Nhiều trường hợp, những ngôi mộ tổ này được táng vào thế đất phong thuỷ đẹp chỉ là sự ngẫu nhiên, nằm ngoài dự tính và mặc nhiên gọi là do “thiên táng”.
Ngôi mộ “hổ táng” tựa như ý trời!?
Trong quá trình tìm hiểu về văn hoá của nhiều dòng họ khoa bảng nức danh lịch sử khoa bảng Việt Nam thời phong kiến như họ Nguyễn (ở làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, Hà Nội), họ Phan Huy (ở Thạch Hà, Hà Tĩnh và Quốc Oai, Hà Nội), họ Nguyễn (Thanh Oai, Hà Nội)… tôi phát hiện, đều có chung một mô típ câu chuyện là mộ tổ được táng vào thế đất phong thuỷ tốt, do “thiên táng” nên con cháu đời sau phát đường công danh, khoa cử. Cho đến thời điểm này, những ngôi mộ trên được con cháu trong dòng họ bảo vệ cẩn thận, vừa thể hiện tấm lòng biết ơn đối với tổ tiên, cũng xem đó như “bảo vật”, điểm tựa tinh thần để nhiều đời con cháu phấn đấu vươn lên trên con đường khoa cử và công danh.
Câu chuyện mộ tổ của dòng họ Nguyễn, ở làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, Hà Nội, (dòng họ nổi tiếng khoa bảng, sinh thành ra hai vị Hoàng Giáp là Nguyễn Thượng Phiên và Nguyễn Thượng Hùng, nổi danh khoa cử Việt Nam thời Nguyễn) cho thấy có ghi lại về ngôi mộ tổ được chôn cất ngẫu nhiên vào thế đất tốt đã phù hộ cho con cháu trong dòng họ. Và, theo dòng họ Nguyễn, nó là căn nguyên dẫn đến nhiều người đỗ đạt cao, thành danh.
Trong phả truyện của dòng họ này viết rằng, ông tổ đời thứ nhất của dòng họ vốn là một nông dân, bản tính siêng năng, phúc hậu. Nhà cụ gần núi Đọi Đình (nay thuộc Mỹ Đức, Hà Nội). Thế núi tương đối khác lạ, chia thành 5 bậc, cây cối xanh tốt quanh năm. Tuổi tuy già nhưng cụ vẫn cần mẫn, lên núi vỡ (khai) hoang, trồng cây. Một hôm, ông tổ đi không về, con cháu lấy làm lạ bèn đi tìm. Đến nơi, người nhà thấy cụ bị hổ sát thương, nằm tại bậc thứ 3 của ngọn núi. Con cháu xót thương, chia nhau đi tìm hổ trả thù nhưng không thấy, khi quay trở lại thấy mối đùn lên, phủ khắp thi thể. Nghĩ đây là điều lạ nên đắp đất thành nấm mồ ngay tại đó. Sau này, thầy phong thuỷ đến xem và cho rằng đây là ngôi mả “hổ táng”, nằm ở thế đất đẹp, nhờ đó mà con cháu đời sau hưởng lộc công danh, khoa cử.
Cũng kể từ khi mộ ông tổ đời thứ nhất của dòng họ này được “hổ táng”, con cháu đời sau làm ăn khấm khá, ngày một thịnh vượng. Đặc biệt, trên con đường khoa cử công danh hai cha con Nguyễn Thượng Phiên (đỗ Hoàng Giáp, làm đến chức Thượng Thư thời Nguyễn), Nguyễn Thượng Hiền (đỗ Hoàng Giáp, là một chí sĩ yêu nước, nổi danh những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Việc một dòng họ xuất thân vốn là nông dân, sau này con cháu được vinh hiển nên con cháu đời sau càng cho rằng, “từ khi cụ tổ vào ở núi Đọi Đình và được âm phần tại đó. Tiếp đó, con cháu đời sau được thịnh vượng, nhờ công dày đức lớn của cụ”. Cũng theo phả truyện của dòng họ này, “nhờ cụ tổ đời thứ nhất, đắc địa ở núi Đọi Đình nên mới khơi nguồn phúc đức. Chi nhánh thịnh vượng, nối nghiệp đèn sách tốt đẹp”.
“Mả rồng ấp” và sự đổi thay của dòng họ xuất thân mang nghiệp “xuớng ca”
Trong các dòng họ khoa bảng ở Hà Tĩnh, dòng họ Phan Huy có một vị trí lớn. Nói không ngoa, đây là dòng họ khoa bảng, quan lại, quý tộc hiếm có. Trong họ, nhiều người đậu tiến sĩ, cử nhân và trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhà ngoại giao nổi tiếng của đất nước như Phan Huy Ích, Phan Huy Chú, sau này có nhà sử học Phan Huy Lê . Trong họ này có người giữ đến chức Bình Chương (Thủ tướng), thượng thư (Bộ trưởng). Đặc biệt, có một điều độc đáo, con cháu của dòng họ này luôn được triều Tây Sơn, Triều Nguyễn tin tưởng giao trọng trách bang giao và công việc liên quan đế lễ nghi của cung đình. Sự hiển vinh của dòng họ này trải từ thời Vua Lê – Chúa Trịnh cho đến nay. Nhưng ít ai biết rằng, dòng họ khoa bảng này vốn xuất thân ca hát.
Theo như nhiều nhà nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, thời phong kiến những người theo nghề ca hát bị xã hội xem là “xướng ca vô loài”. Việc những người con xuất thân từ dòng họ này có muốn đi thi cũng khó vì không thể qua được vòng khảo hạch. Việc những người con trong dòng họ này không chỉ được đi thi mà còn đỗ đạt và thành danh trong thời gian dài một điều lạ. Cũng chính vì những sự khó lý giải đó, nên như nhiều dòng họ khác, trong phả truyện của dòng họ này có đề cập đến một ngôi mộ phát tích do được thiên táng nên đã âm phù cho con cháu sau này được hưởng lộc.
Phả truyện dòng họ Phan chép rằng, ngôi mộ này được gọi là Mả rồng ấp, một ngôi mộ thiên táng. Chuyện kể rằng, tục cũ, lệ ngạch của thôn Hữu Phương (Thạch Hà, Hà Tĩnh) rất nặng. Tiền nhân ta quá cố, con cháu nhà nghèo không sao nộp đủ được lệ làng, người trong thôn bẻ gai rắc xung quanh nhà, không cho làm lễ mai táng. Những người quen thuộc ở thôn Gia Mỹ Đoài thấy thế lấy làm ái ngại, nữa đêm hò nhau đến khiêng quan tài tiền nhân ta đi chôn giấu. Đến chỗ đó dây thừng bị đứt, giời lại nổi cơn mưa to, gió lớn, nên phải bỏ quan tài tại đấy mà về.
Sáng hôm sau, con cháu ra xem thì thấy kiến trắng đã bồi đầy, lấp kín quan tài nên không dám đụng đến. Cùng hôm đó, vào khoảng giờ Thân, tại nơi đây có mưa, sấm ầm ầm, mọi người ngờ là bị sét đánh, nhưng khi tạnh mưa, ra xem thì thấy mộ không hề gì, duy nhất cỏ rậm bốn bề đều tan nát, nước xung quanh có hơi bốc thành mây như rồng phun. Dân xứ này đặt tên là mã rồng ấp. Về sau có thầy địa lý Tàu đến xem và bảo rằng, “Tri thù kết võng, huyệt tại trung gian” có nghĩa “ thế đất như con nhện chăng lưới, huyệt ở vào chính giữa”.
Li kỳ chuyện mộ “thiên táng” bị tàu yểm
Trong quá trình tác nghiệp tìm hiểu về văn hoá của những dòng họ, ngoài câu chuyện về những ngôi mộ thiên táng chúng tôi bắt gặp nhiều câu chuyện lạ về việc yểm mộ “thiên táng” để phá long mạnh. Câu chuyện mộ thiên táng của thân sinh người anh hùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn - Lưu Nhân Chú bị tàu yểm một trong câu chuyện gây hiếu kỳ.
Theo chuyện kể của con cháu của dòng họ Lưu, ở xã Thuận Văn Yên và Ký Phú (Đại Từ, Thái Nguyên ngày nay). Vùng đất này nằm dưới chân Tam Đảo từng một thời được mệnh danh là vùng đất thiêng, căn cốt long mạch của dãy Tam Đảo. Được biết, thân sinh của tướng Lưu Nhân Chú vốn ham săn bắn. Trong một lần vào rừng săn bắn, người nhà không thấy ông về, liền đi tìm, vào tận nơi thấy cụ chết nằm cạnh hai tảng đá lớn ở khu Miếu và mối đùn lên trùm khắp cơ thể. Người nhà cho rằng, cụ được “thiên táng” . Thời gian không lâu sau, dòng họ Lưu xuất hiện người anh hùng Lưu Nhân Chú, một danh tướng của Lê Lợi, góp công đầu vào thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, giải phóng đất nước.
Trước uy danh của ngài, người Tàu sợ rằng con cháu đời sau của Lưu Nhân Chú phát triển khiến nước Nam cường thịnh. Do đó, liền cho người sang khu Miếu tìm ngôi mộ kết ấy để phá long mạch. Thầy địa lý Tàu rất hiểm độc, chúng âm thầy điều tra ngôi mộ kết này, sau đó cho đào rãnh sâu giữa hai tảng đá và đổ than xuống để yểm nhằm phá long mạch. Về sau, hậu duệ dòng họ Lưu nhiều lần tìm cách phá yểm, hàn long mạch nhưng đào sâu bao nhiêu cũng không hết lớp than trấn yểm. Hiện tại, khu vực Miếu vẫn còn hai tảng đá hình ngai vàng và những rãnh sâu của lớp than trấn yểm năm xưa.
Bí ẩn cái chết của Lưu Nhân Chú !?
Nhân Chú vốn là một tướng văn võ toàn tài, sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, lĩnh công xét thưởng, ông được đứng vào hàng thứ 5. Con đường quan lộ khá hanh thông, ông từng giữ chức nhập nội kiểm hiệu, Bình chương quân quốc trọng sự. Nhưng cuộc đời của người này lại có một kết cục bi thảm. Ông bị Lê Sát sai người dùng thuốc độc để sát hại. Nhiều người cho rằng, cuộc đời của Lưu Nhân Chú có kết cục đau lòng như vậy, có phần vì mộ phần của cha bị yểm. Tuy nhiên, đến giờ, trong giới sử học cho rằng, việc Lê Sát sai người đầu độc Lưu Nhân Chú chết căn nguyên từ việc tranh chấp quyền lực trong cung đình của nhà Lê Sơ.
Có mối liên hệ nhưng không phải yếu tố quyết định
Xung quanh chuyện, sự tác động của mồ mả tổ tiên đối với đời sống con cháu sau này, theo nhà nghiên cứu phong thuỷ Vũ Mộng Giao thừa nhận là có thật. Tuy nhiên, trong đời sống người dân, thường hay thổi phồng và gán ghép mọi chuyện dẫn tới gây hoang mang hoặc cuồng tín trong dư luận. Nhiều dòng họ hiển vinh khoa cử học hành, ngoài việc mồ mả tổ tiên được chôn chất vào những địa thế đẹp (nơi đó âm dương hoà hợp) thì sự nỗ lực vươn lên trong học tập, tu thân dưỡng đức mới tạo nên được thành công.