Những người đàn ông ở TP.HCM nuôi tóc để tặng cho bệnh nhân ung thư vú

Thứ hai - 31/10/2022 15:29
Cách đây gần 2 năm, Thành Đạt quyết định dừng cắt tóc. Mục đích của anh là chăm sóc, chờ tóc đạt độ dài phù hợp để hiến tặng các bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam.
Thành Đạt và ông Khắc Duy trong hoạt động hiến tóc.
Thành Đạt và ông Khắc Duy trong hoạt động hiến tóc.

Sáng cuối tuần, Thành Đạt (25 tuổi) có mặt tại nhà thi đấu Hồ Xuân Hương để tham gia Ngày hội Nón hồng - hoạt động hiến tóc của Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam.

Dù chỉ đến sau giờ khai mạc khoảng 1 tiếng đồng hồ, số thứ tự của anh đã lên đến 180. Không khí nhộn nhịp, sôi nổi của sự kiện khiến anh vừa hào hứng, vừa có chút hồi hộp.

Cách đây 1,5 năm, Đạt bắt đầu nuôi tóc. Anh thừa nhận đây là một hành trình có phần đơn độc và khó khăn. Thời gian đầu, mái tóc dài thường xuyên là tâm điểm bàn tán của xóm giềng. Sợ con bị dị nghị, gia đình thường xuyên khuyên nhủ, mong con cắt ngắn “cho giống người bình thường”.

Bên cạnh đó, kiểu tóc mới cũng gây ra nhiều rắc rối trong công việc. Là giáo viên dạy kỹ năng sống, Đạt được yêu cầu tuân thủ yêu cầu khắt khe về ngoại hình, phong cách. Đứng trước những lựa chọn, chàng trai 25 tuổi không ngần ngại giữ lại mái tóc.

Không riêng gì Thành Đạt, hơn 500 tình nguyện viên khác đều dành nhiều thời gian, công sức chăm sóc mái tóc. Với họ, đây là món quà chứa đựng nhiều tình cảm và sự động viên dành tặng bệnh nhân ung thư, những “chiến binh đầu trọc” đang phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.

Nôn nao chờ ngày hiến tóc

Chia sẻ với Zing, Đạt cho biết đã đã lường trước mọi rủi ro trước khi bắt đầu kế hoạch. Anh vẫn có nguồn thu ổn định nhờ một số công việc freelance. Thực tế, điều khiến anh lăn tăn nhất là cách giữ tóc khỏe, đáp ứng tốt tiêu chuẩn hiến tặng.

“Thời gian qua, tôi ưu tiên sản phẩm làm mượt, thậm chí dùng cả dầu dừa trong quá trình chăm sóc. Mỗi lần chải tóc, tôi xót xa khi thấy những sợi dài vương vãi trên sàn. Quá trình vừa qua giúp tôi hiểu hơn về tình yêu dành cho tóc của chị em, cũng như có thêm động lực để nuôi và hiến tặng”, anh nói thêm.

 Ông Tô Khắc Duy (61 tuổi) đến hiến mái tóc “muối tiêu” dài quá vai cho những bệnh nhận ung thư lớn tuổi.
Ông Tô Khắc Duy (61 tuổi) đến hiến mái tóc “muối tiêu” dài quá vai cho những bệnh nhận ung thư lớn tuổi.

Tương tự, ông Tô Khắc Duy (61 tuổi) cũng trở thành tâm điểm nhờ mái đầu “muối tiêu” dài quá vai. Nhà ở Bến Tre, ông phải xuất phát từ 5h30 để có mặt đúng giờ.

Dù vậy, ông vẫn luôn tươi cười, tự tin khoe với mọi người về quá trình 3 năm nuôi tóc của mình.

Năm 2019, ông Duy đọc được thông tin cần tóc giả hoa râm cho bệnh nhân ung thư lớn tuổi.

Từ ngày nuôi tóc, ông thường bị đồng nghiệp, bạn bè trêu đùa. Mỗi lần được hỏi về lý do, ông Duy thường cười xòa rồi lảng sang chuyện khác.

Mãi đến khi mái tóc đạt độ dài ưng ý, sẵn sàng được hiến tặng, ông mới thoải mái chia sẻ về ý định đặc biệt.

Cầm lọn tóc dài 30 cm đã được cột cẩn thận, người đàn ông 61 tuổi không khỏi xúc động. Ông cho rằng đây là một trong những quyết định ý nghĩa nhất mình từng thực hiện.

“Sau hôm nay, tôi sẽ tiếp tục nuôi tóc và rủ vợ con cùng tham gia. Không biết thời gian của mình còn nhiều đến đâu, nhưng tôi mong sẽ có cơ hội khoe rằng cả gia đình mình đã cùng nhau hiến tóc”, ông Duy vui vẻ nói.

Điều tự hào nhất

Với Bảo My (23 tuổi, quận Gò Vấp), bộ tóc đến eo đã trở thành niềm tự hào từ những năm học cấp 1. Cô chăm sóc tóc bằng liệu pháp tự nhiên, tránh tối đa sử dụng hóa chất. Cô từng nghĩ mình sẽ giữ suối tóc óng ả đến khi già.

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi từ ngày chị họ cô được chẩn đoán ung thư vú. Sau khi thấy người thân phải cạo trọc để tiếp nhận hóa trị, My quyết định giã từ mái tóc dài.



 Nhiều tình nguyện viên thừa nhận không tin rằng mình đã 'dám' cắt tóc. Ảnh: Duy Hiệu.
Nhiều tình nguyện viên thừa nhận không tin rằng mình đã "dám" cắt tóc. Ảnh: Duy Hiệu.

“Bố mẹ tôi phản đối gay gắt, cho rằng tôi có thể động viên chị và các bệnh nhân theo cách khác. Tuy nhiên, mỗi lần nhớ về mái tóc đen tuyền mà chị luôn nâng niu, tôi càng muốn thực hiện nguyện vọng này”, Bảo My cho hay.

Cô gái 23 tuổi thừa nhận đã nhiều phen đắn đo, định bỏ về vì lo lắng. Trước nhát kéo đầu tiên, My nhắm mắt để giữ bình tĩnh. Phải đến khi nhận lấy 3 lọn tóc, cô mới thở phào nhẹ nhõm.

Ngắm nhìn diện mạo mới trong gương, Bảo My bật cười vì chưa quen với kiểu tóc ngang vai. Dù có chút lo lắng về phản ứng của người thân, cô vẫn tin mọi người sẽ dần thấu hiểu và ủng hộ quyết định của con.

Trong khi đó, Thảo Linh (18 tuổi) được mẹ đưa đến tận điểm hiến tặng. Sau 2 năm giữ gìn, tóc Linh đã chạm thắt lưng.

Theo Linh, việc nuôi mái tóc đủ tiêu chuẩn hiến tặng không đơn giản.

Để hợp lệ, tóc tự nhiên của người tặng phải có chiều dài tối thiểu từ 25 cm, tóc đã qua xử lý hóa chất (uốn, nhuộm…) phải có chiều dài tối thiểu từ 30 cm.

Mỗi ngày, cô đều mong cho tóc nhanh dài đạt tiêu chuẩn. Song, đến khi chuẩn bị “ngồi ghế nóng”, Linh lại có chút bồn chồn.

“Tôi nghĩ đây là cảm giác chung của nhiều bạn nữ. Chúng tôi xem mái tóc là một phần quan trọng của mình. Hy vọng cảm giác tiếc nuối sẽ nhanh qua, để tôi có động lực tiếp tục nuôi tóc”, cô chia sẻ.

 Thảo Linh và mẹ trước giờ 'ngồi ghế nóng'.
Thảo Linh và mẹ trước giờ "ngồi ghế nóng".

1.500 bộ tóc giả

Trò chuyện với Zing, nhà tạo mẫu tóc Quốc Khánh, người trực tiếp cắt tóc các các tình nguyện viên, bày tỏ sự trân trọng. Dù đã theo nghề 10 năm, anh Khánh vẫn không khỏi xúc động trước khi nhấp kéo.

Anh cho rằng cắt tóc để hiến tặng không có gì khác biệt so với bình thường. Quan trọng nhất, thợ tóc phải trao đổi kỹ về độ dài đoạn cắt nhằm tránh làm phiền lòng mọi người.

“Tôi luôn hạnh phúc khi chạm tay vào những mái tóc dài. Chưa kể, chúng còn được dùng để hiến tặng bệnh nhân ung thư, nên sự nâng niu được đặt lên hàng đầu. Mọi khâu cần được lưu tâm để tóc thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất”, anh cho hay.



 Mọi khâu cắt, cột, phân loại tóc đều được đảm bảo tính chỉn chu. Ảnh: Duy Hiệu.
Mọi khâu cắt, cột, phân loại tóc đều được đảm bảo tính chỉn chu. Ảnh: Duy Hiệu.

Đồng tình với quan điểm trên, Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam cũng đề cao quá trình bảo quản tóc hiến tặng.

Do chỉ có thể thực hiện thủ công, ban tổ chức phải chỉn chu trong từng công đoạn, từ tiếp nhận, phân loại đến gia công. Những lọn tóc phải đảm bảo khô, không rối hay mốc và được cột, tết cẩn thận.

Theo người đại diện, tổ chức không thống kê chính xác được nhu cầu tóc giả của các bệnh nhân. Thực tế, mỗi khi sản xuất được 50-100 bộ, tóc sẽ được chuyển trực tiếp về các bệnh viện liên kết nên không có danh sách chờ. Trong trường hợp muốn tự nhận tóc, bệnh nhân có thể tìm đến thư viện tóc đặt tại văn phòng của mạng lưới.

“Cần 4-7 lọn để làm ra bộ tóc thành phẩm, chưa kể đến quá trình gia công khá tốn kém, phụ thuộc vào các hair salon. Đó là lý do chúng tôi chỉ mới trao đi 1.500 mái tóc giả trong 7 năm hoạt động. Con số này không quá to lớn, song chứa đựng tình cảm của 200.000 tình nguyện viên.

Không chỉ người hiến tặng, chúng tôi thấy rõ niềm hạnh phúc, sự tự tin của các bệnh nhân ung thư khi được nhận tóc mới. Việc tặng tóc như hành động ủng hộ tinh thần cho bệnh nhân, giúp họ tự tin hơn và cảm thấy bản thân không đơn độc trong hành trình chiến đấu với ung thư", đại diện Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam nói thêm.

Nguồn Zing

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây