Trường kỳ chiến đấu với những căn bệnh hiểm nghèo, người trước kia khá giả cũng trở nên hụt hơi, người có hoàn cảnh khó khăn lại càng nhanh kiệt sức. Những bữa ăn miễn phí vì vậy sẽ cực kỳ ý nghĩa.
Phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM theo chân nhóm “y bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo”, trao tặng bữa điểm tâm cho bệnh nhân. Bưng trên tay tô cháo vẫn đang bốc khói, ông L.M.H. (62 tuổi) xúc động: “Cứ vào chủ nhật tôi lại được ăn món cháo chan chứa tình người. Rất no cái bụng và ấm trong lòng những bệnh nhân nghèo như chúng tôi”.
Cùng với phác đồ điều trị đang được áp dụng, những phần cháo nghĩa tình như đang hợp lực góp phần giúp người bệnh xoa dịu cơn đau.
Ông H. từ Đồng Tháp lên “tạm trú” và điều trị tại Bệnh viện 175 đã hai năm nay. Ngần ấy thời gian dùng món cháo, ông thuộc lòng họ tên các thành viên trong nhóm thiện nguyện. Ở chiều ngược lại, cả nhóm cũng nhớ tên những bệnh nhân có “thâm niên” như ông H. Họ thân thiết với nhau như người trong gia đình. Nhận khẩu phần ăn sáng xong, tất cả tạm biệt nhau và hẹn tái ngộ vào tuần sau.
Để có bữa ăn đủ số lượng và dinh dưỡng cho người bệnh nặng, 13 năm nay, nữ bác sĩ Lê Thanh Nga - trưởng nhóm thiện nguyện rất hiểu và đặc biệt chú trọng đến khâu mua thực phẩm tươi ngon, sạch tại các siêu thị.
Chị quan niệm rằng “của cho không bằng cách cho”, nguồn nguyên liệu chế biến, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Ban giám đốc bệnh viện tạo điều kiện tối đa để nhóm từ thiện của chị Nga được “tác nghiệp” tại chỗ.
Mới 4 giờ sáng, hàng chục thành viên đã có mặt, mỗi người một việc, thành thạo và chuyên nghiệp. Chỉ vài chục phút sau, những nồi cháo rất to sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân và người nhà. 500 tô cháo đã được đến tay người nhận trước 7 giờ.
Nhiều cơ sở y tế khác cũng được nhóm của bác sĩ Nga luân phiên đến hỗ trợ suất ăn miễn phí. Bệnh viện Lê Văn Việt, Quân dân y Miền Đông (TP Thủ Đức), đều là những địa chỉ quen thuộc, mỗi tuần nhóm lại đến tặng cơm. Bệnh viện Lê Văn Thịnh (cũng thuộc TP Thủ Đức) có nhà hảo tâm khác đảm nhiệm, nhưng chị Nga vẫn gửi 500kg gạo/tuần ủng hộ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, bệnh nhân không bao giờ quên bữa cơm từ những tấm lòng nhân ái.
Đó mới chỉ là hoạt động tặng suất ăn “lưu động” qua nhiều địa bàn khác nhau. “Đại bản doanh” - nhà riêng của vợ chồng bác sĩ Thanh Nga đặt tại số 63 Man Thiện, phường Hiệp Phú (TP.Thủ Đức), tặng cơm cho người lao động nghèo vào trưa thứ ba, năm, bảy hằng tuần.
Người bạn đời của chị - lương y Đỗ Huỳnh Văn Huy phụ trách “phòng thuốc nam 0 đồng” cũng ở địa chỉ này. Hàng ngàn người dân trong hoàn cảnh “ba không”: “Không thu nhập, không bảo hiểm y tế, không có khả năng mua thuốc”, đã được khám và phát thuốc đông y. Mỗi khi có người bình phục, anh chị hạnh phúc như chính mình vừa thoát khỏi cơn ngặt nghèo.
Có lẽ phẩm chất “bao đồng”, đã khiến hai vợ chồng giàu lòng nhân ái này quyết tâm “bao trọn gói”: xây khu nhà lưu trú cho bệnh nhân khó khăn từ các tỉnh, thành khác về đây chữa bệnh. “Khách sạn” tình nghĩa của anh chị vừa khánh thành tại số 340/14, đường Long Phước (KP.Long Đại, phường Long Phước, Thủ Đức) đủ khả năng tiếp nhận cùng lúc 70 người. Bệnh nhân được ăn ở, chữa bệnh không tốn chi phí, điều tưởng như chỉ có trong truyện cổ tích.
Vậy mà “cổ tích giữa đời thường” đã ra đời từ năm 1998. Hiện nay hoạt động này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Ngày xưa, thân phụ của chị Nga cũng là bác sĩ và rất đam mê làm việc thiện, giờ đây chị đã kế thừa những di sản quý giá từ người cha vô cùng đáng kính!
Nguồn Congan.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự