Giải mã lời sấm và hành trình tìm thấy mộ cổ được cho là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm?

Thứ hai - 01/07/2019 12:17
Tò mò với câu chuyện “cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm” dẫn dắt thông qua một tiến sĩ có khả năng tâm linh đặc biệt, tôi đã sắp xếp lên đường về Hải Phòng.
Ngôi mộ được một nhà tâm linh coi là mộ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiện ở xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Ngôi mộ được một nhà tâm linh coi là mộ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiện ở xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Kỳ 1: Nhà tiên tri muốn “gặp” nhà báo

Kỳ 2: Ngụy tạo chứng cứ biến quách gỗ chôn trẻ con thành cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm?

Kỳ 3: Tận mắt ngôi mộ ứng với sấm truyền?

Câu chuyện mang hơi hướng tâm linh liên quan đến cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày một hấp dẫn hơn, khi nhà tâm linh, là một tiến sĩ giảng dạy ở một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, gọi điện cho tôi, nói cần thiết phải về Hải Phòng, để thắp hương ở ngôi mộ, mà theo lời chị, chính là mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chị tin rằng, “vong hồn” cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chỉ dẫn cho chị như vậy.

Tò mò với câu chuyện “cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm” dẫn dắt thông qua một tiến sĩ có khả năng tâm linh đặc biệt, tôi đã sắp xếp lên đường về Hải Phòng.

Hôm đó, mùa xuân, nhưng thời tiết Hà Nội cực kỳ dị biệt. 7 giờ sáng, trời đất Hà Nội bỗng tối sầm, như ban đêm, sấm chớp đùng đùng, rồi mưa như trút nước. Khắp Hà Nội kẹt xe, phố phường ngập lụt, khiến mất rất nhiều thời gian chúng tôi mới thoát ra khỏi Hà Nội được. Suốt thời gian chạy trên cao tốc Hải Phòng, trời đều mưa như trút nước, không đi nhanh được.

Điều khá đặc biệt, là khi đến ngôi mộ ở xã Thiểm Khê (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng), thì đột nhiên hết mưa, trời bừng sáng, khí hậu trong lành, sạch sẽ. Tôi thì cho đó là chuyện ngẫu nhiên, bình thường, nhưng nhà tâm linh thì coi đó là chuyện đặc biệt.

Điều thú vị hơn, là trên xe, có một nhà nghiên cứu, là một viện trưởng, ông rất có tiếng trong lĩnh vực nho y lý số, đặc biệt là kiến trúc phong thủy. Nhiều năm qua, ông say mê nghiên cứu và giải mã các vấn đề tiềm ẩn trong khoa học lý số và tâm linh. Ông cũng bỏ nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu về những sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ các kiến thức phong thủy, kết hợp với giải mã tâm linh, ông tin rằng, mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm được táng ở vùng đất Liên Khê.

Viện trưởng N.X.Cao (ông muốn giấu tên) coi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà hiền triết, với tài tiên tri tuyệt đỉnh về các tiến triển lịch sử của Việt Nam và của thế giới.

Ông tìm kiếm từ các tàng thư của Thư viện Quốc gia và thấy những văn bản về sấm Trạng. Việc lưu tồn văn bản có ý thức ấy thời phong kiến, đã chứng tỏ giá trị đích thực của các pho sấm ký này.

Nổi bật và đã được ứng nghiệm chính xác là các lời sấm (tiên tri) cho nhà Mạc, nhà Nguyễn, Chúa Trịnh, Chiến tranh Thế giới II và Cách mạng Tháng Tám, Giải phóng Thủ đô, Biển Đông... và "sự trở lại" của Trạng Trình. Trong các tài liệu cổ, các sử gia Trung Quốc (trong đó có Chu Sán - Nhà Thanh) phải bái phục gọi ông là: “An Nam Lý học hữu Trình Tuyền”.

Hơn 430 năm qua từ ngày cụ Trạng mất, "sự trở lại" của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như thế nào và phần mộ của cụ ở đâu vẫn là 2 câu hỏi lớn chưa có trả lời chính thức, vẫn là mối quan tâm đau đáu của không chỉ các thế hệ hậu duệ của cụ, mà còn là của Nhà nước. Chính vì thế, các nhà khoa học, các nhà lý học phương Đông không thể đứng ngoài cuộc trong việc giải mã nơi an nghỉ của cụ.

Về chuyện trở lại của nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì có hai lời sấm của cụ mà viện trưởng N.X. Cao rất chú ý, đó là: "Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/ Sông Hàn nối lại thì tôi lại về", và "Ba Giá trông sang/ Ba Đồng ngoảnh lại/ Mộ tại Ao Dương".

"Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/ Sông Hàn nối lại thì tôi lại về"
Theo nghiên cứu của viện trưởng N.X. Cao, lời sấm "Bao giờ Tiên Lãng xẻ đôi/ Sông Hàn nối lại thì tôi lại về" đã được ứng nghiệm vào năm Tân Mùi - 1991, đúng 500 năm sau ngày sinh của cụ (1491) hoặc 406 năm kể từ ngày mất của Cụ (1585).

Đó là, năm 1991 huyện Tiên Lãng hoàn thành công trình đào kênh thủy lợi chia huyện thành 2 phần (ứng với Tiên Lãng xẻ đôi). Cũng năm 1991, Nhà nước đã xây dựng cây cầu nối sông Hàn từ quê nội Vĩnh Bảo sang quê ngoại Tiên Lãng của cụ Trạng (ứng với Sông Hàn nối lại). Ngày 15/01/2015 thành phố Hải Phòng đã kết hợp với Bộ Văn hóa long trọng tổ chức kỷ niệm 430 năm ngày mất, hoặc 525 năm ngày sinh của của Trạng (ứng vào Tôi lại về).

"Ba Giá trông sang/ Ba Đồng ngoảnh lại/ Mộ tại Ao Dương".
Lời sấm thứ nhất, với từ cuối “tôi lại về” khá mơ hồ. Không rõ nghĩa, “cụ về” có phải là việc tìm thấy mộ cụ, hay chỉ là buổi lễ kỷ niệm ngày mất, ngày sinh của cụ được tổ chức long trọng. Tuy nhiên, bài đồng dao lưu truyền trong dòng họ, và dân gian vùng Vĩnh Bảo quê cụ, thì mô tả rất rõ ràng về nơi chôn cất cụ.

Ông Lương Cao Rính (Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng) người chuyên sưu tầm, khảo cứu các tư liệu địa phương, cho biết, dân gian có lưu truyền chuyện kể về những phút cuối đời của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong đó, có một truyền thuyết kể rằng, vào thời khắc lâm chung cụ Trạng gọi người con cả vào và viết lên lòng bàn tay 4 chữ “Táng tại Ao Dương”.

Giai ma loi sam va hanh trinh tim thay mo co duoc cho la cua Trang Trinh Nguyen Binh Khiem? hinh anh 2
Vị trí được coi là "Ao Dương".

Khi cụ mất, gia đình và học trò theo di huấn mang thi thể cụ xuống thuyền đưa đi chôn cất tại địa điểm mà cụ căn dặn. Ngày hôm sau, tại Trung Am đã diễn ra lễ viếng cụ linh đình và quan tài giả được khiêng đi chôn cất công khai. Mộ phần này chỉ là mộ phần giả, lâu ngày thiên nhiên đã xóa sạch dấu tích. Đồng thời, trong dân gian cũng lưu truyền "cách nhận biết địa danh - nơi đặt mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm" bằng 3 câu thơ mang tính vừa cụ thể vừa ẩn dụ nêu trên.

Khi nữ tiến sĩ, giảng viên đại học, có khả năng tâm linh, “theo chỉ dẫn của cụ”, đã tìm về khu vực thôn Thiểm Khê (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng) và xác nhận có một ngôi mộ trên mỏm đồi, được cải táng lại, chính là mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì chị đã tìm đến viện trưởng N.X. Cao , người đã có nhiều năm nghiên cứu về cụ Trạng, để nhờ xem xét. Viện trưởng N.X. Cao lập tức về Thủy Nguyên nghiên cứu, và ngỡ ngàng khi nhận ra ngôi mộ cũng như vị trí chôn cất phù hợp với bài đồng dao nói về nơi táng cụ.

Viện trưởng N.X. Cao cho biết: “Qua nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi nhận thấy có một quần thể núi bao bọc tạo thành một thung lũng nhỏ tại thôn Thiểm Khê có đủ 3 yếu tố để nhận dạng một cách thâm thúy, nhưng chính xác về vị trí đặt mộ như "sấm" truyền: "Ba Giá trông sang/ Ba Đồng ngoảnh lại/ Mộ tại Ao Dương". Ao Dương là một thế đất đẹp, nếu không muốn nói là đẹp nhất trong vùng, trong nước thời bấy giờ về phong thủy, vì nó hội đủ “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ”, lại có dòng sông Đá Bạc bao phía trước”.

Giai ma loi sam va hanh trinh tim thay mo co duoc cho la cua Trang Trinh Nguyen Binh Khiem? hinh anh 3
Quả núi nơi có ngôi mộ cổ đã bị san phẳng, thậm chí đào sâu xuống lòng đất.

Có một điều thú vị, là nơi chôn cất cụ không hề có ao, nhưng nhà nghiên cứu N.X. Cao với kiến thức phong thủy, vẫn nhìn ra ao. Theo ông, cụ Trạng gọi địa danh này là Ao Dương, có lẽ ngoài lý do bảo mật ra, địa danh này thỏa mãn các tiêu chí là Ao và là Ao Dương theo ngôn ngữ của phong thủy học.         

“Là ao (Brown), vì thung lũng này có nước vào mùa mưa, nhưng mực nước thường không sâu, đúng với định nghĩa trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia chú thích từ Brown, A.L (1987): "Ao là nơi mà ánh sáng mặt trời có thể soi qua tầng nước xuống tận đáy và hồ là nơi mà ánh sáng không soi tới đáy được". Là Ao Dương (Plus Brown), vì ở đây thành ao không phải là thành đất xung quanh mà khi đào ao ở dưới mặt đất tạo thành, mà là phần nổi trên mặt đất của quần thể các ngọn núi. Đáy ao (mặt thung lũng) cao hơn mặt đất xung quanh, tức có bình độ trên cốt 0, mà trên cốt 0 thì đó phải là dương. Ao Dương chính là bí số lớn nhất trong việc tìm mộ cụ Trạng” – nhà nghiên cứu N.X. Cao lý giải.

Khi đã tìm ra bí quyết về Ao Dương và vị trí của nó rồi thì toàn bộ nội dung trong 3 câu sấm sẽ được hiểu một cách dễ dàng và viện trưởng N.X. Cao cũng dễ dàng giải mã được bài đồng dao.

Khi chúng tôi đang đi trên Quốc lộ 10, đến cầu bắc qua sông Giá, thuộc địa phận thôn Mỹ Liệt, xã Minh Tân, viện trưởng N.X. Cao bảo dừng lại, rồi ông chỉ về phía xa xa bên phải, để giải mã cho câu nói “Ba Giá trông sang”. Đó chính là “ngã 3 sông Giá”, nơi gặp nhau của 2 nhánh sông Giá với hồ Đà Nẵng, vốn là hạ lưu sông Giá. Từ ngã ba sông Giá trông sang theo hướng Tây Bắc  sẽ gặp vùng núi đồi hùng vĩ, trong đó có Đấu Đong, tức Ao Dương (ứng với trông sang).

Giai ma loi sam va hanh trinh tim thay mo co duoc cho la cua Trang Trinh Nguyen Binh Khiem? hinh anh 4
Đến cầu qua sông Giá, nhìn về tay phải là "ngã ba sông Giá".
Giai ma loi sam va hanh trinh tim thay mo co duoc cho la cua Trang Trinh Nguyen Binh Khiem? hinh anh 5
Nhìn về bên trái là những dải núi thuộc làng Thiểm Khê, ứng với câu "Ba Giá trông sang".

Tiếp tục đi theo Đường 10 tới địa phận xã Gia Minh, rẽ phải chừng 100m là hang Lương (nơi nhà Trần đã bố trí làm kho lương trong thời kỳ chống quân Nguyên).

Cách hang Lương chừng 2km về hướng Đông Bắc là hang Tuần (nơi nhà Trần sử dụng như một đồn trú tuần canh trên sông Đá Bạc).

Đi tiếp trên Đường 10, qua cầu Đá Bạc, vòng lại dưới cầu để rẽ trái chừng 2km là hang Son (nơi đóng quân của nhà Trần thời kỳ chống Nguyên Mông). Hang Son nằm trên địa phận thôn Cẩm Phong, xã Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cách Thiểm Khê không xa.

Theo lý giải của viện trưởng N.X. Cao, ba hang Lương, Tuần, Son tạo thành một tam giác cân có đỉnh là hang Tuần. Từ 3 hang này, muốn nhìn về Ao Dương thì phải ngoảnh lại hướng Tây Nam (ứng với ngoảnh lại).

Cả 3 địa danh này, nếu gọi là Ba Động hay Ba Hang hoặc Ba Đồng đều hợp lý (Ba Đồng ngoảnh lại/ Ba Hang ngoảnh lại/ Ba Động ngoảnh lại), vì cả 3 ngọn núi này, mỗi ngọn đều có một hang động và đều nằm trên khu đất bằng như cánh đồng.

Đứng tại nơi có ngôi mộ cổ mới được cải táng chục năm trước, vị trí được coi là “ao Dương” (Đấu Đong) nằm ở Tây Bắc của Ba Giá và Tây Nam của Ba Đồng (Ba Động/Ba Hang), GS. Nguyên phân tích: Khi di chuyển từ Vĩnh Bảo đến Thủy Nguyên theo Đường 10 thì rõ ràng từ Ba Giá (Ngã Ba sông Giá) phải trông sang phía Tây Bắc và từ Ba Động phải ngoảnh lại phía Tây Nam mới gặp được ao Dương.

Địa danh “ao Dương” nhiều năm qua đã trở thành công trường khai thác đá, đất silic cho các nhà máy xi măng, nên mặt bằng đã bị biến dạng lớn. Ngọn núi có tên Phượng Hoàng đã bị phá trụi, làm lộ một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ này đã bị đào lên và táng lại trên gò đất cao trong thung lũng, lệch so với hướng ban đầu.

Theo chỉ dẫn tâm linh, kết hợp với phân tích phong thủy, giải mã câu đồng dao cùng lời tiên tri, viện trưởng N.X. Cao tin rằng, ngôi mộ cổ ở Thiểm Khê có thể là mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nếu không phải là ngôi mộ đó, thì mộ của cụ cũng phải nằm trong khu vực “ao Dương” này.

Còn tiếp…

Nguồn tin: VTC News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây