'Báu vật' 700 tuổi vén bí ẩn đời sống ở Hoàng Thành

Thứ bảy - 06/07/2019 22:16
Tại tọa đàm quốc tế ngày 6/9, các nhà khoa học tiếp tục kiến nghị không nên dừng lại ở những nhận thức khoa học khô cứng khi khảo sát khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Những kết quả khảo cổ gần đây mang lại nhiều nhận thức mới về khu di sản thế giới Hoàng thành. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Những kết quả khảo cổ gần đây mang lại nhiều nhận thức mới về khu di sản thế giới Hoàng thành. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Nhiều câu hỏi mở
Các chuyên gia đầu ngành khoa học lịch sử, khảo cổ học, di sản văn hoá thêm dịp quy tụ tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội để “Chia sẻ kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”. Tham dự có chuyên gia từ Bỉ, Pháp. Vị giáo sư người Nhật Ueno gắn bó với quá trình nghiên cứu Hoàng thành không kịp chuyến bay tới Hà Nội do cơn bão lịch sử. Các chuyên gia có cuộc bàn thảo riêng với ông ngay khi tới Hà Nội.

 
Toạ đàm lần này là dịp nhìn lại quá trình Hà Nội thực hiện khuyến nghị của UNESCO về tiếp tục nghiên cứu, khai quật, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới của Hoàng thành Thăng Long. PGS.TS. Tống Trung Tín, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam lâu nay đảm trách vị trí chủ chốt trong quá trình khai quật, một lần nữa trình bày lại các thành tựu nổi bật khi khai quật hơn 5.400m2 từ 2011-2017: Bước đầu khẳng định trục trung tâm thời Lý - Trần không nằm ở phía 18 Hoàng Diệu như dự đoán, mà nằm ở khu thành cổ số 9 Hoàng Diệu. Những dấu tích về đường nước lớn thời Lý, dải nền hoa chanh cực lớn thời Trần mới phát lộ hay những dấu tích về các móng cột được gia cố bằng nhiều chất liệu khác nhau… phần nào phác nên bóng dáng những kiến trúc quan trọng ở khu cấm thành.
 
Mỗi khoảnh đất kinh thành được khai quật lên, giới khoa học lại có thêm nhận thức mới, có dịp khẳng định thêm sự tồn tại nhiều tầng văn hoá nối tiếp nhau qua hàng nghìn năm. Tuy nhiên, GS.TS. Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam nhắc lại: còn quá nhiều câu hỏi cần giải đáp để làm rõ hơn giá trị của khu di sản thế giới. Theo GS Tiêu, cần tiếp tục thám sát và khảo cứu để làm rõ trục chính ở thời Lý, tìm thêm dấu tích kiến trúc thời Lê sơ-Lê Trung Hưng. Đối với dấu tích đường nước lớn, phải làm rõ đây là đường thoát nước sinh hoạt, nước mưa trong kinh thành hay liên quan tới tín ngưỡng tôn giáo hay phong thuỷ. 

TS. Nguyễn Văn Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đề xuất nên tiếp tục tập trung làm rõ quy mô của Điện Kính Thiên thời Lê sơ-Lê Trung Hưng.Việc này sẽ rất hữu ích cho quá trình hoàn trả không gian điện mà UBND TP Hà Nội phê duyệt trước đó. TS. Phạm Lê Huy, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng nên làm rõ có một hay nhiều hơn trục trung tâm, đối sánh với các nước trong khu vực.
 
TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội tiếp cận việc giải mã Hoàng thành dưới góc độ kiến trúc, quy hoạch. “Tôi có chút áy náy rằng giá như kết quả của công tác khảo cổ có thể dùng để nhận diện hiện thực các giai đoạn hơn nữa”. Ông phân tích, những nhận thức, nhận diện khảo cổ do PGS.TS. Tống Trung Tín trình bày không nên chỉ dừng lại ở mô tả khai quật, nên gắn với kiến trúc, văn hoá hơn. Chẳng hạn đối với các dấu tích 2-3 hàng cột, TS. Đào Ngọc Nghiêm đề xuất nên xem xét cả yếu tố khí hậu. Ông cho rằng hình như trong các nghiên cứu chưa thực sự có tiếng nói của những người làm kiến trúc, phải đa ngành hơn. Đề xuất nghiên cứu đa ngành cũng là chủ ý của GS.TSKH. Phan Huy Lê khi còn sống-trước khi bắt đầu hội thảo, các chuyên gia kính cẩn dành một phút tưởng nhớ ông.

Nguy cơ xuống cấp
Một trong những vấn đề các nhà khoa học quan tâm là phương pháp bảo tồn và phát huy giá trị Hoàng thành - những năm gần đây dần trở thành điểm đến hút khách, địa điểm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa tầm cỡ. Những người làm công tác bảo tồn thừa nhận mới đáp ứng phần nhỏ nhu cầu tìm hiểu, khám phá giá trị di sản. Hà Nội chưa tìm được giải pháp tối ưu để bảo tồn di vật, di tích hiện hữu trên mặt đất cũng như đang nằm sâu dưới lòng đất. 

 
Với khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội quyết định bảo tồn tại chỗ các hố khai quật với mái che bằng tấm lợp nhựa, máng thoát nước, phủ bạt, phun nước tạo độ ẩm cho di tích, giữ nguyên trạng để trưng bày phục vụ khách thăm quan. Phương pháp bảo quản mở đối với hố khai quật là một lựa chọn, tuy nhiên không phải không có tác động trở lại đối với di tích như nguy cơ sa mạc hóa, muối hóa di tích. Trung tâm Bảo tồn di sản cũng nêu khó khăn và được các chuyên gia lịch sử, khảo cổ và địa chất đồng tình-giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, xảy ra hiện tượng ở đâu thì khắc phục ở đó chứ chưa mang tính bền vững. 
 
Bà Anne Lange, Trưởng đại diện phái đoàn Wallonie Bruxelles cho rằng việc bảo tồn Hoàng thành không thể bỏ qua những yếu tố quan trọng như môi trường. Bà đề xuất lắp đặt máy đo về thổ nhưỡng, khí hậu: “Khảo sát giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự vận hành hiện nay của di tích, xác định yếu tố gây hại để đưa ra biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn”.

Hoàng thành chứa đựng nhiều tầng lớp văn hóa, kiến trúc trong lòng đất. Những di vật phát lộ trong lòng đất chính là những mảnh ghép để hoàn thiện tiến trình lịch sử, văn hoá. Bên cạnh nhiệm vụ khảo sát để tiến tới làm sống lại một số công trình kiến trúc trên mặt đất, các nhà làm bảo tồn luôn đau đáu để giữ gìn hàng nghìn di vật lấy lên từ lòng đất. TS. Nguyễn Đức Thành (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) nêu giải pháp sử dụng vật liệu thân thiện môi trường để xử lý, bảo quản gỗ khảo cổ tại Hoàng thành, kể cả với di vật gỗ ngập nước. Ngay cả di vật bằng gạch, gốm theo các chuyên gia cũng cần giải pháp bảo tồn hợp lí để tránh tác động vật lí, hóa học không mong muốn.

Nguồn tin: tienphongonline

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây