Kỳ 1: Người đàn bà và duyên lạ với động Tiên, núi Cóc
Cách Hà Nội 40km, xã Liên Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình), có một quả núi, hệ thống hang động chứa đựng rất nhiều chuyện lạ lùng, kỳ bí, mà ít ai biết đến, đó là núi Cóc, động Tiên.
Đến xã Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Nội), hỏi về núi Cóc, ai cũng biết. Mọi người chỉ rằng, cứ thấy giữa thung lũng, mọc lên quả núi lớn, hình con cóc ngồi chồm hỗm, ấy là núi Cóc. Cai quản quả núi có tên lạ lùng ấy, là “nữ động chủ” Trần Thị Minh.
Con đường uốn lượn, vòng vèo dưới những tán cây, chạy quanh chân núi, rồi theo bậc đá dẫn lên lưng chừng núi, thì gặp đền Mẫu. Tôi ngồi chờ ở cửa đền một lát, thì người phụ nữ dáng thấp đậm, mặc áo nâu sồng, đội nón mê đi từ rừng ra.
“Nữ động chủ” Trần Thị Minh dễ gần, hay chuyện. Dẫn tôi trèo lên đỉnh núi, theo con đường bậc đá mà chị cùng một số người dân mở bằng bàn tay da thịt, chị chỉ tay ra bốn hướng, mô tả cảnh đẹp chốn thần tiên.
Quả thực, đứng từ xa trông lại, quả núi hùng vĩ này giống hệt một con cóc, đang ngồi chồm hỗm suy tư sự đời. Cái tên núi cóc cũng là do “nữ động chủ” đặt, cứ gọi thế, rồi mà thành.
Nhưng, có đến bao nhiêu chuyện lạ xung quanh cái tên ấy. Mà cái sự lạ nhất, là chị thường gặp “Ngài Cóc” khổng lồ trong những giấc chiêm bao, khi ngả mình trên núi Cóc. Lạ lùng hơn nữa, là mỗi khi tụng kinh, hoặc kêu “Ngài”, thì bên trong động Tiên, tiếng cóc lại vang lên, mà bản thân chị cũng chưa từng nhìn thấy bóng dáng con cóc nào trong cái động sâu hoắm, đen thui ấy cả. Chuyện ấy sẽ nói ở phần sau.
Chuyện rằng, vào cuối năm 1989, anh Trịnh Viết Bảy, người xã Quảng Bị (Chương Mỹ, Hà Nội), vào rừng kiếm sống, đã lạc vào núi Cóc. Núi Cóc thuộc tỉnh Hòa Bình, nhưng giáp xã Quảng Bị.
Vào núi Cóc, gặp hang động, anh đã chui vào. Những hình thù nhũ đá đã cuốn hút tâm trí người đàn ông này như thể bị thôi miên. Anh cứ thế khám phá, lần mò vào các ngóc ngách. Thế rồi, anh bị lạc, đèn hết pin.
Theo lời anh kể, sau 2 ngày một đêm lạc trong động, đói khát, tuyệt vọng, anh ngồi chờ chết. Đúng lúc ấy, anh bỗng nghe thấy tiếng cóc kêu. Anh bật dậy đi theo hướng phát ra tiếng cóc, thì bất ngờ thấy tia sáng chiếu xuyên qua kẽ rễ cây. Anh đã phát hiện ra cửa động, chính là cửa động Tiên, ở chân núi Cóc ngày nay.
Sự kiện anh Trịnh Viết Bảy bị lạc, phát hiện ra hang động tuyệt đẹp gây chấn động thời bấy giờ. Nhiều người dân ở xã Quảng Bị đã vạch rừng tìm vào núi Cóc để chiêm ngưỡng những hình thù nhũ đá kỳ ảo. Trong số những người tò mò, có thiếu nữ Trần Thị Minh.
Hồi đó, năm 1990, chị Trần Thị Minh cùng mấy cô bạn đạp xe đến xã Liên Sơn, rồi mò vào trong núi. Mỗi cô gái một chiếc lốp xe, đốt cháy đùng đùng.
Vừa vào cửa động Tiên, Minh đã nghe thấy tiếng cóc kêu lạ lùng. Cứ theo tiếng cóc, nhưng tuyệt nhiên không thấy cậu ông trời đâu cả, chỉ thấy những hốc đá, những hang nhỏ, những vũng nước im ắng. Minh bị mê hồn bởi cảnh đẹp.
Điều kỳ lạ nữa, cũng vì tiếng cóc ấy, mà Minh như được giác ngộ. Minh tin rằng, tiếng cóc là tiếng của “Ngài”, dẫn đường chỉ lối cho cô. Bao nhiêu năm, người phụ nữ hiền lành, đôn hậu này cứ mải miết đi xây chùa. Chị đã xây, và đóng góp tiền bạc, sức lực xây dựng cả chục ngôi chùa trong vùng. Chị lấy chồng, sinh con, xây mấy cây xăng, lập công ty, có bao nhiêu tiền, đều đổ vào xây chùa chiền, đền miếu, làm nơi sinh hoạt tâm linh cho nhân dân trong vùng.
Như có duyên nợ, suốt từ ngày đó, chị cứ đi ra, đi vào núi Cóc, động Tiên. Đến nỗi, người dân đã gọi cái quả núi, hệ thống hang động này là núi Cóc Minh Châu, động Tiên Minh Châu, tức gắn với tên chị.
Có một con trăn to lắm, tôi gọi là Ông Trăn. Ông Trăn thân to bằng cây cau, dài dễ đến 10 mét, nặng cả tạ. Tôi gặp ông nhiều lần, nhưng ông hiền lành lắm, không ăn thịt tôi đâu. Ngày xưa khỉ cũng nhiều, nhưng giờ chỉ còn một đàn 7 con. Thi thoảng khỉ vẫn về cửa động nô đùa với tôi. Chiều xuống, chúng thường về đền Mẫu. Giờ đông người ra vào, nên chúng ở trên núi, ít xuất hiện hơn”.
Nhũ đá hình chân cóc
Nhũ đá đẹp kỳ ảo trong động Tiên
Có thể lời kể phóng đại thêm về sự to lớn, nhưng chuyện con trăn khổng lồ, sống mấy chục năm trên núi Cóc là có thật, người dân trong vùng đều khẳng định, nhiều người nhìn thấy. Riêng chuyện đàn khỉ hoang dã vẫn tồn tại ở quả núi ngay thủ đô này, cũng là đáng quý lắm rồi. Hành trình leo lên đỉnh núi Cóc, dù không được tận mắt đàn khỉ, nhưng tiếng hót đặc trưng gọi bầy của chúng, chốc chốc lại vang lên, thì không thể lẫn vào đâu được.
Mặc dù nhiều năm khám phá quả núi, hang động, thường xuyên đi về, nhưng mãi đến năm 1999, chị Minh mới quyết định giao hết lại công việc kinh doanh, bỏ lại nhà cửa, gia sản, tìm vào núi Cóc, động Tiên ở ẩn, trở thành “nữ động chủ” kỳ lạ ở vùng đất này.
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự