Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, đang xem anh Lê Văn Nhớ mở khí gas từ vòi úp bằng cái thau ra bọc ni-lông.
Người đầu tiên ở Xóm Gọ phát hiện ra nguồn khí đốt tự nhiên này và tận dụng đưa vào sử dụng đun nấu là anh Lê Văn Nhớ. Khoảng từ năm 2014 - 2015, giếng nước ở nhà anh được khoan ở độ sâu khoảng 80m sử dụng nhiều năm bị hỏng, trong lúc xem xét để sửa chữa thì phát hiện có hơi gas bốc lên, nên anh dùng túi ni-lông bịt lại.
Khoảng 4 hoặc 5 phút, thấy túi ni-lông chứa đầy hơi, anh Nhớ khoét lỗ túi ni-lông và đốt thì phát hiện khí đốt cháy như bếp gas đun nấu tại gia đình. Sự việc sau đó được anh Nhớ thông báo cho bà con xung quanh đến xem. Chính anh Nhớ là người đầu tiên tận dụng nguồn khí đốt này để đun nấu.
Anh Nhớ chia sẻ: “Ban đầu tôi dùng thùng nhựa úp lại, làm vòi dẫn khí ra và mua túi ni-lông loại khổ 1,2m, dài 2m hoặc 3m bịt kín 2 đầu, dẫn khí vào nhà đun nấu. Tuy nhiên, đường kéo vô nhà phải để dưới lòng mương, cột cứng lại, đừng cho gió bay, rồi dẫn ống nhựa truyền vào bếp để nấu.
Trước tiện ích của nguồn khí đốt này, hơn bốn năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn Xóm Gọ đã tận dụng nguồn khí gas này để sinh hoạt nấu ăn, nhưng quá trình đun nấu, bếp mở lớn hay khi có vật gì va đập vào bọc chứa khí gas, thì lửa tại bếp nấu có thể bốc cao từ 0,8 - 1m rất nguy hiểm.
Thế nhưng hiện nay, đã có hơn 20 hộ dân gần nhà anh Nhớ trên diện tích hơn 140ha ở Xóm Gọ - vùng đất nuôi tôm của ấp Tràm Thẻ Đông - đã khoan giếng nước sinh hoạt và khai thác luôn nguồn khí đốt này để phục vụ sinh hoạt gia đình. Cá biệt, có một số hộ thuộc các tuyến kênh khác, cách đó hơn 3km cũng tìm được nguồn khí đốt này để đun nấu.
Bà Lê Thị Đặng, một người dân Xóm Gọ, nói: “Nếu làm bằng lu sành đảm bảo chắc chắn và có vòi nhựa không bị xì hơi ở các đầu túi ni-lông, thì khí của một giếng nước cũng đảm bảo cho 2 gia đình sử dụng. Nhưng làm kỹ mà chỉ một nhà xài thì dư khí gas rất nhiều, phải xả bỏ, nếu không sợ bể bọc gây cháy nhà”.
Hơn hai năm qua, những người dân Xóm Gọ đã sử dụng nguồn khí gas này, đều khẳng định là tiện ích và tiết kiệm chi tiêu cho gia đình.
Ông Tô Minh Thiện cho biết: “Ban đầu gia đình khoan giếng nước, thấy mũi khoan rộng, đặt ống xuống nó sôi lên ục ục, nên mới lấy cái thùng nhựa úp lại và làm van dẫn ống vô nhà, nối vô bếp gas mở lên cháy như bình gas mua ở chợ...".
Ông Thiện nói tiếp: "Gia đình mua ống dẫn khí bằng ống nước, túi ni-lông bịt kín, chừa van xả hơi khi bọc căng phì quá. Đun nấu sinh hoạt bình thường trong nhiều năm qua, với cách sử dụng nguồn khí đốt tự nhiên này, bình quân gia đình tiết kiệm từ 3 - 5 triệu đồng/năm tiền mua chất đốt để đun nấu sinh hoạt hàng ngày”.
Hậu quả cháy nổ thế nào thì chưa xảy ra và cũng không lường trước được, nhưng người dân nơi đây cảm thấy đây là nguồn khí sạch, không mùi hôi, đun nấu rất thuận lợi nên vô tư khai thác sử dụng.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, đến xem và chứng kiến cách khai thác khí đốt này, đã kiến nghị: “Qua kiểm tra thực tế quá trình sử dụng của từng hộ dân, thì mọi người chỉ biết đưa vô lò gas để sinh hoạt, độ gây ảnh hưởng rủi ro như thế nào thì người dân chưa hiểu biết và cũng chưa nắm được kỹ thuật khai thác cho đảm bảo và luôn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy...".
Theo ông Quý, dưới góc độ địa phương, xã cũng kiến nghị với các ngành tỉnh, huyện, có biện pháp hỗ trợ, xem xét để tạo điều kiện cho người dân sử dụng nguồn khí đốt này đảm bảo an toàn, theo quy định của pháp luật, nhằm hạn chế rủi ro cho bà con...
Theo anh Nhớ, khi gas nhiều, đầy bọc, phải xả bỏ bớt, vì nấu không hết. Làm kiểu này cũng sợ mấy đứa nhỏ không biết, đâm thủng bọc gây cháy nhà, nhưng cũng không biết cách nào khác hơn”.
Việc người dân Xóm Gọ phát hiện và khai thác sử dụng nguồn khí đốt tự nhiên đang gây sự chú ý của đông đảo người dân trên địa bàn. Mong các ngành chức năng, các nhà khoa học sớm vào cuộc, để có những khuyến cáo hợp lý, góp phần hạn chế rủi ro, thiệt hại cho người dân nơi đây.
Nguồn tin: danviet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự