Cửa thiền sáng chữ tâm của nhà sư Thích Minh Đạo

Thứ tư - 29/05/2024 16:35
Thiền thất của nhà sư Thích Minh Đạo là mái nhà chung của trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ...
Cửa thiền sáng chữ tâm của nhà sư Thích Minh Đạo

Núi Bồng Lai (xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là nơi thanh tịnh, phù hợp cho các bậc chân tu lập xây đạo tràng. Chính vì thấy, nơi đây có rất nhiều ngôi chùa khang trang.

Đi sâu vào con đường dẫn đến thôn Phước Thành sẽ bắt gặp một ngôi chùa nhỏ nhưng đầy ắp đạo đời, đó là Thiền thất Ca Diếp cho sư thầy Thích Minh Đạo làm trụ trì. Người dân sống ở địa phương thường gọi là chùa của sư Minh Đạo.

Từng dựng chòi thâu nhận trẻ mồ côi

Theo báo Tiền Phong, nhà sư Minh Đạo cũng từng là trẻ mồ côi. Vì thế, thầy hiểu thấu nỗi đau mất cha từ tấm bé, thấm thía cảnh người mẹ vò võ nuôi con trong nghèo khó, nai lưng cày thuê cuốc mướn...

Sau bộn bề khó khăn, thầy bén duyên với Đạo Phật, xuất gia tu hành. Dù đã cột sạch bụi trần nhưng thầy luôn giữ trong tâm ý niệm phải bằng mọi giá giúp đỡ, nuôi dưỡng những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

cua-thien-sang-chu-tam-cua-nha-su-thich-minh-dao-8
Thích Minh Đạo - Trụ trì Tu viện Minh Đạo đang tháo dỡ ngôi nhà ăn cũ đã mục nát và xây dựng lại khu nhà ăn mới cho các em...

Nhìn bọn trẻ bị bỏ rơi, thầy Minh Đạo thấy mình trong đó nên không lỡ quay lưng lại. Ngày chưa mở đạo tràng, thầy tu ở Tịnh xã Ngọc Sơn Dinh. Ngày ngày làm vườn trên một quả đồi, thầy dựng chòi thâu nhận trẻ mồ côi về nuôi dưỡng. Dần dà như duyên trời định, nhiều người mang con đến phó mặc cho nhà sư...

Tiếng lành đồn xa, những mảnh đời bất hạnh tìm đến thầy ngày càng nhiều. Đây cũng là điều khiến thầy đưa ra quyết định lớn: Xuống núi lập Đạo tràng riêng để viết tiếp những câu chuyện đẹp đời đẹp đạo.

Cửa thiền sáng chữ tâm

Thiền thất của thầy Minh Đạo từng là mái nhà chung của 50 trẻ. Có đứa sau khi trưởng thành thì về lại với đời, có đứa chọn ở lại cửa thiền môn. Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện, mỗi cuộc đời đều được thầy Minh Đạo dìu dắt tận tâm.

Đứa nhỏ nhất ở thiền thất mới hơn 2 tuổi, đứa lớn nhất đã là sinh viên cao đẳng. Các em đến từ nhiều địa phương khác nhau Trà Vinh, Phan Thiết, Đăk Lăk, Quảng Trị, TPHCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang…

Ở chốn cửa thiền, các em được ru mát tâm hồn, được chữa lành bởi tình yêu thương và những lời Phật dạy. Vì thế, có rất nhiều em muốn xuất gia để tránh đi những nghiệp chướng ở đời.

cua-thien-sang-chu-tam-cua-nha-su-thich-minh-dao-0

Những đứa trẻ - chú tiểu đầu để vá, xúng xính bộ đồ sắc nâu, sắc vàng ê a đọc kinh, vui đùa cùng nhau mà vẫn không làm mất đi vẻ tôn nghiêm cảnh thiền. Tôi thấy trong mắt sư Đạo lấp lánh niềm vui và nụ cười hiền luôn nở khi nhìn thấy các chú tiểu thanh bình mà như không còn nỗi buồn mồ côi như chính đời sư thời thơ bé.

Cũng lạ, Thiền thất Ca Diếp đơn sơ như không thể đơn sơ hơn. Hay gọi theo ngôn ngữ đời thường thì đây là một ngôi chùa nghèo. Nghèo đúng nghĩa đen vì ngay cả miếng đất đi mua để dựng chùa tu tập và nuôi nấng trẻ sư Minh Đạo cũng… mua chịu.

Chánh điện thờ Tam bảo cũng lợp tranh và hai bên đốc hở toang hoác. “Những lúc mưa gió thì thế nào, thưa thầy” - Tôi hỏi. Sư cười: “Mô phật, đang tụng kinh mà mưa thì thầy trò vác kinh… chạy chứ còn biết làm sao”.

Tôi ở lại dùng bữa cơm chay với chùa, bữa cơm có miến xào rau, canh rau, đậu phụ nấu mặn và cơm trắng. Cả sư Đạo, sư Định và các chú tiểu tổng cộng xấp xỉ 40 khẩu trong “ngôi nhà” này, việc chi cho sinh hoạt, điện nước, khẩu phần ăn hằng ngày cộng với việc chi phí cho các chú tiểu ăn học chắc chắn không phải là một khoản tiền nhỏ hàng tháng.

cua-thien-sang-chu-tam-cua-nha-su-thich-minh-dao-7

Như hiểu được băn khoăn của tôi, sư Minh Đạo bày tỏ: “Em định hỏi lấy đâu ra tiền chi tiêu phải không? Một phần do lao động của chùa, còn lại nhờ cả vào công đức của Phật tử và các nhà hảo tâm. Nhờ vậy mà các em nhỏ mới được học hành…”.

Điều làm tôi thấy cảm phục nơi thiền tâm của sư Minh Đạo là thầy luôn dồn hết tâm sức và vật chất để lo cho các em ăn học. Cũng vậy mà cả chánh điện, tịnh thất và cả ngay nơi ăn nghỉ cũng chỉ là những dãy nhà tranh tạm bợ.

Sư Đạo bảo: “Tính chi ly ra một năm cũng mất gần 16 triệu tiền học cho các em, còn hàng tháng sinh hoạt tiết kiệm, ăn uống đạm bạc mấy thì cũng mất hơn 10 triệu đồng, vậy hỏi nhà báo lấy đâu ra tiền mà xây chánh điện. Vả lại việc trồng người trước mắt quan trọng hơn rất nhiều”.

Cũng vậy mà một dãy nhà để các sư và chú tiểu ở cũng chỉ là tranh tre nứa lá. Còn sư Minh Định ở trong một căn chòi thấp lè tè làm bằng tôn. Trời nắng không thể nào ở được trong đó. Sư Minh Định bảo: “Ban ngày tá túc tạm nhà các sư đệ, tối thì về nhà của mình…”. Tôi thầm nghĩ mà không dám hỏi, những đêm mưa, nước như ném đá ầm ầm trên mái tôn, không biết sư có tròn giấc ngủ?

Tốt đời đẹp đạo

Suy cho cùng mọi giáo lý và đạo pháp trên đời đều hướng đến việc giải thoát cho con người khỏi mọi khổ đau. Nói cách khác đạo cũng luôn gắn với đời và mục đích tối thượng là vì con người. Tôi bắt gặp ở thiền thất nghèo này một hình ảnh đẹp lung linh, một sự hòa quyện giữa đời và đạo như thế.

cua-thien-sang-chu-tam-cua-nha-su-thich-minh-dao-6

Có lẽ vì vậy mà chú tiểu Huệ Xá 11 tuổi đang đi học lớp 4 đã nói với tôi: “Sau này con muốn được như sư để giúp những em nhỏ không may như con. Ba con lấy vợ bé bỏ má con, má con thì đánh bài tối ngày giờ bị bắt ở tù, không có thầy thì không biết anh em con về đâu…”. Huệ Xá còn có một người em được sư Minh Đạo cưu mang trong ngôi chùa này.

Như một nhân duyên khiến tôi đến và gặp Đại đức Thích Minh Đạo, viết những dòng để bạn đọc thấy một nét đẹp nhân văn trong văn hóa Phật giáo và cái tâm của những bậc chân tu gắn đạo với đời.

Thiền thất Ca Diếp vẫn còn vơi đầy những khó khăn trong chăm nuôi các em nhỏ trên con đường tu và học để thành những công dân có ích cho xã hội. Địa chỉ nhân ái này cần lắm sự chung lòng, chung sức của cả cộng đồng xã hội.

(Theo Tiền Phong)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây