Ở Việt Nam, có lẽ chỉ các vua triều Nguyễn có lăng mộ rõ ràng. Phần còn lại hầu hết vẫn là bí ẩn và với bậc anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng không là ngoại lệ.
“Bí mật chôn cất”
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sỹ Liên, quyển 6, kỷ Nhà Trần chép: “Năm Canh Tý (tức năm 1300 - NV), năm Hưng Long thứ 8, Hưng Đạo Đại Vương ốm. Mùa thu, tháng 8 ngày 20, Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn qua đời ở Vạn Kiếp (thuộc Hải Dương ngày nay - NV). Khi sắp mất, ông dặn con rằng: Ta chết thì phải hỏa táng, lấy vật tròn đựng xương, bí mật chôn trong vườn An Lạc, rồi san đất và trồng cây như cũ, để người đời không biết chỗ nào, lại phải [làm sao cho] mau mục. Quốc Tuấn giữ Lạng Giang, người Nguyên hai lần vào cướp, ông liên tiếp đánh bại chúng, sợ sau này có thể xảy ra tai họa đào mả chăng. Ông lo nghĩ tới việc sau khi mất lại như thế đấy”.
Lần theo câu huyền sử trong dân gian: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, hương Bảo Lộc”, chúng tôi về thăm đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, H.Lý Nhân, tỉnh Hà Nam để hiểu thêm về những bí ẩn liên quan đến Đức Thánh Trần. Nơi đây không chỉ là một ngôi đền thờ cúng bậc anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo như nhiều ngôi đền khác khắp đất nước mà còn lưu giữ những hiện vật quý báu, mang giá trị nghệ thuật kiến trúc và trang trí độc đáo, chứa đựng những bí ẩn của các di sản vật thể lẫn phi vật thể liên quan đến Hưng Đạo Vương. Đền Trần Thương đẹp từ trên cao nhìn xuống, đẹp trong từng chi tiết trang trí và đẹp huyền bí mang tính tâm linh ẩn sau những huyền thoại của ngôi đền.
Thanh bảo kiếm được thờ trong đền Trần Thương.
Lịch sử làng và đền Trần Thương
Có hình dáng như một thiếu nữ phơi mình nơi bãi sông, đền Trần Thương nằm trên thế đất được gọi là “hình nhân bái tượng”, nơi 6 dòng sông nhỏ chụm đầu gọi là “lục đầu khê”. Theo lời ông Phạm Hải Hưng, thủ nhang nhà đền, cách đây hơn 7 thế kỷ, người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã chọn làng Miễu, một làng quê nằm giữa hai con sông lớn là sông Hồng và sông Châu Giang và cũng là nơi hội tụ của 6 nhánh sông nhỏ, 1 trong 6 địa điểm cất giữ kho lương phục vụ cho cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2 vào năm Ất Dậu 1285. Từ đây có đường thủy kết nối với sông Hồng, sông Châu Giang, nối về thành Thăng Long hay về Nam Định (quê hương ngài) và ra biển.
Sau khi hoàn thành công cuộc bảo vệ giang sơn chống quân Nguyên Mông, Hưng Đạo Vương đã về đây phát lương khao quân, khao dân như một sự cảm ơn dân quân cùng sát cánh với triều đình. Truyền thống này được con cháu tái hiện hằng năm vào dịp Tết Thượng Nguyên (rằm tháng giêng âm lịch).
Theo tiến sĩ sử học Ngô Vương Anh thì còn có câu chuyện rằng khi Đức Thánh Trần qua đời, có 5 cỗ quan tài được đưa đi về 5 hướng, làm lễ táng như nhau và cũng được che đậy, xóa dấu tích để không ai biết chính xác nơi nào mới thực sự là nơi thân xác ngài được an nghỉ. Trong khi đó, bản chú thích tại đền Trần Thương ghi lại đến 70 cỗ quan tài.
Xét chiết tự của từ “An Lạc” là nơi Hưng Đạo Vương dặn chôn cất ngài thì từ này có nghĩa là một nơi an lạc chứ không hẳn là một địa danh có tên An Lạc. Nơi nào ngài thực sự an nghỉ, nơi đó được coi là chốn an lạc.
Theo “Hèm” (từ chỉ những chuyện lưu truyền nội bộ trong làng, chỉ có dân làng biết) của làng Trần Thương thì rất có thể nơi đây là một trong những địa điểm bình phong hoặc chính là nơi an nghỉ thật sự của Đức Thánh Trần và hầm ngầm nơi giếng (hố) khẩu nằm ở trung tâm của ngôi đền, chính là nơi mang trong mình những điều huyền bí về nhục thân của ngài.
Ngôi đền được dựng lên sau khi ngài hóa thánh. Làng có tên làng Miễu được chính thức mang tên làng Trần Thương từ thời đó. Cũng theo lời ông Hưng thì Trần Thương có nghĩa là kho lương nhà Trần.
Theo Thanhnien