Đó là một chiều đầu năm 1991, chàng trai Minh Hải lúc bấy giờ 19 tuổi, đang làm thợ cơ khí ở Sài Gòn, nuôi giấc mơ thi lại đại học. Vốn thích đọc báo, Hải cầm tờ báo cũ gói xôi đọc tin quảng cáo thì thấy thông tin một dự án giúp đỡ trẻ em đường phố được tài trợ bởi tổ chức phi chính phủ của Thụy Sĩ tuyển nhân sự với chức danh "giáo dục viên đường phố", không yêu cầu bằng cấp.
"Tôi thoát ly gia đình để tự lập từ năm 16 tuổi, phải tự lo liệu cho cuộc sống bản thân giống những đứa trẻ lang thang, chỉ khác là tôi được đi học. Tôi đang là một thợ cơ khí, hàng ngày tiếp xúc với máy móc vô tri nhưng bản tính tôi lại thích giao tiếp, làm việc với con người hơn. Hãy cho tôi cơ hội để được tiếp xúc với những đứa trẻ đường phố", thạc sĩ Minh Hải hồi tưởng những dòng đã viết trong thư ứng tuyển năm đó.
Trần Minh Hải quê Quảng Nam nhưng theo gia đình vào Bình Dương lập nghiệp. Mẹ anh là một y tá cứng nghề trong làng. Thuở ấy, nhiều bà con đi rừng, đi rẫy bị sốt rét thường được bà đưa về nhà để tiện chăm sóc nhưng thấy người nghèo khổ, bà không lấy tiền. Nhờ thế, cậu bé Hải học được lòng yêu thương và ý thức chia sẻ khó khăn với mọi người.
Những năm cấp 3, Hải là một cán bộ đoàn năng nổ, thủ lĩnh trong hầu hết các phong trào. Vì không đỗ đại học năm đầu, Hải ở nhà phụ mẹ một năm. Sau đó, anh quyết định lên Sài Gòn vừa học vừa làm cơ khí, nuôi mộng thi lại đại học.
Khi bắt gặp dòng tin tuyển "giáo dục viên đường phố", vì quá tò mò muốn thử sức, Hải chấp nhận xin nghỉ việc để ứng tuyển, chẳng bận tâm đến mức lương. Sau một tháng chờ đợi, Hải nhận được thông báo anh là 1 trong 30 người trúng tuyển, tham gia dự án hỗ trợ trẻ đường phố.
"Tôi có lợi thế hơn các anh chị đồng nghiệp là trẻ tuổi nhất. Khi tiếp cận các nhóm trẻ lang thang, tôi nói chuyện với các em như những người bạn nên dễ thuyết phục các em về mái ấm, từ đó mở ra cơ hội học nghề, hội nhập xã hội sau này. Vốn thích giao tiếp và không ngại khó, khi được làm trong môi trường dự án, tôi thấy mình như cá gặp nước", thạc sĩ Minh Hải chia sẻ.
Sau 3 tháng, Hải trở thành 1 trong 15 người được chọn làm nhân viên chính thức của dự án. Từ đây, anh quen và yêu người vợ hiện tại của mình.
Có lần, Hải dự thi văn nghệ ở Nhà văn hóa Phụ nữ. Vừa bước lên sân khấu và được người dẫn chương trình giới thiệu công việc là "giáo dục viên đường phố", Hải chứng kiến cảnh cả hội trường cười phá lên.
"Vì thế mà tôi run đến mức quên cả lời bài hát. Thái độ của khán giả khiến tôi nhận ra, công việc này vẫn là một thứ gì đó rất lạ lẫm ở Việt Nam lúc bấy giờ", thạc sĩ 51 tuổi ở quận 3 nhớ lại.
Suốt 4 năm từ 1993 -1997, Hải vừa làm trưởng nhóm nhân viên xã hội 4 người ở Câu Lạc Bộ Cầu Muối (nay là mái ấm Tre Xanh) ở quận 1, nơi tiếp nhận, giúp đỡ nhiều trẻ em đường phố tìm về với gia đình, học nghề và tái hòa nhập cộng đồng. Song song, anh đăng ký học thêm ngành Phụ nữ học, tiền thân của ngành Công tác xã hội ở Việt Nam tại trường đại học Mở TPHCM.
Tiếp cận thanh thiếu niên đường phố, thầy Hải không ít lần gặp "tai nạn nghề nghiệp". Đó là tình huống sau khi tiếp cận nhóm trẻ xong, vừa quay đi thì có đoàn công an tuần tra ập tới, bắt gom bọn trẻ lang thang đưa về đồn.
"Sau đó, bọn trẻ rỉ tai nhau rằng chính tôi là người "chỉ điểm" để công an đến bắt. Tôi phải mất mấy tháng trời mới có thể lấy lại niềm tin với chúng", thầy Hải cười, kể lại.
Năm cuối đại học, khi đang làm ở Câu Lạc Bộ Cầu Muối, thầy Hải vừa sắm một chiếc xe đạp mới để đi làm thì bị anh Phùng Ngọc Phong dùng gậy đập nát. Lý do là vì thầy Hải hiểu nhầm Phong ra khỏi mái ấm lúc nửa đêm để đi ăn trộm nên trách mắng và khóa cửa để giữ chân.
"Hôm đó, tôi xin được một chân bốc vác thuê ở chợ cầu Muối lúc 2h giờ sáng. Lúc mở cửa đi thì bị thầy nghi ngờ. Vì đã quyết tâm thay đổi cuộc đời, lao động chân chính để kiếm tiền là hướng tôi xác định mà bị thấy nghi ngờ, ngăn cản, thấy oan ức, tôi giận quá nên mới đập xe thầy", anh Phong kể lại.
Sau này, Phong quyết chọn ngành ô tô thay vì sửa xe máy. Thầy Hải dù bất ngờ vì anh không có trình độ, không học hành nền tảng lại dám theo một nghề rất khó. Hơn nữa, thời điểm đó, đường phố Sài Gòn, ô tô đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, thầy vẫn ủng hộ và âm thầm theo dõi quá trình học của Phong.
Mỗi tháng, thầy đều đặn đến chỗ Phong học nghề để quan sát và chứng kiến sự tiến bộ của cậu trai từng là thủ lĩnh của nhóm trẻ bụi đời, du côn đất Sài Gòn. Nhờ được trao cơ hội học nghề, Phong nhanh chóng trở thành thợ giỏi, làm việc trong hãng xe ô tô của Nhật. Dù thời điểm đó, khi đã 27 tuổi, người thanh niên xuất thân từ trẻ mồ côi, lang thang, không quê hương nguồn cội vẫn chưa có chứng minh thư.
Cũng vì thế, ngày Phong quyết định mở gara, làm ông chủ, thầy Hải lại là người chở anh trên chiếc xe máy cũ đi khắp nơi quanh Sài Gòn hỏi thuê mặt bằng, lấy uy tín của mình để bảo lãnh cho anh lập xưởng.
Thầy Hải không còn nhớ đã bảo lãnh cho bao nhiêu trẻ đường phố đến các quán cà phê, tiệm sửa xe, xưởng mộc… học nghề như thế.
"Ngoài nỗ lực của bản thân, nhờ sự giúp đỡ, đồng hành của thầy Hải như một người anh thì tôi mới có được thành công hiện nay", ông chủ gara ô tô một thời là dân giang hồ, nay đã 44 tuổi, là Giám đốc công ty TNHH Phùng Nguyễn Cao Tốc ở quận Bình Thạnh trải lòng.
Cùng lứa với anh Phong, thầy Hải cũng "bẻ lái" cuộc đời anh Trần Minh Thức, 41 tuổi, quê Long An, bỏ nhà lên Sài Gòn làm trẻ bụi đời từ năm 16 tuổi. Lang bạt khoảng một năm, Thức được thầy Hải tiếp cận và thuyết phục về mái ấm Tre Xanh. Vì thấy có chỗ ăn, ngủ miễn phí nên anh Thức đồng ý. Sau một thời gian học nghề sửa xe máy, khi biết anh còn gia đình, thầy Hải đã đưa anh tìm về đoàn tụ. Sau này, anh Thức sang Đồng Tháp sinh sống, gây dựng sự nghiệp, hiện là Giám đốc một công ty cung cấp nước có tiếng ở miền Tây.
"Nếu không có thầy Hải, tôi nghĩ mình sẽ không có được cơ hội thành công như bây giờ vì bạn bè giang hồ của tôi đứa thì chết vì ma túy, nhẹ thì cũng vào tù ra tội", anh Thức tâm sự.
Theo đuổi công việc công tác xã hội thời hoạt động này mới chỉ "thai nghén" ở Việt Nam, thầy Hải và những cộng sự đã giúp cho hàng trăm trẻ bụi đời có cơ hội hòa nhập cộng đồng. "Với tôi, việc giúp một đứa trẻ bụi đời hòa nhập cộng đồng, có nghề nghiệp và lập gia đình là sự thành công", thầy Hải trải lòng.
Sau nhiều năm theo "nghề lạ", lần đầu tiên thầy Hải muốn đổi nghề đó là thời điểm năm 1999. Trước quyết định sẽ kết hôn, thầy Hải khuyên vợ nên chuyển ngành học vì nghề này không mang lại thu nhập, nếu hai vợ chồng cùng làm thì sau này không đủ tiền nuôi con. Trong khi người vợ quyết định chuyển sang ngành tài chính, thầy Hải dù rất mê nghề "giáo viên đường phố" nhưng vẫn cố gắng học thêm một tấm bằng về quản lý nhân sự để "phòng thân".
Ngày đám cưới, 40 bàn cỗ với gần 500 khách mời chủ yếu là những bạn bè đồng nghiệp làm trong ngành và rất nhiều nhóm trẻ đường phố mà vợ chồng anh đã từng giúp đỡ, hỗ trợ. Khách đến đông nghịt không trống một chỗ, cỗ cưới hết sạch. Đó chính là điều khiến Hải cảm thấy ấm lòng vì cảm nhận rõ việc được mọi người yêu thương, từ đó anh thôi ý định chuyển nghề.
Năm sau, thầy Hải có cơ hội được nhận học bổng tham dự khóa đào tạo công tác phát triển cộng đồng 3 tháng ở Viện xã hội Châu Á tại Philippines. Đây là trường top 5 thế giới trong việc đào tạo ngành công tác xã hội lúc bấy giờ.
"Công việc này cho tôi cơ hội được đi nước ngoài nhiều. Nhìn những tấm gương từ các đồng nghiệp ở mọi quốc gia, tôi tự nhủ, đây là công việc mà mình sẽ gắn bó suốt đời", thầy Hải tâm sự.
Theo Dân Trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự