Xứ hiền chó cũng nghe kinh

Chủ nhật - 09/10/2022 23:33
Chúng tôi đến Trà Vinh vào ngày cuối cùng vào dịp tết đặc biệt nhất trong năm của người Khmer: tết Chôl Chnăm Thmây - khi người dân xứ Phật vừa thực hiện xong nghi lễ tắm Phật trang nghiêm trong những ngôi chùa kiến trúc thật đẹp của Phật giáo Nam Tông.
Chú chó quanh quẩn bên chân sư thầy trong chùa
Chú chó quanh quẩn bên chân sư thầy trong chùa

Trà Vinh đón chúng tôi bằng cơn mưa tối mặt. Xe chầm chậm nối nhau qua cầu Cổ Chiên trong cơn gió dữ dội của những trận mưa đầu mùa. Gió từ hai mặt sông quất ràn rạt bên cửa xe. Tạm biệt những hàng dừa ngút ngàn của Bến Tre, bên kia cầu, địa phận Trà Vinh chào đón chúng tôi bằng nét đẹp đơn sơ hiền hòa của những cánh đồng bạt ngàn vừa xong vụ gặt. Đâu đó những ngôi nhà đơn giản với tường vôi, mái tôn nằm lặng giữa bốn bề là vườn chuối, vườn dừa rợp bóng mát. Trà Vinh khiến kẻ phương xa như gia đình chúng tôi lần đầu đặt chân đến phải ngỡ ngàng vì sự trù phú của đất đai, vì bản tánh hiếu hòa thân thiện của con người, cảnh vật gần gũi đậm chất miền Tây.

1
Chùa Sóc Ruộng trong nắng sớm.

Theo lời mời của một chàng trai đang phụ việc công trình của chồng tôi ở Sài Gòn, chúng tôi thu xếp một chuyến về thăm nhà cậu ấy. Là người Khmer chính gốc, năm nào cũng vậy, đến dịp tết năm mới của dân tộc Khmer là cậu đều xin phép về quê để đón tết bên gia đình và thực hiện nghi thức rửa chân báo hiếu cho cha mẹ. Với người Khmer, đây là dịp quan trọng nhất trong năm. Tết là dịp mừng năm mới theo lịch nông nghiệp, mở ra một vụ mùa mới với nhiều ước nguyện bội thu, mùa màng sung túc, người dân được ấm no. Tết cũng là dịp để những người con xứ Phật dù có đi xa tận đẩu đâu vẫn thu xếp quay về, đắm mình trong lời kinh tiếng kệ. Những ngày này, họ được trở lại là chính mình, rũ bỏ hết bụi trần trên đường mưu sinh vất vả, để được thở hơi thở trong lành, thấm nhuần triết lý nhân sinh nhà Phật.

Đặc trưng của đồng bào Khmer là sống quây quần, gắn kết nhau trong các phum, sóc (như thôn xóm của người Việt). Nơi chúng tôi đến là Sóc Ruộng (thuộc huyện Trà Cú) khá xa trung tâm Trà Vinh. Gọi Sóc Ruộng vì đây là nơi bà con chuyên làm nông. Ruộng bạt ngàn. Từ đường lớn, phóng mắt sang hai bên đường là những cánh đồng ruộng lúa hút chân trời. Tôi có chút tiếc nuối khi mình không thể đến Trà Vinh sớm hơn, khi chưa vào mùa gặt. Nếu đi sớm, các con tôi đã có dịp tận mắt chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa trĩu hạt vàng ươm. Nhưng dù chỉ còn là những cánh đồng trống trơ gốc rạ, với những đứa trẻ Sài Gòn vẫn là điều khiến chúng xuýt xoa không ngớt suốt chuyến đi.

1
Những căn phòng cho thanh niên Khmer ở, tu học trong chùa.

Cả nhà cậu trai trẻ đón tiếp chúng tôi nồng hậu như người thân ở xa mới về. Sau lời chào hỏi, họ xin lỗi vì có thể họ sẽ không nói tiếng Việt giỏi, sợ chúng tôi khó nghe, khó hiểu. Nhưng cũng chính họ làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì họ nói tiếng Việt, biết cả tiếng lóng còn sành sỏi hơn cả mình. Có lẽ nhờ tinh thần học hỏi không ngừng, tính xã giao, hoạt bát, thân thiện, họ giỏi kết giao với người Việt ở những nơi họ đến để làm việc thời vụ trong khi chờ đến mùa lúa mới. Ấy vậy mà họ vẫn rất khiêm tốn.

Chúng tôi bất ngờ khi đặt chân vào nhà cậu trai ấy. Một căn nhà tường khang trang, sạch tinh tươm, rộng lớn giữa mảnh đất giáp đê. Mọi tiện nghi đều có đủ, không khác gì ở Sài Gòn. Phía sau nhà, những chiếc lu sành cao lớn chứa nước mưa đứng sát mép hiên. Cậu cho biết dù đã có nước giếng nhưng người ở quê vẫn giữ nếp trữ và xài nước mưa như trước đây. Với họ, loại nước “trời cho” đó mát lành hơn hết thảy.

Phía sau, chuồng trâu là nơi thu hút sự tò mò của hai đứa con tôi nhất. Một điều vô cùng thú vị ở đây là hầu như nhà nào cũng có chuồng trâu. Ngay cả những ngôi biệt thự bề thế nhất trên quốc lộ, xa xa bên hông biệt thự, họ cũng cất một chuồng trâu hoành tráng. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Câu này có lẽ đúng nhất với dân Trà Vinh. Nhà nào cũng có tài sản quý giá nhất là bầy trâu. Như nhà cậu trai mà chúng tôi đến chơi, chuồng trâu gần 20 con lớn nhỏ.

Đó không chỉ là một tài sản lớn với dân quê, thậm chí người thành phố còn chưa có nổi. Vậy nhưng, cậu trai trẻ vẫn luôn tâm niệm mình “chưa là gì”, lên thành phố phụ việc vẫn cần mẫn, chăm chỉ, không hề mở miệng than vãn hay lười biếng, chỉ để nhận về mức lương ngày chưa đến 200 ngàn đồng. Nhìn gương mặt hiền lành, ánh mắt trong veo của cậu, cảm giác tin cậy luôn tràn đầy.

Xứ hiền chó cũng nghe kinh - ảnh 3
Chú chó mực của chủ nhà cứ đi theo chơi cùng hai đứa trẻ thành phố.

Có một điều đặc biệt mà không phải ai cũng biết. Đó là những chú chó được nuôi ở Trà Vinh. Chúng đa số là loại chó mực, toàn thân đen mun, cực kỳ tinh khôn và hiếu khách. Tôi chưa từng thấy nơi nào có những chú chó hiền và cư xử kỳ lạ như chó xứ này. Nhà nào cũng nuôi chó. Nhà tôi đến, từ lúc bước chân vào đã gặp 2, 3 chú chó mực lớn giữ nhà. Nhưng mãi đến khi chúng tôi rời đi, chúng vẫn không sủa hay gầm gừ, hoặc có bất kỳ hành động tấn công nào. Chúng đi theo hai đứa con tôi, dụi đầu vào chân khách như thân quen lâu lắm. Ghé quán hủ tíu ăn sáng, những chú chó mực ở đó cũng chào đón khách nồng nhiệt như chào đón chủ của mình.

"Sao chó ở đây lại hiền một cách kỳ lạ vậy?" - tôi thắc mắc. Chủ nhà chỉ mỉm cười, đưa chúng tôi vào thăm chùa Sóc Ruộng. Chúng tôi choáng ngợp trước kiến trúc và mỹ thuật độc đáo của những ngôi chùa Khmer như thế này. Sư trụ trì chùa đã lớn tuổi, đi dép mòn vẹt, điềm đạm tiếp chuyện chúng tôi. Sư thầy đã từng tu học rất nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan… mà cách nói hết sức khiêm cung, đạo hạnh, chân thành.

Chùa không chỉ là nơi để sư tu hành, mà còn là nơi để mọi người dân trong phum sóc đến để được học đạo làm người. Em của cậu trai trẻ cũng đang tu học trong ngôi chùa này. Những đứa trẻ đều trải qua các khóa tu nhiều năm trước khi bước hẳn ra đời sống, thành nhân. Cậu trai ấy, cũng đã từng có nhiều năm tuổi trẻ phụng sự trong chùa.

Theo Thanh Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây