Hạnh nguyện sẻ chia của một sư cô

Thứ sáu - 21/10/2022 13:34
Suốt 20 năm qua, sư cô Thích nữ Huệ Nghĩa là “hành giả của Như Lai” mang sứ mệnh kết nối tình thương đến với những con người thống khổ, những hoàn cảnh ngặt nghèo, số phận éo le trên khắp mọi miền đất nước.
Sư cô Huệ Nghĩa trong một chuyến tặng quà ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế
Sư cô Huệ Nghĩa trong một chuyến tặng quà ở huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế

Để rồi, hạnh nguyện giúp đời, cứu người của vị chân tu này đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong quý phật tử, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước.

Tình cờ chúng tôi biết đến sư cô Thích nữ Huệ Nghĩa ở Ni viện Vạn Hạnh (60/7A, Phan Chu Trinh, phường 24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) qua trang Facebook cá nhân được nhiều mạnh thường quân trong và ngoài nước tin tưởng, gửi gắm “sự yêu thương”. Cô Huệ Nghĩa sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở dải đất miền Trung (Phú Mậu, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) tiết trời khắc nghiệt, mưa thì dãi dầm thúi đất, nắng thì cháy da rám thịt. Suốt 20 năm qua, sư cô là “hành giả của Như Lai” mang sứ mệnh kết nối tình thương đến với những con người thống khổ, những hoàn cảnh ngặt nghèo, số phận éo le trên khắp mọi miền đất nước.

Theo sư cô Huệ Nghĩa: “Năm 2003, mình tận mắt chứng kiến một tình cảnh hết sức thê lương, não nề… Có một ông già hành nghề đạp xích lô, vô gia cư chết mà không có hòm để tẩm liệm. Thương tình, tôi viết bài rồi đăng trên trang facebook cá nhân của mình để kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ. Và, hạnh nguyện sẻ chia, tình thương đong đầy cũng được kết duyên từ đó”.

Trong suốt quãng đời tu học của mình, sư cô không chỉ làm tròn trọng trách của người tu sĩ, mà còn dang rộng vòng tay nhân ái, đem tình cảm chân thành, sự trìu mến, yêu thương đến với những mảnh đời kém may mắn. Đã có nhiều chương trình thiện nguyện, những hoạt động từ thiện, nhân đạo được duy trì dài lâu và có sức lan tỏa trong cộng đồng được sư cô “gieo hạt giống tâm hồn”: Xuân yêu thương - gói bánh chưng, bánh tét để phân phát cho người nghèo trong dịp tết nguyên đán; Áo ấm tặng các cháu học sinh nghèo ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…; Ngôi nhà tình thương cho người nghèo; Quan tài gói trọn niềm vui… đã tiếp cận với những mảnh đời cần giúp đỡ.

Làm việc thiện chớ tính điều hơn thiệt, là chính tự tâm của mình để rồi sư cô đón nhận những dòng chữ mộc mạc mà chân tình qua tin nhắn trên Facebook, Zalo, điện thoại: Gia đình con xin tri ân sư cô nhiều ạ!; Nếu không có sự kết nối của “mẹ” chị em con sẽ… bế tắc; Sư cô là sứ giả của phật Thích Ca ban phát tình thương vô bờ bến… Chính lời cảm ơn từ trái tim của những con người thống khổ là động lực thôi thúc sư cô tiếp tục “rèn đức, luyện lòng”, miệt mài kết nối yêu thương đến với những miền quê xa xôi, hẻo lánh; với những con người đang cần sự san sẻ hơi ấm.

Em Lê Võ Thành Nam, học sinh lớp 11 chuyên Tin trường Quốc Học Huế, bộc bạch: “Nhờ sự kết nối kịp thời của sư cô Huệ Nghĩa mà em không bị bỏ học nửa chừng. Gia đình chỉ có 2 mẹ con, khi em đỗ vào lớp 10 cũng là lúc mẹ em lâm trọng bệnh phải điều trị dài ngày nên không đi làm thuê được. Kinh tế rất khó khăn. Sư cô đã kết nối các nhà hảo tâm giúp đỡ con gần 15 triệu đồng. Con vô cùng cảm động và nhớ ơn sư cô nhiều lắm”. Còn cháu Lâm Kiều My, 14 tuổi (trú xã Phú Diên, Phú Vang, Thừa Thiên Huế), nằm viện dài ngày chờ mổ tim, gia đình không còn khả năng vay mượn nữa, sư cô đã “ra tay” cứu giúp nên cháu được phẫu thuật và trở lại cuộc sống bình thường.

Hạnh nguyện sẻ chia của một sư cô - ảnh 2
Sư cô Huệ Nghĩa đến thăm và hỗ trợ tiền phẩu thuật cho một bệnh nhân ở khoa Nhi Bệnh viện Trung ương Huế.

Hằng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, sư cô phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… của các xã nghèo tổ chức chương trình “Gói bánh chưng xanh, lấp lánh nghĩa tình” để tặng cho các hộ nghèo, các gia đình chính sách… Rồi chương trình “Nồi cháo tình thương” tặng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở các bệnh viện trong các ngày rằm và mồng một hằng tháng; phát cơm chay miễn phí ở cổng bệnh viện… của tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Ngoài ra, cũng có nhiều tượng Phật lớn ở các chùa trong Nam ngoài Bắc được đúc thành công, nhiều chuông chùa vang vọng ngân xa… là nhờ sự kết nối của sư cô Huệ Nghĩa. “Mỗi quả chuông, pho tượng được đúc dựng thành công mỹ mãn là nhờ sự chú tâm, hợp sức về cả tâm lực, vật lực của đại chúng gần xa, mà mình chỉ là người kết nối”, sư cô Huệ Nghĩa chia sẻ. Chính sự kết nối của sư cô mà có đến hàng chục tượng Phật lớn để quý phật tử và du khách chiêm ngưỡng, lễ bái; có hàng trăm quả chuông ngân lên để mọi người được lắng đọng tâm hồn, hướng đến cuộc sống Chân-Thiện-Mỹ.

Chỉ ngần ấy thôi, để biết hạnh nguyện sẻ chia của sư cô là “vô biên phiền não đoạn, vô lượng pháp môn tu”. Anh Hồ Trư ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tâm sự: “Dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên tui không lên nương lên rẫy được, gia đình thiếu cái ăn, cái mặc. Được sư cô Huệ Nghĩa và đoàn từ thiện đến giúp gạo, mì tôm, dầu ăn…, gia đình tui rất chi là mừng, mừng lắm!” Còn cháu Lê Lẩm, 13 tuổi ở huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế), phấn khởi, khoe: “Con và mấy bạn được sư cô và mấy bác cho quà như: áo quần, cặp sách, bánh kẹo, sữa... Con cảm ơn sư cô Huệ Nghĩa đã quan tâm đi đến những nơi xa xôi hẻo lánh như chúng con”.

Suốt mấy chục năm qua, sư cô Huệ Nghĩa cũng không nhớ nỗi mình đã kêu được gọi số tiền là bao nhiêu, cũng như số lượng người được đón nhận tình yêu thương, sự sẻ chia của quý phật tử và các nhà hảo tâm gần xa, mà sư cô là người nối nhịp cầu. Sư cô Thích nữ Huệ Nghĩa mỉm cười: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật. Điều cốt lõi mà mình cảm nhận được từ hoạt động thiện nguyện, nhân đạo giàu giá trị nhân văn là để cho lòng nhẹ nhàng hơn, bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Theo Thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây