Về xuất xứ đồng tiền Minh Mạng bằng vàng, ông giáo sư Trường Trung học Bến Tre này mua lại của con cháu một trong những bà vợ vua ở Gò Công. Sưu tầm tiền Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Hữu được đánh giá là người sưu tầm và nghiên cứu tiền Việt Nam có uy tín nhất hải ngoại. Tuy nhiên ông chỉ đoán tiền này dùng làm mẫu do một công ty ngoại quốc muốn làm ăn buôn bán, đúc tiền cho vua Minh Mạng.
Tiền hoa cúc bằng vàng thời Minh Mạng, triều Nguyễn, Việt Nam sưu tập của BS.Kiều Quang Chẩn.
Ta biết vua Minh Mạng là người khởi xướng chính sách “bế quan tỏa cảng” không muốn giao thiệp buôn bán với nước ngoài nên việc đúc tiền đã không xảy ra. Nhưng chúng tôi muốn tìm hiểu ai là người đúc đồng tiền này, cho đến nay vẫn chỉ thấy có một đồng duy nhất. Đối với người sưu tập, tiền càng khác càng lạ thì càng quý nhưng phải là tiền của nhà vua đúc hay đặt đúc. Tiền sao chép, có ý làm giả thì vô giá trị.
Ta thử xem có thể nào đồng tiền này làm giả hay chỉ làm ra để chơi (fantasy coin)?, thì có những lý do chống lại sự suy nghĩ này:
1/ Tiền này tỷ lệ vàng rất cao, chỉ nhìn bằng mắt trần cũng biết gần như vàng mười. Phần lớn tiền vàng đúc tay của ta chỉ xê dịch ở độ 7.5 mà thôi. Vậy nếu làm giả vào thời xưa thì lỗ.
2/ Vào những năm 50 hay 60 của thế kỷ trước ở miền Nam tình hình chính trị kinh tế ổn định một vài người sưu tầm chỉ việc ra tiệm vàng có thể may mắn mua được tiền vàng hay bạc với giá nhỉnh hơn giá vàng một chút.
Sau năm 1975 tại hải ngoại, nhiều chủ tiệm kim hoàn đã làm chúng tôi xuýt xoa khi họ tiết lộ đã nấu chảy những đồng tiền vàng do người ta đem bán theo giá vàng.
3/ Đây là đồng tiền đúc, việc đúc tiền rất phức tạp và tốn kém không thể nào đúc một đồng tiền để chơi, phải có mục đích lâu dài có lợi mới cầu kỳ làm khuôn để đúc tiền. Ta tạm loại bỏ một cá nhân đúc tiền vừa không có nhu cầu lẫn khả năng khoảng thời gian ông Hữu mua đồng tiền này.
Tiền hoa cúc bằng vàng thời Tự Đức bảo tàng lịch sử quốc gia.
Tiền hoa cúc bằng vàng thời Minh Mạng - Trang Việt Nam Phong Hóa
4/ Đồng tiền vàng Minh Mạng này có 3 đặc điểm khác biệt so với tiền vàng hay bạc do các vua nhà Nguyễn cho đúc. Đó là:
a/ Tiền được đúc bằng máy trong khi tiền Việt Nam luôn đúc bằng tay (trừ những đồng xu của Khải Định và Bảo Đại).
b/ Mặt phải có 4 chữ “Minh Mạng trọng bảo” và thay vì “Minh Mạng thông bảo như thường lệ, thư pháp cũng khác. Quan trọng nhất ở trung tâm của đồng tiền này có hình HOA CÚC thay vì hình MẶT TRỜI với nhiều tia như trên các đồng tiền khác của nhà Nguyễn.
c/ Mặt trái có hình long vân, bố cục khá giống nhưng rồng và mây hơi khác so với các đồng tiền vàng mà nhà Nguyễn đã cho đúc.
Vậy thì tiền này do ai đúc và đúc để làm gì?.
Đã có một công ty ngoại quốc muốn đúc tiền vua Việt Nam rồi. Vào năm 1870 sau khi Pháp chiếm trọn Nam Kỳ thì hãng đúc tiền Uhlhorn của Đức đúc 1 đồng xu bằng đồng làm mẫu: mặt phải có bốn chữ “Tự Đức thông bảo”, mặt trái tên nhà đúc và chữ tiền mẫu.
Mặc dù tiền không được lưu hành nhưng được các người sưu tập và các nhà nghiên cứu coi như tiền mẫu chính thức, trù tính sẽ lưu hành ở miền Trung, lãnh thổ thuộc quyền vua Tự Đức (theo F. Joyaux, BSFN, tạp chí sưu tầm tiền cổ Pháp trang 215 và 221).
Nói về tiền vua Minh Mạng bằng vàng, năm 2011 một trong những đồng tiền mẫu này đã từng được đem đấu giá ở New York với giá 22.140 USD. Vậy thì rất có thể một công ty ngoại quốc đã đúc đồng tiền này. (Còn tiếp)
Theo Thanh Niên