Sư Thipakorn, một trong những vị sư khởi đầu ý thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường quan sát thấy rằng: Không có sự khác biệt lớn nào giữa các tấm y. Bản thân tôi cũng đắp chiếc y làm từ nhựa tái chế và các tấm y tái chế này cũng không khác gì tấm y truyền thống, theo Gulf News.
Dự án này chính là ví dụ về sự áp dụng bền vững công nghệ hiện đại để biến các chai nhựa không sử dụng nữa thành loại sợi có thể dùng trong may mặc.
Đầu tiên, các chai nhựa bị vứt đi được thu gom và chứa ở một nơi trong chùa. Sau khi được cán nén, các chai nhựa này được chuyển đến nhà máy sản xuất nơi nhựa được nấu chảy ra và sản xuất thành sợi. Sợi thành phẩm được chuyển lại về nhà chùa. Từ sợi này, người tình nguyện phụ trách trang phục trong chùa sẽ may thành y cho chư Tăng.
“Cho đến nay, chúng tôi đã làm ra khoảng 200 tấm y từ chai nhựa tái chế”, chia sẻ của sư Thipakorn.
Hoạt động này được giám sát bởi một hội đoàn địa phương được hỗ trợ tài chính từ các công ty lớn và lãnh đạo của Cung điện Hoàng gia Thái Lan.
Theo đó, mất khoảng 30 chai nhựa PET thể tích 1,5 lít để sản xuất ra một bộ y, mỗi bộ y cho chư Tăng chứa từ 30 - 35% nhựa tái chế kết hợp với cotton và các nguyên liệu khác.
Theo Nikkei Asian Review, Thái Lan xếp sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka - quốc gia đứng hàng thứ 6 trên thế giới trong việc đổ thải rác ra biển; khoảng 1,03 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm với hơn 3% số đó được phát hiện trôi dạt ra đại dương.
Một khảo sát của chính phủ Thái Lan năm 2017 cho thấy mỗi người dân nước này sử dụng trung bình khoảng 8 túi nhựa mỗi ngày, ước tính khoảng 198 tỉ túi mỗi năm.
Ô nhiễm chất thải nhựa không chỉ là vấn đề của Thái Lan mà là vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến đất và môi trường nước (sông ngòi và đại dương), gây ra những hậu họa khủng khiếp cho con người trong tương lai.
Chư Tăng chùa Chak Daeng hiện đang sử dụng rác thải nhựa để sản xuất vật dụng trong nhà, giúp tạo ra môi trường sống bền vững. Ngoài y, chư Tăng còn tái sử dụng các nắp và nhãn chai nhựa để làm ghế ngồi và các vật dụng khác - đây là ví dụ sống động cho cộng đồng địa phương về nhu cầu chống lại rác thải nhựa và sự tiêu thụ đồ nhựa quá mức đang diễn ra ở địa phương và đất nước này.
Trần Trọng Hiếu (theo Buddhist Door)