Những chàng trai trẻ của 'Team Lee' xem đây là niềm hạnh phúc, thể hiện sự tri ân đối với những người đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập.
Một ngày cuối tháng 10, hơn 10 thành viên nhóm “Team Lee” vượt chặng đường hơn 300 km từ thủ đô Hà Nội về Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn ở xã Mỹ Sơn (Đô Lương) để tặng ảnh phục chế màu của 13 Anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong thời khắc rạng sáng 31/10/1968.
Việc làm này càng thêm ý nghĩa hơn khi tỉnh Nghệ An đang hướng tới tổ chức kỷ niệm 54 năm chiến thắng Truông Bồn, là dịp để nhắc nhớ về sự chiến đấu và tinh thần quả cảm của những người con đất Nghệ trong cuộc đối đầu với không quân Mỹ.
Hôm ấy, những người khách về tham quan Khu di tích Quốc gia Truông Bồn đều vô cùng xúc động khi chứng kiến cảnh những chàng trai trẻ ôm bức ảnh chân dung 13 liệt sĩ và lần lượt đặt lên phần mộ chung. Có người không giấu được những giọt nước mắt trước không khí trang nghiêm và tấm lòng thành kính của những người trẻ nơi “cõi thiêng” Truông Bồn.
Các thành viên nhóm “Team Lee” đặt ảnh phục chế ảnh màu tại phần mộ chung của các liệt sĩ Truông Bồn. Ảnh: Đình Tuyên
Chị Nguyễn Phương Mai, du khách đến từ thành phố Vinh chia sẻ: “Hôm nay về đây, tình cờ được chứng kiến nghi lễ trao tặng ảnh phục chế của các Anh hùng, liệt sĩ Truông Bồn, tôi thực sự khâm phục tấm lòng nhiệt huyết và tài năng của nhóm bạn trẻ này. Phải xuất phát từ sự chân thành, kính trọng, tấm lòng yêu thương và ý thức trách nhiệm các bạn ấy mới làm được như thế”.
Theo chia sẻ của Phùng Quang Trung – một thành viên của nhóm “Team Lee”, nhóm có hơn 10 thành viên, phần lớn thuộc thế hệ 9X đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Qua sách báo, Trung và các bạn của mình biết đến Truông Bồn là vùng đất linh thiêng, nơi in dấu bước chân sục sôi chiến đấu của hàng chục vạn thanh niên xẻ núi, san lấp hố bom cho xe vào tiền tuyến.
Các thành viên nhóm “Team Lee” phục chế ảnh màu các liệt sĩ Truông Bồn bằng tất cả tấm lòng thành kính và tri ân. Ảnh: Đình Tuyên.
Những cô gái, chàng trai tuổi 18, đôi mươi đi vào chiến tranh, lửa đạn, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy nhưng vẫn lạc quan và tràn đầy khát vọng chiến đấu, dựng xây đất nước. Nơi đây, 1.240 người con ưu tú đã ngã xuống trên cung đường huyền thoại, góp phần viết nên kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tiêu biểu là sự hy sinh anh dũng của 13 thanh niên xung phong Đại đội 317 ngày 31/10/1968, khẳng định Truông Bồn là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Các thành viên nhóm “Team Lee” kính cẩn nghiêng mình trước phần mộ các Anh hùng liệt sĩ Truông Bồn. Ảnh: Đình Tuyên.
“Với tất cả sự cảm phục, trân trọng và biết ơn, nhóm chúng tôi bàn bạc và đi đến thống nhất phục chế ảnh chân dung 13 Anh hùng, liệt sĩ Truông Bồn và cô Trần Thị Thông, người Tiểu đội trưởng sống sót sau trận bom khốc liệt năm ấy”, Phùng Quang Trung cho hay.
Cũng là thành viên của “Team Lee”, Lê Quyết Thắng được xem là “thủ lĩnh” của nhóm, người luôn đưa ra những ý tưởng và khởi xướng những việc làm mang ý nghĩa thiết thực. Mỗi người một công việc mưu sinh, đến đêm Thắng tập hợp các thành viên của nhóm để cùng nhau thực hiện kế hoạch phục chế ảnh màu.
Những tấm ảnh cũ đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, khuôn mặt đã nhạt nhòa theo năm tháng nên việc phục chế màu quả không dễ dàng. Có lúc, cả nhóm phải dừng lại để thảo luận để tìm giải pháp tối ưu, cho bức ảnh được phục chế một cách hoàn hảo nhất.
Nhóm bạn trẻ tặng bức ảnh phục chế cho bà Trần Thị Thông. Ảnh: Khu di tích Truông Bồn.
Không thể tính được khối lượng công việc được thực hiện trong bao nhiêu thời gian, chỉ biết bằng tất cả niềm tâm huyết và lòng biết ơn, nhóm “Team Lee” đã góp phần làm chân thực, sắc nét hơn hình ảnh tuổi thanh xuân của các cô gái, chàng trai Thanh niên xung phong Truông Bồn năm ấy.
“Nhân dịp kỷ niệm 54 năm chiến thắng Truông Bồn, nhóm “Team Lee” đã phục chế ảnh màu của 13 liệt sĩ hy sinh ngày 31/10/1968 để trao tặng cho khu di tích. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, hình ảnh của các liệt sĩ được phục dựng sắc nét, gợi lại một thời thanh xuân rực lửa của các chị, các anh nơi tuyến lửa Truông Bồn…”. Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn.
Theo Báo Nghệ An