Gọi là sâm “bảy lá”, hay "thất diệp nhất chi hoa", theo lời giải thích của người dân địa phương là bởi nó có "7 lá và 1 hoa". Còn người dân ở dãy núi Hoàng Liên Sơn thì dựa vào công dụng chữa được rắn cắn gọi nó là "cây rắn cắn". Tên khoa học của loại sâm này là Paris polyphylla Smith, thuộc họ hành, tỏi.
Cây sâm bảy lá nhỏ
Với đặc điểm chỉ mọc ở vùng núi cao, rậm rạp và ẩm nên ở Quảng Ngãi, đến thời điểm này chỉ núi Cà Đam - nơi được ví là "cổng trời" của tỉnh mới tìm thấy được loại sâm này.
Khi trưởng thành, sâm bảy lá có chiều cao từ 0,4-0,7m, Lá hình mác thuôn và đầu nhọn dài 7 - 15cm, rộng 1,5 - 3cm, có 3 gân. Hoa sâm bảy lá mọc đơn độc trên đỉnh, cánh màu vàng hình dải. Sau thời gian ngắn ra lá và hoa, cây sẽ trụi lá và củ nằm dưới đất đến năm sau mới nảy mầm, phát triển lại.
Củ sâm bảy lá 1năm
Củ sâm bảy lá có hình dạng xoắn hơi dài và vỏ màu nâu. Tùy thuộc vào thời gian mọc lâu, mau mà kích cỡ và trọng lượng củ to, nặng khác nhau, nhưng thông thường từ 200-500 gram.
Hạt của cây sâm bảy lá
Theo một số tài liệu y học thì sâm bảy là là loại cây thuốc quý được chế biến để chữa được nhiều bệnh, như: Rắn độc cắn động kinh, viêm phổi và viêm họng... Đặc biệt gần đây, qua nghiên cứu đã tìm thấy trong thành phần của cây này còn có nhiều hoạt chất quý tác dụng đặc biệt tốt cho những bệnh nhân mắc ung thư. Vì vậy phía Trung Quốc thu mua rất mạnh, với giá có thời điểm lên đến cả triệu đồng/kg cây tươi.
Núi Cà Đam hiện là nơi duy nhất ở Quảng Ngãi tìm thấy sâm bảy lá
Người dân sống ở khu vực núi Cà Đam cho biết: "Ngày trước sâm bảy lá ở vùng núi này rất nhiều. Theo đó cứ sau mùa mưa, người dân thường vào núi tìm, đào lấy củ mang về ngâm rượu uống để chữa bệnh".
Tuy nhiên gần đây, nhiều thương lái từ miền xuôi lên đặt mua, nên số lượng người vào rừng tìm sâm bảy lá về bán đông, dẫn đến số lượng sâm bảy lá giảm dần.
"Trước đây cứ mỗi chuyến đi vào rừng từ 2-3 ngày, thì lượng củ sâm bảy lá tìm được 3-4 kg là bình thường. Còn bây giờ giỏi lắm cũng chỉ được hơn 1kg, nhưng phải đi vào tận rừng sâu, rất nguy hiểm mới có", ông Hồ Văn Min (41 tuổi, ở thôn Quế, xã Trà Bùi) bộc bạch.
Một cây sâm bảy lá được người dân trồng
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng cho biết: "Sâm bảy lá là cây thuốc quý, tuy nhiên do khai thác quá mức nên ngày càng hiếm dần. Vì vậy cùng với việc tăng cường tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng khai thác ồ ạt; chính quyền địa phương khuyến khích người dân sống gần khu vực núi Cà Đam trồng; đồng thời chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn huyện nghiên cứu trồng thí điểm, phát triển nhân rộng loại cây này".
Nguồn tin: Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự