Gieo mầm xanh trên núi đá tai mèo

Thứ tư - 02/11/2022 15:27
Giữa bốn bề núi đá tai mèo lạnh ngắt, hai nữ giáo viên vẫn ngày ngày miệt mài 'gieo chữ' với hi vọng, con chữ sẽ xua đuổi cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu của người Mông tại thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương (Lào Cai).
Cô giáo Vũ Thị Hiền và các học trò tại thôn Vả Thàng
Cô giáo Vũ Thị Hiền và các học trò tại thôn Vả Thàng
Tung Chung Phố là xã biên giới vùng cao, cuộc sống của người dân nơi đây còn muôn vàn khó khăn. Toàn xã có 515 hộ dân thì có hơn một nửa là hộ nghèo, riêng thôn Vả Thàng với 53 hộ dân, 100% là đồng bào người Mông sinh sống còn khó khăn gấp bội.

Bí thư chi bộ thôn Vả Thàng - ông Hầu Seo Chứ cho biết, các hộ dân trước đây sống rải rác trên các ngọn núi cao. Sau nhiều lần hạ sơn, đã tập trung về dưới chân núi, lập thành thôn bản và định cư ổn định mấy chục năm nay.

Chỉ cách trung tâm xã khoảng 5km nhưng trước đây để vào được Vả Thàng, phải leo bộ qua những con dốc dựng đứng, đất đá lởm chởm. Năm 2013, tỉnh Lào Cai đầu tư làm con đường bê tông vào tận bản. Năm 2017 điện cũng đã được kéo về cho bà con nhưng hiện tại cuộc sống của người dân vẫn rất khó khăn.

1
Điểm trường Vả Thàng nằm bên sướn núi, lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng.

"Người dân chỉ canh tác một vụ lúa, một vụ ngô nhưng do địa hình đồi dốc, diện tích ít ỏi nên khó khăn vẫn chồng chất khó khăn", ông Hảng Seo Sùng, Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố chia sẻ.

Trong bức tranh nghèo khó ấy, nằm cheo leo bên sường núi, điểm trường Vả Thàng thuộc trường Tiểu học xã Tung Chung Phố như một điểm sáng duy nhất giữa bốn bề núi đá heo hút. Điểm trường được xây dựng kiên cố với những phòng học khang trang. Các cháu nhỏ được ăn bán trú tại trường. Cô giáo vừa dạy học, "kiêm" luôn công việc chăm lo cho các cháu nhỏ từ bữa ăn đến giấc ngủ.

q
Con đường đến trường cheo leo.

Cô giáo Vũ Thị Hiền cho biết: Điểm trường Vả Thàng hiện có một lớp ghép (học sinh lớp 1 và lớp 2) với 15 cháu, lớp mầm non 12 cháu. Cô Hiền phụ trách lớp ghép, lớp mầm non do cô giáo Lù Thị Hằng phụ trách.

Là người đã gắn bó với thôn Vả Thàng từ thập niên 1990 đến nay, cô Hiền nói rằng, bản người Mông nơi đây đã đổi khác rất nhiều: "Cuộc sống của các hộ dân vẫn nghèo và thiếu thốn, nhưng tư duy đã thay đổi tiến bộ, 100% trẻ đến tuổi đi học đều được bố mẹ cho đến trường".

1
Có đoạn len qua những phiến đá.

Nhà cô Hiền ở thị trấn Mường Khương, cách điểm trường 15km. Trước đây, cô Hiền phải đi dạy từ lúc tờ mờ sáng. Đến UBND xã gửi xe sau đó đi bộ 5km vào điểm trường. Những hôm mưa gió, cô Hiền phải ở lại nhà người dân trong thôn.

Giờ đã có đường bê tông vào tận bản nhưng để vào tận điểm trưởng, cô Hiền và cô Hằng vẫn phải để xe từ đầu thôn, đi bộ trên con đường mòn vắt quá thung núi. "Vẫn phải đi bộ mấy trăm mét qua thung lũng nhưng như thế đã là quá sướng so với trước đây", cô Hiền tâm sự.

1
Ngày nào bé Thầu Bá Dương cũng cõng em vượt núi đến trường.

Điều cô Hiền vui mừng nhất là tất cả các trẻ trong thôn đến tuổi đi học đều đã được đến trường. "Các em chưa đủ áo để mặc ấm, chưa đủ cơm để ăn no nhưng các em đã tự giác đến trường mỗi ngày để học con chữ. Trước đây, sáng nào cô giáo cũng phải đi "bắt" học sinh, nếu không các em theo bố mẹ lên nương hết", nữ giáo viên chia sẻ.

Điểm trường Vả Thàng được xây dựng bên sườn núi ở ngay đầu bản. Để đến trường, các em học sinh phải đi qua các lối mòn giữa những phiến đá tai mèo dựng đứng. Dù học mầm non hay lớp 1, các em đều phải tự một mình đến trường vì bố mẹ bận lên nương, lên rẫy.

1
Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng được đến trường, các em nhỏ rất háo hức và hạnh phúc.

Vẫn còn đó những khó khăn nhưng các em đều đến trường rất đúng giờ. Anh cõng em, cháu lớn dìu cháu bé, bất kể nắng hay mưa, các em vẫn miệt mài đến điểm trường để học chữ.

"Có trường hợp nhìn rất thương như gia đình em Hầu Sin Dương. Ba anh em Dương đều học ở điểm trường. Ngày ngày Dương cõng em bé nhất, còn bé thứ 2 xách cặp sách, cứ thế 3 anh em đến trường đi học", cô Hiền kể.

1
Những em nhỏ hạnh phúc bên cô giáo Lù Thị Hằng.

Do bao quanh là núi đá nên khí hậu ở Vả Thàng rất khắc nghiệt, nhất là vào mùa đông. Những lúc đó, mỗi học sinh đi học sẽ kèm theo một que củi để đến trường cô Hiền, cô Hằng nhóm lửa cho các em sưởi qua những ngày đông buốt giá.

Bao nỗi vất vả chẳng thể nào kể hết, nhưng trong mắt cô Hiền vẫn ánh lên niềm hạnh phúc khôn tả khi nhắc đến điểm trường Vả Thàng thân yêu. Cô Hiền nói rằng, hình ảnh các em nhỏ co ro đến lớp vì áo không đủ ấm hay run bần bật vì cái bụng kẹp lép vẫn luôn khiến lòng cô nhói đau.

1
Vừa dạy chữ, cô Hằng vừa chăm lo cho các cháu từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Làm sao không xót xa khi chứng kiến những đôi chân bé xíu ngày ngày mòn mỏi leo trèo qua đỉnh núi đá tai mèo. Thế nhưng, cô Hiền có niềm tin rằng, chỉ có cái chữ mới làm thay đổi Vả Thàng, chỉ có cái chữ mới xua đuổi được "con ma" đói nghèo, lạc hậu và thay đổi cuộc đời của những đứa trẻ như bé Thầu Bá Dương sau này.

Hôm chúng tôi đến thăm điểm trường Vả Thàng đúng lúc các cháu học sinh đang dùng bữa trưa. Những đứa trẻ hồn nhiên với khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc khi được "mẹ Hằng", "mẹ Hiền" chăm chút cho bữa ăn no, ăn ngon…

1
Bữa ăn trưa của những đứa trẻ tại điểm trường Vả Thàng.

Hàng chục năm gắn bó với núi rừng biên giới, gắn bó với biết bao thế hệ học sinh, cô giáo Vũ Thu Hiền giờ đã trở thành người con của thôn Vả Thàng. Cô không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ hiền, người hi sinh tuổi xuân, tuổi trẻ để "ươm mầm xanh" hy vọng, để "gieo" con chữ trên những mỏm đá tai mèo với hy vọng mở ra một tương lai tươi sáng nơi vùng đất biên viễn.

Theo Phunuvietnam.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây