Vương quốc Phù Nam: Suy tàn và dấu tích còn lại

Thứ sáu - 30/09/2022 10:19
Để thích ứng với biển tiến, cư dân Phù Nam đã phải dần rút lên khu vực đất cao từ Tây Nam bộ lên khu vực Đông Nam bộ, nam Tây nguyên thuộc địa phận các tỉnh ngày nay: Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, phía nam Lâm Đồng...
Bộ ngẫu tượng linga - yoni di tích Gò 1A - trong khu Thánh địa Cát Tiên được coi là lớn nhất khu vực Đông Nam Á
Bộ ngẫu tượng linga - yoni di tích Gò 1A - trong khu Thánh địa Cát Tiên được coi là lớn nhất khu vực Đông Nam Á

Trận “đại hồng thủy” kinh hoàng

Từ năm 1984, Liêu Kim Sanh, một nhà nghiên cứu địa chất môi trường cổ, đã chứng minh có một đợt biển tiến mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là “đại hồng thủy” diễn ra khoảng thế kỷ 6 - 7 trên địa bàn vùng đất Nam bộ, nhấn chìm vương quốc Phù Nam. Từ một nền kinh tế, văn hóa rực rỡ, sự thay đổi của nước biển đã dần làm suy yếu vương quốc Phù Nam và xóa sổ những thành tựu văn hóa, văn minh đặc sắc, huy hoàng, hình thành và nuôi dưỡng bởi phù sa châu thổ.

Để thích ứng với biển tiến, cư dân Phù Nam đã phải dần rút lên khu vực đất cao từ Tây Nam bộ lên khu vực Đông Nam bộ, nam Tây nguyên thuộc địa phận các tỉnh ngày nay như Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, phía nam Lâm Đồng... Sau đó, nước Chân Lạp của người Khmer vốn đang hưng thịnh ở khu vực vùng cao Campuchia lần lượt thôn tính, tiêu diệt cư dân Phù Nam.

Mặc dù còn nhiều tranh luận về chủ nhân và niên đại, song phần lớn các nhà nghiên cứu đều khá thống nhất quan điểm khi cho rằng, những dấu tích cuối cùng của vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo chính là sự phát hiện kinh ngạc về khảo cổ học tại khu thánh địa Cát Tiên, H.Cát Tiên, Lâm Đồng.

Di tích khảo cổ Cát Tiên là một quần thể các phế tích kiến trúc bằng gạch có quy mô rộng lớn, trải dài khoảng 15 km theo tả ngạn sông Đồng Nai từ xã Quảng Ngãi đến xã Đức Phổ và Gia Viễn (H.Cát Tiên).

Từ những đợt điền dã dân tộc học trong những năm 80 của thế kỷ 20 về người Mạ ở Cát Tiên, các cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng đã tình cờ phát hiện di tích này. Kết quả khai quật khảo cổ từ năm 1994 - 2021 cho thấy nhiều phế tích kiến trúc đền tháp, nhà dài, hệ thống máng nước, đường đá cổ... đã được phát lộ. Cùng với đó là hơn 1.000 hiện vật gồm nhiều chất liệu như vàng, bạc, đồng, đá quý, gốm... phong phú về loại hình như: ngẫu tượng linga - yoni, tượng thần Ganesa, thần Uma, nhẫn, hạt chuỗi, các lá vàng dập nổi hình của các vị thần, các linh vật thuộc Hindu giáo...

1
Linga vàng phát hiện tại di tích Cát Tiên - hiện vật Bảo tàng Lâm Đồng.

Phát hiện lớn của khảo cổ học Việt Nam

Di tích khảo cổ Cát Tiên là một phát hiện lớn của khảo cổ học Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ ở Nam bộ và Tây nguyên. Tư liệu khai quật khảo cổ cho thấy, văn hóa Cát Tiên có quá trình phát triển khá dài: Giai đoạn sớm vào khoảng thế kỷ thứ 4 - 6 và giai đoạn muộn có niên đại thế kỷ 7 - 10.

Quá trình phát triển của hệ thống các di tích ở Cát Tiên cho thấy bên cạnh các yếu tố ảnh hưởng từ văn hóa Champa ở nam Trung bộ, một đặc trưng của di tích Cát Tiên đó là những yếu tố điển hình của cư dân Phù Nam - văn hóa Óc Eo - hậu Óc Eo của đồng bằng Nam bộ Việt Nam như: kết cấu kiến trúc đền thờ, sưu tập hiện vật linga - yoni, trong đó có bộ ngẫu tượng linga - yoni khổng lồ được nhận định là lớn nhất Đông Nam Á; và đặc biệt là sưu tập vàng lá khắc chạm hoa văn khá phổ biến với các sưu tập vàng lá đã tìm thấy trong hàng loạt di tích Óc Eo ở Nam bộ như: Óc Eo, Đá Nổi (An Giang); Giồng Xoài, Nền Chùa (Kiên Giang), Lò Gạch (Trà Vinh), Gò Thành (Tiền Giang), Gò Xoài (Long An)...

1
Linga - yoni đá thạch anh phát hiện tại di tích Cát Tiên - hiện vật Bảo tàng Lâm Đồng.

1
Lá vàng chạm hình yoni phát hiện tại di tích Cát Tiên - hiện vật Bảo tàng Lâm Đồng.

TS Lê Đình Phụng, người trực tiếp nghiên cứu khai quật di tích Cát Tiên trong chương trình khảo cổ học do Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Khảo cổ học, đã nhận xét: “Có thể khẳng định Thánh địa Cát Tiên là một trung tâm tôn giáo lớn, là thánh địa của cộng đồng cư dân vùng đất phương Nam, ẩn chứa những giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa mang nét đặc thù riêng, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng đất và có mối quan hệ chặt chẽ với các nền văn hóa chịu ảnh hưởng chung từ văn hóa Ấn Độ như Champa, Óc Eo”. Và với những giá trị đặc biệt của di tích Cát Tiên, năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã công nhận di tích Cát Tiên là di tích quốc gia đặc biệt.

Vương quốc Phù Nam sụp đổ (thế kỷ 7), những di tồn vật chất của quốc gia này đã chìm vào lòng đất với sự phủ che của núi rừng hàng ngàn năm, kéo theo những bí ẩn và huyền thoại về một vương quốc cổ. Phát hiện khảo cổ học kinh ngạc tại Thánh địa Cát Tiên như những trang sử huyền bí được lật giở, rọi soi bởi khảo cổ học, góp phần khôi phục diện mạo của một nền văn hóa, văn minh từng tỏa sáng trong lịch sử khu vực và thế giới.

Theo Thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây