Đều đặn từ 4 giờ sáng hàng ngày, các thành viên tại Bếp yêu thương đã có mặt đông đủ tại hẻm 478 đường Hòa Hảo, Quận 10 để bắt đầu các công đoạn nấu ăn cho bệnh nhân. Bếp yêu thương có 15 thành viên, mỗi người một việc, người nhóm bếp, nhặt rau, sơ chế đồ ăn, người đứng nấu chính để có được những phần ăn ấm nóng, kịp thời chuyển đến tay bệnh nhân.
Bà Mai Ngọc Châu, Nhóm trưởng của Bếp yêu thương cho biết, thời gian đầu khi mới thành lập (năm 2010), Bếp yêu thương gặp nhiều khó khăn về nguồn lực duy trì hoạt động, thiếu thốn vật dụng nhà bếp. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, Bếp yêu thương dần ổn định, phát triển và lan tỏa tới cộng đồng. Bên cạnh sự đóng góp của các thành viên trong nhóm thiện nguyện, Bếp còn nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm bằng gạo, rau củ, thực phẩm, vật dụng nhà bếp,…
Hiện, trung bình mỗi ngày, bếp nấu, cấp phát khoảng 600 phần bún chay và 300 ổ bánh mì đến tay bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo bà Mai Ngọc Châu, niềm vui của các thành viên Bếp yêu thương đôi khi chỉ là được thấy nụ cười trên khuôn mặt của những bệnh nhân nghèo lúc họ nhận những suất ăn ấm áp và tràn đầy yêu thương. Những phần cơm, phần bún tuy giá trị vật chất không lớn nhưng phần nào động viên, tiếp thêm động lực để các bệnh nhân chiến thắng bệnh tật.
Là thành viên cao tuổi nhất tại bếp ăn, bà Nguyễn Thị Neo (71 tuổi) bày tỏ, Bếp yêu thương là mô hình đầy nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự sẻ chia, ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Với bà Neo, việc chia sẻ, giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn cũng như giúp chính những người thân trong gia đình của mình.
Bà Neo hào hứng, không khí làm việc tại bếp luôn luôn rộn rã tiếng cười. Ai cũng tất bật, làm việc luôn tay với tinh thần hăng say. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là niềm hạnh phúc của mỗi thành viên tham gia. Nếu như không có cái tâm, không yêu thích công việc xã hội, có lẽ khó lòng mà thực hiện được.
Các thành viên trong nhóm thiện nguyện, mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau, tuy nhiên, họ gặp nhau ở tấm lòng thiện nguyện, chung chí hướng muốn sẻ chia khó khăn cùng bệnh nhân nghèo. Nhờ đó mà bếp cơm từ thiện của họ vẫn luôn “đỏ lửa” mỗi ngày. Đằng sau lớp khẩu trang và những giọt mồ hôi rơi là bao tâm huyết, hết lòng vì người bệnh.
Những người dân xếp hàng nhận cơm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ai cũng thương, cũng quý những thành viên ở Bếp yêu thương. Ông Trương Minh Thành (48 tuổi, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy) bày tỏ: Hàng ngày được nhận những suất ăn miễn phí đầy đủ chất dinh dưỡng, ông rất xúc động và biết ơn sự quan tâm của cộng đồng. Mong rằng, những suất cơm từ thiện này sẽ tiếp tục giúp đỡ được nhiều hơn những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện.
Lan tỏa hành động đẹp
Bên cạnh việc tổ chức nấu và phát suất ăn chay miễn phí cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, từ năm 2016 đến nay, Bếp yêu thương còn thường xuyên thu gom quần áo cũ tặng cho người khó khăn ở vùng sâu vùng xa 3 đợt/năm (mỗi đợt 2 - 4 tấn quần áo); vận động mạnh thường quân xây các cầu bê tông ở miền Tây, mỗi năm 1 - 2 cây cầu.
Trong đợt cao điểm của dịch COVID-19 (từ tháng 6-8/2021), Bếp yêu thương đã nấu hơn 20.000 suất ăn, và trao 6.000 chai nước cam cho các hộ dân ở khu vực cách ly, người dân khó khăn bị ảnh hưởng trên địa bàn phường 5 (Quận 10) và san sẻ cho các đơn vị Quận 8, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh... với tổng kinh phí hơn trị giá 460 triệu đồng. Từ năm 2020, Bếp đã thực hiện nấu bữa ăn dinh dưỡng vào thứ 4 hàng tuần (mỗi đợt phát 700 suất) cho các em mồ côi, bệnh tật được nuôi dưỡng tại chùa Kỳ Quang.
Các thành viên tại Bếp yêu thương phát bánh mì cho người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ngoài ra, Bếp yêu thương còn thường xuyên tham gia các chương trình chăm lo an sinh xã hội cho các hộ gia đình, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, Tết.
Theo bà Mai Ngọc Châu, khi biết được hoạt động của Bếp yêu thương, nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã tích cực ủng hộ thực phẩm, hỗ trợ việc đóng gói và phát cơm. Bà Châu mong rằng, bếp sẽ là cầu nối để đưa những suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng đến tay những người dân gặp khó khăn. Nếu mô hình này được nhân rộng sẽ giúp hàng trăm, hàng nghìn người dân, người bệnh có bữa ăn để chiến thắng bệnh tật.
Nhận thấy hoạt động của Bếp yêu thương đạt hiệu quả cao, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 10 Trần Thanh Ngọc cho biết, từ giữa tháng 6/2021 đến nay, quận đã triển khai 4 bếp ăn, cung cấp hàng ngàn suất ăn mỗi ngày đến cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn kinh phí vận động từ các nhà hảo tâm.
Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa của các bếp ăn từ thiện, bà Trần Thanh Ngọc cho hay, các bếp ăn từ thiện đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo, giúp họ thêm ấm lòng với những suất cơm nóng hổi, đảm bảo dinh dưỡng nhằm vơi bớt lo lắng, yên tâm điều trị bệnh. Những mô hình bếp ăn từ thiện lan tỏa những việc làm thiện nguyện, qua đó, nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã hỗ trợ thường xuyên cho bếp ăn, giúp hàng trăm suất ăn miễn phí mỗi ngày cho bệnh nhân nghèo đang điều trị.
Bà Trần Thanh Ngọc cho biết, Bếp yêu thương không chỉ giúp đỡ người khó khăn mà còn là dịp để mọi người đoàn kết, gắn bó, cùng làm tốt nhiệm vụ. Dù công việc khá vất vả, có lúc phải gồng mình gắng sức, nhưng nhận thấy ý nghĩa tích cực của việc mình làm nên mọi người đều vui vẻ, tình nguyện tham gia.
Đúng như tên gọi, Bếp yêu thương là tình thương giữa người với người, là nguồn động lực lớn giúp người dân vượt qua khó khăn. Bếp yêu thương không đơn thuần chỉ cung cấp những suất ăn miễn phí, không lớn về giá trị vật chất mà thấm đẫm tình người. Chính nhờ những hoạt động ý nghĩa, đóng góp cho xã hội, mà “Bếp yêu thương” phường 5, quận 10 đã trở thành một trong những tập thể được vinh danh tại Lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của Thành phố Hồ Chí Minh” lần thứ 5 năm 2022.
Theo Baotintuc.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự