Vừa chào đời, đất nước đã... "nằm trong tay"
Ngay từ khi sinh ra, Lý Công Uẩn đã được dự báo có thiên mệnh hoàng đế với bốn chữ son "sơn hà xã tắc" trong lòng hai bàn tay. Dù chưa lên ngôi nhưng ngay từ nhỏ, Lý Công Uẩn đã có khả năng "đày ải" cả Thần, Phật vì tội mách thầy phạt ông.
Sinh ra và lớn lên tại chùa Dận hay còn gọi là chùa Cổ Pháp hoặc chùa Lục Tổ. Tên gọi chùa Dận được hình thành khi Lý Công Uẩn ra đời, sáng lập ra triều Lý. Ban đầu nhân dân gọi là chùa Rặn (rặn đẻ) sau đọc chệch thành chùa Dận. Ngày nay, nhân dân quanh vùng thành kính gọi tên chùa Cổ Pháp là chùa Ứng Tâm hay chùa Dận.
Lý Công Uẩn sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (8/3/974) tại cửa tam quan của chùa Dận. Sinh ra đã không có cha, chỉ biết rằng mẹ ông là Phạm Thị, sinh ông xong thì chết. Theo truyền thuyết, cha của Lý Công Uẩn là một người nghèo, đi làm thuê ở chùa Tiên Sơn (An Phong, Bắc Ninh) phải lòng một tiểu nữ, làm nàng có thai. Nhà chùa thấy thế đuổi đi, hai vợ chồng dẫn nhau đi đến một khu rừng, mệt mỏi ngồi nghỉ. Người chồng khát nước, liền đến cái giếng giữa rừng uống, sảy chân chết đuối. Người vợ đến nơi thì giếng đã lấp, không còn chỗ để đi liền đến xin tá túc ở chùa Ứng Tâm (chùa Dận) gần đó. Thấy người vợ đến, sư trụ trì chùa liền đón tiếp nhiệt tình bởi trước đó, ông đã được thần báo mộng: "Ngày mai dọn chùa cho sạch để đón hoàng đế đến".
Tuy nhiên lại có thuyết khác nói rằng ông là con của Lý Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp. Theo thuyết này, mẹ ông là một bà góa chồng đến làm thuê ở chùa Cổ Pháp, sau đó đi lại với trụ trì chùa là Lý Khánh Văn rồi mang thai. Khi biết Phạm Thị mang thai, Lý Khánh Văn đuổi bà đi nơi khác. Sau khi sinh con, bà bọc con trong manh áo cũ rồi bỏ ngoài cửa tam quan chùa. Nghe thấy tiếng khóc, Lý Khánh Văn ra nhặt đem vào nuôi và đặt tên là Lý Công Uẩn. Thế nên lúc bấy giờ có câu ca dao châm biếm nhẹ nhàng Lý Khánh Văn: "Con ai đem bỏ chùa này. Nam mô di Phật con thầy, thầy nuôi".
Đây chỉ là những tích xưa ra đời để giải thích sự xuất hiện của vĩ nhân Lý Công Uẩn. Cho đến nay, chưa có ai tìm được đáp án chính xác cho nguồn gốc xuất thân của vị vĩ nhân này. Chỉ biết rằng đây là người "mở màn" cho triều đại nhà Lý và là người có công lớn trong việc chuyển kinh thành từ Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội).
Sinh ra không có cha lại vừa mất mẹ, nên ông nhận được tình yêu thương và dạy dỗ hết lòng của người cha nuôi Lý Khánh Văn. Mới 6 tuổi, Lý Công Uẩn đã tinh thông khá nhiều sách vở, được coi là một chú bé thông minh, khôi ngô tuấn tú và khá rắn rỏi. Thế nhưng, ngoài sự thông minh ấy, Lý Công Uẩn lại là một cậu bé vô cùng tinh nghịch và mải chơi. Có lần, cha nuôi sai cậu đem oản lên cúng Hộ Pháp, thay vì thành tâm vâng lời, chú liền khoét oản ăn trước. Đến đêm, Hộ Pháp báo mộng cho Lý Khánh Văn biết khiến cậu bị cha nuôi mắng. Tức giận, Lý Công Uẩn lên chùa đánh cho Hộ Pháp ba cẳng tay, sau đó viết vào sau lưng pho tượng mấy chữ: "Đày ba ngàn dặm". Đêm hôm ấy, Lý Khánh Văn lại thấy Hộ Pháp đến báo mộng với vẻ mặt buồn rầu và ngỏ lời từ biệt: "Hoàng đế đã đày tôi đi xa, xin có lời chào ông". Sáng hôm sau, Lý Khánh Văn lên chùa xem pho tượng thì thấy sau lưng quả nhiên có mấy chữ "Đồ tam thiên lý" thật. Ông liền sai chú tiểu lấy nước rửa nhưng không sao rửa sạch. Cuối cùng, ông phải bảo Lý Công Uẩn vào rửa thì chú bé chỉ lấy ngón tay xoa xoa là sạch ngay.
Lớn thêm chút nữa, Lý Công Uẩn vẫn không thay đổi tính nết là bao. Thay vì phải chăm chỉ học hành, cậu bé Công Uẩn lại chỉ ham chơi và luôn tìm cách trốn học. Ngày ấy, khi được gửi sang chùa Tiêu Sơn của thiền sư Vạn Hạnh (anh trai Lý Khánh Văn) để học văn học và tài kinh luân của thầy, Lý Công Uẩn luôn tỏ rõ sự thông minh và nghịch ngợm của mình trong mọi hoàn cảnh. Đến cả khi bị trói ở cổng tam quan, cậu vẫn tức cảnh làm thơ: "Thiên vi khâm chầm địa vị thiên/ Nhật nguyệt đồng song đốt ngã miên/ Dạ thâm bất cảm trăng thân túc/ Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên", dịch là: "Trời làm màn gối, đất làm chiên. Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên. Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi/ Chỉ sợ sơn hà, xã tắc nghiêng". Nghe xong câu thơ này, nhà sư Vạn Hạnh biết cậu có khí chất đế vương nên ra sức dạy dỗ và lo toan cho Công Uẩn làm nên sự nghiệp lớn.
Vị vua được lòng "thiên hạ"
Thiền sư Vạn Hạnh thường bảo với mọåi người: "Đứa bé này không phải người thường, lớn lên có thể phò nguy, gỡ rối, làm minh chủ trong thiên hạ". Do vậy, những giai thoại ly kỳ về Lý Công Uẩn ngày càng nhiều. Sinh ra đã khác người, cộng thêm trí tuệ siêu phàm của mình, từ một chức quan nhỏ, ông làm tới chức Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ (dưới triều Tiền Lê đây là một chức quan to trong hàng võ chỉ người trong hoàng tộc mới được làm). Đây cũng là bước ngoặt đưa ông trở thành vị hoàng đế đầu tiên của nhà Lý.
Bé thì tinh nghịch nhưng khi lớn lên, đặc biệt khi làm quan, ông luôn là vị quan tốt, được mọi người yêu mến. Có thể nói Lý Công Uẩn là người sống vô cùng trung nghĩa, điều này được thể hiện qua hành động ôm xác Lê Trung Tông mà khóc; Năm 1005, Lê Đại Hành mất, các con trai tranh giành ngôi báu, Lê Trung Việt giành được ngôi trở thành vua Lê Trung Tông. Thế nhưng chỉ được 3 ngày, vị vua này bị em trai là Lê Long Đĩnh giết hại cướp ngôi. Lúc ấy các quan chạy hết, chỉ có Lý Công Uẩn đến ôm xác Lê Trung Tông mà khóc. Hành động này của ông được Lê Long Đĩnh vô cùng nể phục, khen là trung nghĩa và tiếp tục sử dụng, phong cho ông chức Tướng quân phó chỉ huy sứ, sau là Tả thân vệ Điện tiền chỉ huy sứ. Dưới thời cai trị của Lê Long Đĩnh, lòng dân vô cùng oán hận bởi ông vua tàn bạo và ngang ngược coi dân đen như cỏ rác này. Thế nên sau khi Lê Long Đĩnh chết, Lý Công Uẩn được triều thần khanh sỹ tôn lên làm vua.
Việc trở thành vị vua đầu tiên của nhà Lý không chỉ được báo trước bởi những giai thoại kỳ lạ từ khi sinh ra của Lý Công Uẩn mà còn được điềm báo bởi bài Sấm. Thuở ấy, ở làng Cổ Pháp có cây gạo cổ thụ bị sét đánh tước mất vỏ ngoài, để lộ ra mấy câu Sấm: "Thụ căn yểu yểu/ Mộc biểu thanh thanh/ Hòa đao mộc lạc/ Thập bát tử thành" ẩn ý nhà Lê sẽ mất, nhà Lý sẽ nổi lên. Bài Sấm này được Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn: "Gần đây tôi thấy bài Sấm lạ, biết nhà Lê đương mất mà nhà Lý đương lên. Họ Lý lại không có ai khoan hòa, nhân hậu và trung thứ như ông, nên rất được lòng dân". Điều này cho thấy, sớm muộn gì việc xưng bá thiên hạ của Lý Công Uẩn sẽ thành.
Tượng đài Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) ở vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội).
Sau khi lên làm vua, Lý Công Uẩn vẫn trọng dụng các vị quan cũ của triều Tiền Lê, giữ nguyên những gì tốt đẹp mà triều Tiền Lê đã làm. Bên cạnh đó, ông còn là vị vua được lòng dân khi thực hiện chính sách thân dân và nhiều lần xá tô thuế, tô ruộng cho dân. Có thể nói, ông là vị vua anh minh, biết chăm lo, lo lắng làm sao cho người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Trước khi lâm chung, ông cũng dặn con cháu, quan lại không được xây lăng to đẹp bằng gạch đá mà chỉ được đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của dân: "Khi ta mất, không được xây lăng to đẹp bằng gạch đá mà chỉ cần đắp bằng đất để đỡ tốn tiền bạc của dân. Quân lính và thường dân nếu có thương nhớ vua thì cứ lấy đất đắp lên, càng cao càng quý. Khi mộ cao, cỏ mọc nhiều thì trâu bò sẽ có thức ăn trở nên béo khỏe, có sức cày ruộng cho dân. Đây cũng là nơi vui chơi của trẻ mục đồng, càng gần với vua, các em càng nhớ tới công ơn của các vị tiền nhân, sẽ trở thành người tốt", theo sách sử chép lại. Nghe lời truyền dạy của ông, các đời vua triều Lý sau này đều không xây lăng mà chỉ xây mộ nhỏ, sau đó phủ đất lên trên.
Có thể nói Lý Công Uẩn là một vị vua anh minh, được lòng dân. Ông không chỉ yêu thương dân như con mà còn là người có tầm nhìn xa trông rộng nghĩ tới tương lai của con dân Đại Việt qua việc chuyển kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Điều này được thể hiện khá rõ trong Chiếu dời đô: "Thăng Long là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời".
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự