Ngôi đền này được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, do một người họ Hồ từ nơi khác đến chiêu dân lập ấp, khai khẩn vùng đất phía bắc rú Gám và phía nam động Hòn Thàng, lập nên. Người lập đền cũng là thần khai canh của làng Kẻ Găng, tức làng Phúc Tăng, một làng cổ của tổng Quan Hóa xưa, nay thuộc xã Tăng Thành, huyện Yên Thành (tên người lập đền có sách ghi là Hồ Lãm, có sách ghi là Hồ Truật).
Sách tục thờ thần và thần tích Nghệ An, gia phả họ Hồ viết bằng chữ Hán cũng như lịch sử họ Hồ đại tôn Việt Nam viết rằng: Bạch Y Công Chúa, còn có tên hiệu là Thái Dương công chúa, là người con gái tài sắc vẹn toàn của Hồ Quý Ly. Bức đại tự tại đền thờ thần ở Hòn Thàng ghi rõ “Bạch Y Tiên Cô”, phía dưới có dòng chữ nhỏ “Hồ Thị Hỉ Lê triều sắc thư Thượng đẳng thần”.
Chuyện kể rằng, Hồ Quý Ly khi còn làm Phụ chính Thái sư cho nhà Trần cũng như khi lên ngôi Hoàng đế năm 1400, ông cho thực hiện nhiều chính sách cải cách, trong đó có việc xây nhiều thành cao, hào sâu, sửa sang đường giao thông, nhất là đường thủy để phòng giặc Minh sang xâm lược.
Ở Nghệ An, ông cho xây thành Đại Huệ, căn cứ Bàu Đột, nạo vét mở rộng kênh Nhà Lê. Việc nạo vét kênh Nhà Lê, nhất là đoạn qua Nghệ An phải làm gấp. Hàng ngàn binh lính, dân phu thay phiên nhau lao động khổ cực. Khi đào đến đoạn kênh Sắt phía trước đền Thục An Dương Vương, thuộc phủ Diễn Châu thì gặp phải đoạn núi đá cứng vì có nhiều quặng sắt, binh lính và dân phu không đào được, lại gặp gió Lào bỏng rát.
Đói khổ, lại bị đánh đập tàn nhẫn, tiếng kêu khóc oán thán khắp vùng, có người kiệt sức chết đói bên dòng kênh. Nhiều quan to trong triều được vua Hồ Quý Ly phái đến để đốc thúc chỉ huy, nhưng công việc không tiến triển, nhà vua phải cử công chúa vào để cổ vũ, động viên.
Khi vào đến nơi, lúc đầu công chúa đã cầm đàn tranh để gảy những khúc trầm bổng động viên dân phu, nhưng tiếng đàn lọt thỏm giữa những tiếng kêu la oán trách dậy trời của dân phu, nên nàng đi đây đó xem xét tình hình, ở đâu cũng thấy cảnh đói khát, khốn khổ bày ra khắp nơi. Nàng nghĩ hình như công việc của vua cha đề ra chưa hợp lòng dân.
Thương dân tình phải phu phen lầm than, nghe theo lời một bà lang trong vùng, nàng bày cho dân phu hái lá cây dầu mỡ chó, đang đêm đem bỏ xuống đoạn kênh có quặng sắt. Lá cây mỡ chó gặp vùng đất có quặng sắt nhỉ ra một vùng nước đỏ như máu lan cả một đoạn kênh dài rồi loan tin đào kênh gặp cổ Rồng chảy máu, chạm phải long mạch, xin vua cha cho dừng việc đào kênh.
Sự việc trên bị phát giác, Hồ Quý Ly ra lệnh giết chết con gái để giữ nghiêm phép nước. Năm ấy, công chúa vừa tròn 18 tuổi. Thương xót người con gái lá ngọc cành vàng, vì thương dân, thương lính mà phải chịu cái chết oan khuất, nhân dân nhiều làng xã ở Thanh Hóa, Nghệ An lập đền thờ.
Đêm đêm, bên những dòng kênh mà công chúa từng đi qua, và cả những nơi có miếu thờ công chúa, nhân dân các làng thường thấy bóng dáng người con gái mặc bộ quần áo trắng thường qua lại, như là hình bóng của bà trở về phù hộ độ trì cho dân làng như khi bà còn sống vậy.
Hồn thiêng của Bạch Y Công Chúa không chỉ phù hộ độ trì, cứu giúp dân lành, mà còn phò trợ bậc anh hùng gặp lúc nguy nan.
Thần tích các đền thờ Bạch Y Công Chúa ở Thanh Hóa, Nghệ An đền ghi tương tự câu chuyện như sau:
Khi người anh hùng Lê Lợi khởi nghĩa đánh quân xâm lược nhà Minh, trong những ngày đầu mới tụ binh khởi nghĩa, gặp bao nhiêu khó khăn, có nhiều trận thắng nhưng cũng có những trận thua, trong một trận đánh với giặc Minh, ông và quân lính bị thua trận, Lê Lợi phải chạy vào một khu rừng, lúc đầu còn có người bảo vệ, sau không còn một ai, ông phải chạy vào ẩn nấp trong một bụi rậm.
Khi quân Minh bao vây bụi cây xỉa giáo vào, Lê Lợi phải lấy áo chùi vết máu, nhưng quân Minh lại xua chó vào lùng sục. Bỗng từ một lùm cây bên cạnh, một con cáo trắng (có nơi nói là con chồn trắng, con cò trắng) chạy ra. Cả đàn chó đuổi theo con cáo trắng. Quân Minh tức quá túm lấy chó “Ta đưa mi sang đây để săn người chứ săn cáo à”, rồi giết chó. Lê Lợi nhờ đó mà thoát nạn. Con cáo trắng đó chính là Bạch Y Công Chúa hóa thân cứu giúp Lê Lợi.
Thương dân dân lập đền thờ
Ở Nghệ An, nhất là các làng xã vùng trung du, hầu như làng xã nào cũng có đền thờ Bạch Y Công Chúa. Theo thống kê chưa đầy đủ, ở các huyện Nghệ An có hàng chục đền thờ Bạch Y Công Chúa, dù duệ hiệu, tên gọi có khác nhau.
Theo đó, có nơi là Bạch Y Thần nữ, có nơi là Thái Dương Công chúa (Đền Nẻ bên kênh Sắt Diễn An, Diễn Châu), có nơi là Bạch Y Đại vương (Mai Hùng, Hoàng Mai), ở Mậu Long (Liên Thành, Yên Thành), dân gian gọi là Bà Ruốc Bạch Y Công chúa.... các triều đại nhà Lê, nhà Nguyễn dựa vào thần tích phong tặng các đền thờ Bạch Y Công chúa nhiều đạo sắc.
Có nơi phong Trung đẳng thần, Thượng đẳng thần. Nhân dân vùng Diễn Châu, Yên Thành còn truyền tụng bài vè nói lên lòng thương yêu của nhân dân đối với vị thần “hộ quốc, trị dân”:
Sao mà có Trần Quốc Công (Hồ Quý Ly)
Giết nàng thục nữ oan lòng sự con
Thương nàng phận gái tơ non
Mới mười tám tuổi vừa tròn bóng trăng
Tay cầm chén rượu ba trăng
Cung đàn nàng gảy khi nâng khi dời
Thương nàng lắm lắm nàng ơi
Bởi vì kênh Sắt đào rồi không xong
Giết con mà lấy uy lòng
Oan con con chịu mà sông không thành
Vậy nên lập miếu bên gành
Thập phương cúng vái đã đành xưa nay.
Từ nàng công chúa thứ 2, tên là Hồ Thị Hỉ, con vua Hồ Quý Ly, với nghĩa cử cao quý, giám đứng lên bảo vệ dân lành, che chở cho dân lành mà phải chịu cái chết oan khuất, bước vào huyền sử và văn học dân gian, Bạch Y Công Chúa lung linh tỏa sáng trong đời sống tâm linh của nhân dân.
Nhưng trải qua bao hưng phế của thời cuộc, bao mưa nắng, các đền miếu thờ Bạch Y Công Chúa phần lớn đã bị hư hỏng, có nơi chỉ còn lại trong các thư tịch cổ của các làng xã.
Riêng đền thờ Bạch Y Công Chúa dưới chân Hòn Thàng cũng chịu chung số phận, có thời gian đã trở thành phế tích, nhưng điều kỳ lạ là kể cả khi đền bị hư hỏng nặng, chỉ còn bệ thờ và bốn bức tường, trong chiến tranh hay trong hòa bình, ngôi đền này chưa khi nào vắng người đến hương khói, thăm viếng.
Đền Bạch Y Công Chúa ở Hòn Thàng nằm cạnh con suối nhỏ, trên đường vào cửa rừng, giữa một vùng cây cối xum xuê. Đền còn giữ lại dấu tích của bốn bức tường cũ xây bằng đá núi và giếng cổ, phía bắc đền. Khuôn viên đền cũ là ngôi nhà 2 gian, dựng dọc theo triền núi, theo kiểu tiền đao hậu đối. Phía trên sộng 4 m, phía dưới rộng 4,5m, dài 9,4m. Những năm 90 của thế kỷ trước, ông Trần Văn Chí - một kỹ sư lâm trường Yên Thành về hưu đã cùng bà con dân làng phục dựng đền, xây tường, gác văng xà, lợp ngói, xây hai trụ cổng đền, sửa sang lại giếng cổ, tự nguyện hương khói, bảo vệ đền gần 30 năm nay.
Năm 2002, do lượng khách thăm viếng và cúng bái ở đền ngày một đông, nhất là những ngày sóc vọng Mồng Một và ngày Rằm hàng tháng, đặc biệt là ngày giỗ Công chúa (13 tháng 2 Âm lịch) hàng năm, gần cả ngàn người từ các nơi xa gần về đây lễ bái, cầu phúc, cầu tự... nên người coi đền và bà con dân làng đã dựng thêm hậu cung ở phía sau.
Tại ban thờ trang trọng nhất giữa hậu cung đặt tượng nữ thần Bạch Y Công Chúa. Phía trên bức tượng là bức đại tự 4 chữ lớn: “Bạch Y Tiên Cô”, phía dưới có hàng chữ “Hồ Thị Hi, Lê Triều sắc thủ thượng đẳng thần”. (Nội dung mục chủ này cũng được ghi trong bài văn tế thần của Tổng Quan Hóa, hiện còn lưu giữ tại chùa Gám xã Xuân Thành, Yên Thành).
- Hương hỏa vạn đại linh/Anh linh thiên cổ tự
- Chính thực hộ trung thiên/Thông minh phù hiếu nghĩa
- Thành Sơn thắng cảnh vạn chí xuân/Phương Lĩnh danh lam thiên cổ tự
(Thành Sơn là Hòn Thàng, Phượng Lĩnh là Rú Gám)
- Linh phù hộ quốc phong công chúa/Pháp cứu sinh dân thượng đẳng thần
Những câu đối này, theo các cụ cao niên, có từ khi dựng đền và lưu truyền trong dân gian, nay mới phục dựng lại.
Trải qua hàng trăm năm, từ thời Lê qua triều Nguyễn và đến nay, ngôi đền thiêng Bạch Y Công Chúa vẫn tồn tại cùng lịch sử và huyền thoại về người công chúa có lòng ái quốc thương dân. Đây cũng là một địa chỉ linh thiêng trong quần thể khu di tích Đền - Chùa Gám ở Yên Thành.
Mấy ngày gần đây, khi được ông Hồ Thành, công chức văn hóa xã Tăng Thành dẫn lên vãn cảnh đền, tôi tình cờ đọc được mấy dòng chữ viết bên bức tường của ngôi đền: “Nam mô a di đà phật. Hiện nay nhà thờ hạ điện bị xuống cấp nghiêm trọng. Chờ nhà nước thì còn lâu, vậy nhà đền phải sửa chữa gấp nên kính mong các tín chủ kẻ nhiều người ít giúp đỡ”.
Hỏi cụ Trần Văn Chí, người tự nguyện làm ông từ giữ đền mấy chục năm nay, nghe ông nói: “Chỉ trừ những ngày mưa to gió lớn, còn tất cả các ngày trong năm đều có người dân đến đây hương khói. Nay thấy đền hư hỏng nặng, nóng ruột quá, tôi viết mấy dòng này mong có quý nhân phò trợ”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự