Hành trình suốt 20 năm làm thiện nguyện giúp đời của người phụ nữ quê lúa

Thứ ba - 08/11/2022 15:23
Nhiều người vô gia cư có hoàn cảnh khó khăn đã quá quen với địa chỉ 286 Lê Duẩn. Mỗi thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần, hơn 200 suất cơm đầy đặn, nóng hổi được phát miễn phí tại đây.
Hành trình suốt 20 năm làm thiện nguyện giúp đời của người phụ nữ quê lúa

Đây là địa chỉ quen thuộc của câu lạc bộ Thiện nguyện Tuyết Phong mà bà Cao Thị Ánh Tuyết (SN 1972) làm chủ nhiệm.

Được biết, bà Tuyết là người quê gốc Thái Bình; hơn 20 năm qua, bà cần cù cũng những người cộng sự nhường cơm sẻ áo với những hoàn cảnh khó khăn.

Buổi sáng cuối tuần, chúng tôi có mặt nhà riêng của bà Tuyết trên đường Lê Duẩn tại phường Trung Phụng (Đống Đa, TP Hà Nội). Căn nhà nhỏ nằm ngay gần đường tàu; vừa là nơi kinh doanh, lại vừa là địa điểm gặp gỡ của nhóm “Thiện nguyện Tuyết Phong”.

Chúng tôi đến đúng lúc cả nhóm đang chuẩn bị những suất cơm chiều, mùi thức ăn thơm nức lan tỏa khắp các gian nhà. Trong ngôi nhà nhỏ mỗi người một việc, chân tay ai nấy thoăn thoắt. Trong bếp, bà Tuyết hối thúc mọi người rửa rau, còn bà nhanh nhẹn lật từng miếng chả nóng hôi hổi đang rán trên bếp.

q
Bà Tuyết tự tay chia từng suất cơm cho những người khó khăn.

“Thực đơn suất ăn dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn cũng đa dạng phong phú, tùy từng hôm sẽ có các món thay đổi liên tục như bắp cải xào, món nem, đậu, cá kho, thịt... Bình thường thực đơn có 2 món rau và 4 món mặn, được chia đều tay theo từng suất cơm.

Nhiều người cũng hỏi sao không làm đồ chay, nhưng thú thật tôi ít làm chay, vì đối tượng muốn giúp đỡ là những người có hoàn cảnh khó khăn, đa số họ thiếu chất nên cần những suất cơm có đủ dinh dưỡng.

Ngoài phát cơm ở nhà thì nhóm còn phát cả ở Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Xanh Pôn, giúp đỡ cả bệnh nhân điều trị nội trú và người nhà của họ. Với những người tàn tật không đi xa được, tình nguyện viên của nhóm sẽ mang đến tận nơi theo địa chỉ có sẵn”, bà Tuyết chia sẻ.

q
Đi chợ, sơ chế đồ ăn cho đến nấu nướng, bà Tuyết đều cùng các tình nguyện viên làm thoăn thoắt.

Bận rộn với công việc kinh doanh nhưng sáng nào bà Tuyết cũng sắp xếp hợp lý để trước 8h bà đi chợ, mua thực phẩm về để người trong nhà và các tình nguyện viên kịp bắt tay vào làm.

“Mỗi lần phát 200-250 suất cơm. Tiêu chí của tôi là cơm phát cho người nghèo cũng phải làm ngon, sạch, giữ vệ sinh như cơm nhà. Chính vì thế, tôi tự đi chợ từ sớm để tự tay mua những mớ rau ngon, những miếng thịt ưng ý, những con cá thật tươi về để mọi người cùng bắt tay vào nấu nướng, chiều còn kịp phát cơm”, bà Tuyết nói.

q
Những người nghèo khó, người vô gia cư đã quen với địa chỉ phát cơm của nhóm thiện nguyện Tuyết Phong.

Nói về cơ duyên đến với hành trình thiện nguyện và duy trì việc đó suốt 20 năm nay, bà Tuyết bồi hồi kể lại quãng thời gian nghèo khó, nhất là khi bố mất, gia đình bà cũng rơi vào khủng hoảng.

“Gia đình vốn xuất thân nông dân, bố mất sớm, mẹ tôi nuôi 5 đứa con, cái nghèo, cái đói cứ đeo bám mãi. Đói đến mức nấu niêu cơm mỗi người được lưng bát, anh em hiếm khi được ăn cơm no bụng, không ít lần tôi và anh lớn phải nhường cơm cho em út. Thấu hiểu cảnh đó, bên hàng xóm có bà cụ đã già mà cứ mỗi lần ăn cơm là cụ lại gọi anh em tôi sang ăn cùng. Nhiều lần rồi thành quen. Tôi còn nhớ như in cái cảnh mỗi lần nhà cụ chuẩn bị ăn cơm, chiếc mâm, chiếc đũa va vào nhau lạch cạch là anh em tôi chạy sang, cụ đưa cơm cho ăn. Câu nói cụ dạy đã in sâu trong tâm trí tôi: “Con ơi phải biết thương người”.

Chính những bữa ăn trong ngày đói của cụ là bài học quý giá giúp tôi nhận ra ý nghĩa cuộc sống và dạy tôi bài học ''một miếng khi đói bằng một gói khi no''.

q
Những tình nguyện viên và nhiều cộng sự của bà Tuyết cùng chung tay giúp đỡ người nghèo, đặc biệt trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Rồi một lần vào viện, tôi chứng kiến cảnh đôi vợ chồng trẻ ở quê lên, anh chồng đưa vợ đi sinh nhưng khó khăn, con sinh ra lại khuyết tật, không có hậu môn nên cần phẫu thuật. Đứa bé khóc ỏm tỏi, còn anh chồng gục khóc ngoài hành lang, tôi tới hỏi thì người đàn ông nói kiệt quệ vì không có tiền.

Giây phút ấy, tôi dùng hết số tiền còn lại trong túi đóng tiền viện phí cho gia đình ấy.

Sau đó, chứng kiến nhiều người khó khăn, tôi tự bảo mình phải giúp đỡ họ trong khả năng mình có thể làm”, bà Tuyết tâm sự.

q
Mỗi buổi nhóm của bà Tuyết phát khoảng 200-250 suất cơm. Nguyên liệu được chuẩn bị từ sớm rồi cả nhóm chung tay chế biến, nấu nướng, chia suất.

Cho đến nay, bà Tuyết đã và đang đồng hành với nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi, Viện Huyết học và Bệnh viện Bạch, Mai nhất là trong những ngày lễ, Tết; còn Xanh Pôn bà đến giúp đỡ đi thường xuyên.

“Hành trình giúp người nghèo khó của tôi suốt 20 năm nay cũng gặp rất nhiều may mắn vì sự đồng hành của các công ty, doanh nghiệp, các em, các con, người bỏ công, người bỏ sức lực, người góp tinh thần.

Chúng tôi tâm niệm là một nhóm tạo phước, tôi kêu gọi những người có con đường lầm lỗi nhưng giờ cũng đi thiện nguyện theo, coi như một cách để họ thể hiện hối cảm với cuộc đời.

Có những trường hợp tôi là nhà tài trợ chính lo cho các cháu nhỏ chữa bệnh thì bố mẹ lại cùng chung tay đi phát cơm với nhóm, mỗi lần phát hàng trăm suất cơm thì việc nấu nướng cũng rất vất vả, cần nhiều nhân lực”, bà Tuyết nói thêm.

q
Đều đặn theo lịch, những suất cơm nóng, ấm áp tình người được trao đến tay những người nghèo ở Hà Nội.

Đợt Covid-19 bùng phát dữ dội tại Hà Nội, nhóm của bà Tuyết đã hỗ trợ 145 tấn gạo và hàng nghìn thùng mì, sữa, đường và nhiều thực phẩm thiết yếu. Với bản thân bà Tuyết, thời điểm đó việc kinh doanh của công ty cũng gặp nhiều khó khăn, bà đã bán đi hai cây vàng để làm thiện nguyện.

Tâm niệm ''sẽ cùng các cộng tác viên, nhà hảo tâm làm việc thiện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn cho đến khi nào không thể thì mới dừng; còn làm việc ngày nào thì sẽ luôn hết mình", bà Cao Thị Ánh Tuyết mong muốn sẽ có thêm nhiều người cùng giúp sức để những người nghèo khổ vơi bớt khó khăn và không còn ai bị bỏ lại phía sau.

Theo Infonet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây