm của nhiều người cứ nghĩ hiến tạng là y học sẽ mổ để lấy luôn. Nhưng thực tế, sau khi người hiến qua đời mới thực hiện việc lấy mô, tạng cho y học. Ngoài ra, không phải cứ đăng ký là hiến được mà bản thân người đăng ký phải đảm bảo sức khỏe thì mới có thể cấy ghép cho người khác.
“Cách đây 10 năm chuyện hiến tạng người ta còn e ngại, nhưng hiện nay việc làm này không còn xa lạ. Đơn cử khi tôi đăng ký hiến tạng chỉ mới mấy trăm người nhưng hiện nay đã có hàng nghìn người hưởng ứng. Tôi tin nếu tất cả mọi người biết đồng lòng sẻ chia, cho đi mà không mong nhận lại thì thêm nhiều số bệnh nhân được cứu sống. Như thế cho đi sẽ còn mãi và sự sống còn tiếp nối”, ông Hải bộc bạch.
Ông Phan Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Một gia đình có bốn người cùng đăng ký hiến tạng như gia đình ông Trịnh Văn Hải đến bây giờ vẫn là một điều hiếm có trên địa bàn. Câu chuyện nhân văn của ông Hải đã lan tỏa những điều ý nghĩa và đầy tình yêu thương nhân ái trong cuộc sống, tạo động lực lan tỏa để cộng đồng tham gia đăng ký tình nguyện hiến tạng sau khi qua đời, giúp có nhiều người bệnh có cơ hội được cứu chữa”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự