Thế nhưng có điều lạ là những lần đào trộm bí ẩn đó đều bị bỏ dở lúc nửa đêm và sự biến mất một đi không trở lại của những kẻ đào trộm ngôi chùa. Ngôi chùa cổ Cao Long hàng nghìn năm tuổi (ở xã Thanh Lâm, Lục Nam, Bắc Giang) tọa lạc trên ngọn núi tựa như lưng con rồng, xưa kia, vốn là chùa to nhất nhì vùng Kinh Bắc.
Chùa được xây trên hệ thống long mạch thời Cao Biền
Chùa Cao Long nổi tiếng với nhiều sự kiện lạ lùng diễn ra khó có lời giải đáp thỏa đáng. Càng tìm câu hỏi để giải thích, người ta càng như cảm thấy khó có thể hiểu nổi vì sao. Việc ngôi chùa được xây trên ngọn núi được người dân gọi là lưng rồng cũng là một điều làm cho ngôi chùa trở nên nổi tiếng. Đỉnh núi đó tên là Cao Long, sau đổi tên thành núi Chùa, vì Chùa được xây trên núi, hay còn gọi là Long Cốt tự, chùa Rồng trên cao.
Tương truyền, núi Cao Long là một trong những huyệt mạch quan trọng mà Cao Biền đã phát hiện ra và trình tấu thư lên triều đình phương Bắc hòng bàn cách yểm huyệt triệt tiêu nhân tài. Câu chuyện về sau thế nào thì không ai nhắc tới nhưng cùng với hệ thống long mạch quan trọng khác chạy dài từ núi Tản Viên (Ba Vì) thì núi Cao Long gần như điểm cuối trước khi mạch núi kết thúc. Theo thế đất, các nhà phong thuỷ nhận ra núi Cao Long tựa như một con rồng nhỏ. Lưng con rồng nhô lên uốn lượn giữa những dải đất bằng phẳng.
Một cao tăng thời kỳ đó biết đây là huyệt vượng mới cùng sư sãi xây dựng một ngôi chùa trên đỉnh núi đặt tên là Long Cốt Tự. Cụ Nguyễn Văn Khánh (80 tuổi) là thủ từ tại đây cho biết: “Gia phả của làng ghi chép trước kia ngôi chùa này rất bề thế, thu hút hàng trăm cao tăng khắp nơi đến tu luyện. Người địa phương còn câu nói ví là “nhất Kinh Kỳ, nhì Thượng Lâm”, tức ngôi chùa này to thứ hai Kinh Bắc ngày xưa. Lúc còn bề thế, chùa có tới hơn một trăm gian, làm toàn bằng gỗ quý nhưng rồi chiến tranh loạn lạc, chùa chỉ còn lại phế tích là các chân móng chìm sâu dưới lòng đất”.
3 lần đổi cổng chùa
Long Cốt tự là ngôi chùa duy nhất xây trên núi có thế lưng rồng. Theo Phật giáo thì điều đó không bàn giải, nhưng theo tín ngưỡng dân gian, cụ Nguyễn Văn Khánh cho hay: “Từ nhỏ, tôi đã được đọc gia phả trùng tu chùa và nghe các cụ kể lại những chuyện liên quan đến phong thủy của chùa. Có rất nhiều chuyện kỳ lạ ở ngôi chùa cổ này mà nó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người trong vùng. Trong đó, câu chuyện về hướng cổng chùa làm cho trai gái trong làng ế chồng ế vợ nhiều năm liền”.
Vì thế, dân gian có câu “toét mắt là tại hướng đình/cả làng toét mắt chứ mình em đâu”. Sau đó, có một thầy địa lý người Tàu sang du ngoạn mới dừng chân tại chùa. Thấy hướng cổng không thích hợp, ông bảo cao tăng đổi lại.
Dấu tích ba lần đổi cổng chùa nay vẫn còn
Cổng trước hướng ra phía Bắc thì đổi lại về hướng Tây. Từ khi đổi cổng, con trai của làng bỗng dưng “toét mắt, tóc xoăn” và xấu lạ thường. Ngược lại, con gái thì đẹp ra như tiên nữ. Vì thế, trai làng không bao giờ lấy được con gái trong làng mà hoặc ế hoặc cưới vợ xấu làng khác. Con gái đẹp trong làng lấy chồng ở đô thành hoặc gả cho con nhà quyền quý.
Việc này diễn ra trong nhiều năm liền khiến dân làng nghi hoặc cho rằng, thầy địa lý không tốt nên tiếp tục đổi cổng sang hướng Đông. Từ đó, trai làng không còn bị mắt toét hay xoăn tóc nữa mà ngược lại rất khôi ngô nên hầu hết đều lấy nhiều vợ. Gái làng xưa rất đẹp, từ khi đổi cổng thì lại không còn mượt mà nên ế chỏng ế chơ.
Sốt ruột và lo lắng, cuối cùng sư trụ trì quyết định cùng dân làng đổi cổng về hướng Nam. Từ đó, trai gái trong làng cân bằng, không quá xấu cũng chẳng quá đẹp. Họ lại yên ổn làm ăn cầy cuốc quanh lũy tre làng. Đến nay, các dấu tích của ba lần đổi cổng vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ cần vén lớp cỏ lên là có thể thấy rõ.
Cốt chùa cũ liên tục bị xâm phạm đào bới tìm đồ cổ
Chùa Long Cốt Tự qua thời gian đã dần bị xuống cấp, cộng với sự phá hủy của giặc Pháp nên đã bị dỡ bỏ để xây dựng ngôi chùa ở khu đất khác. Được biết khi dỡ bỏ, gỗ của chùa còn lại vẫn đủ xây hàng chục gian chùa mới vẫn không hết, người ta còn dùng làm củi đốt lò vôi đủ trong một tháng.
Chính vì sự bề thế của nó nên tại khu đất cũ dựng chùa thường xuyên bị những kẻ lạ mặt viếng thăm, đào bới một cách rất bí ẩn. Người ta chỉ phát hiện ra khi thấy những bãi đất đào dở dang, còn những kẻ đào mộ thì đã bỏ đi. Theo những người dân nơi đây thì rất có thể những kẻ đào trộm hy vọng tìm kiếm cổ vật và của cải của ngôi chùa còn sót lại.
Theo như cụ Mùa người trông nom ngôi chùa thì ngôi chùa bị đào xới tất cả ba lần. Lần thứ nhất vào những năm thập kỷ 80, có ba người đàn ông đến đây hỏi vị trí gốc cây thông già của ngôi chùa cổ rồi đánh dấu vị trí đó. Đêm đến họ đào một cái hố ở vị trí đã đánh dấu, nhưng sáng ra chẳng ai thấy họ đâu nữa, chỉ thấy một cái hố sâu chừng một mét và tàn thuốc bỏ lại. Người dân xung quanh đó thì còn cho biết nửa đêm có nghe thấy tiếng la hét kinh hoàng trên núi vọng xuống.
Cuộc viếng thăm thứ hai cách lần thứ nhất vài năm, họ cũng đào bới rồi vội vã bỏ đi trong đêm vứt nguyên cả đồ đạc lại, chẳng ai rõ họ bỏ đi lúc nào, chỉ biết là khoảng nửa đêm. Lần thứ ba, họ đào bới gần tòa tháp cổ, nhưng nửa đêm bỗng dưng trên núi có tiếng hét ghê người, và tất cả mấy người trong đoàn đào bới vứt cả đồ đạc, quần áo chạy thẳng xuống núi. Khi người dân dưới chân núi nhìn thấy và kể lại có khoảng bốn, năm người lạ, mặt cắt không còn giọt máu vô cùng hoảng sợ nửa đêm chạy xuống núi tay không và bỏ đi vội vã.
Sáng hôm sau khi những người dân lên núi xem xét thì thấy cuốc xẻng, ba lô quần áo thức ăn còn vứt chỏng chơ. Những người dân phán đoán rằng họ đã gặp phải “thần rắn” trú ngụ ở cái tháp này nhiều năm rồi nên mới sợ hãi, đang đêm la hét bỏ xuống núi đi không kịp thu dọn cả đồ đạc quần áo.
Con rắn kỳ lạ trú ngụ giữ ba tòa tháp cổ
Nhưng kỳ lạ nhất có lẽ là câu chuyện xảy ra tại ba tòa tháp cổ của ngôi chùa. Trong tháp có một con rắn sinh sống. Đó là có một con rắn rất to, đã bị những người bắt rắn bắt rất nhiều lần, nhưng lần nào con rắn cũng tự quay về dù bị bán đi rất xa hay được chính những người bắt rắt đem trả lại chùa vì họ gặp những quả báo khi đem rắn về nhà hoặc bán rắn.
Những di tích còn lại của ngôi chùa cổ thì ba tòa tháp cổ là còn nguyên vẹn nhất, theo ước tính của các cụ tuổi thọ khoảng vài trăm năm. Kiến trúc ba tòa tháp gần giống như kiến trúc tháp Chàm của người Chămpa. Có hai tòa sát nhau cao khoảng hơn 5m, còn một tòa thấp khoảng 3m, theo ghi chép để lại thì đây là ba ngôi mộ để tro cốt của ba vị sư trụ trì. Tháp được xây bằng gạch nung vuông, rỗng ở bên trong, trước mỗi tòa tháp đều có một ô vuông có thể vào bên trong tháp được. Trước kia những vị sư nào sống hơn một trăm tuổi thì khi mất đều được xây tháp để thờ cúng.
Con rắn luôn trú ngụ ở tháp chính giữa, nó ít xuất hiện nhưng cũng có những người nhìn thấy hoặc bắt gặp xác lột của nó ngay mấy tòa tháp này. Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Việt, nhà ngay chân núi, cụ đã từng nhìn thấy con rắn có màu xanh nhìn giống như rắn hổ mang, trông to như cái đòn gánh lúa. Thời buổi rắn là một món hàng đắt giá trên bàn nhậu của các đại gia, lại là rắn to nên con rắn không thoát khỏi sự săn lùng của những thợ bắt rắn ở đây. Anh Nguyễn Văn Nam, hơn 40 tuổi là người thợ bắt rắn gần đó thấy bảo có con rắn to xuất hiện trên núi thì không thể bỏ qua. Vốn là người chẳng tin thần thánh nên anh liền lên núi bắt con rắn đem về. Là người thông thạo địa hình nên không khó anh Nam đã bắt được con rắn trong tòa tháp cổ đem về nhốt trong cái lồng kín.
Tương truyền có loài rắn mào ở trong bảo tháp.
Nhưng chưa kịp đem đi bán thì có chuyện lạ xảy ra đối với anh Nam. Đang khỏe mạnh anh Nam bỗng tự dưng sốt đùng đùng, gia đình đưa anh sang trạm xá tiếp nước, tiêm thuốc cũng không ăn thua gì, miệng thì mê sảng luôn đòi thả “ngài” ra, chẳng ai biết “ngài” anh đang nói là ngài gì, cho rằng anh sốt quá nên nói nhảm. Đến hôm sau, đang nằm li bì trên giường anh bỗng bật dậy chạy như bay về nhà bê chiếc lồng sắt nhốt con rắn hôm trước vừa bắt trèo một mạch lên núi thả con rắn tại chính nơi anh bắt nó rồi anh ngất lịm ở đó. Cả nhà hoảng sợ đưa về thì thấy anh tỉnh táo, không còn mê man chỉ còn sốt, về nhà nghỉ ngơi mấy hôm thì khỏi hẳn. Cũng từ đó anh Nam không hiểu vì sợ hay làm sao mà bỏ nghề bắt rắn luôn.
Con rắn được thả, có người thợ rắn tên Thái ở thôn bên cho rằng anh Nam đã vứt bỏ một đống tiền, đã bắt được món hời mà lại thả ra, nếu bán thì ít nhất cũng được vài triệu. Nghĩ vậy, anh Thái nhanh chân tìm đến mấy tòa tháp cổ để tìm lại “món hời” vừa được thả. Lần này anh Thái cũng không khó để săn được con rắn, vừa bắt được anh mang bán luôn cho vựa thu mua rắn ở thị trấn Bảo Sơn gần đó.
Nhưng chỉ vừa về nhà mấy tiếng sau anh bỗng dưng lên cơn sốt, mê man, trong cơn mê sảng anh Thái luôn mồm lảm nhảm câu “phải trả lại chùa, trả lại chùa…”. Vợ anh nghe người ta nói là anh đã phạm phải thần thánh khi dám bắt con rắn thần trên núi ở làng bên đem bán, chị bèn tất tưởi lên vựa thu mua rắn để chuộc lại con rắn, rất may là con rắn chưa bị đem đi. Cũng có sự lạ là người chủ vựa rắn bình thường cứ thu mua rắn hai ngày là lại đi một chuyến Lạng Sơn để giao cho thương lái Trung Quốc, nhưng kể từ hôm mua con rắn này thì chưa đi được chuyến nào mặc dù đã sáu ngày trôi qua, rắn thu gom đã khá nhiều mà không hiểu vì sao người chủ lại vẫn chưa đi giao hàng, mà cứ nấn ná ở lại như chờ đợi điều gì.
Khi vợ anh Thái ngỏ ý muốn chuộc lại con rắn thì lập tức đồng ý trả lại mà cũng không lấy tiền trả lại của anh chị. Chị lập tức mang con rắn lên núi thả kèm theo lễ vật, khi về tới nhà thì bệnh tình anh Thái cũng dần dần thuyên giảm, sau vài hôm thì khỏi hẳn. Sau lần đó, anh Thái cũng xếp đồ nghề cất đi, không bao giờ dám đi săn rắn nữa.
Ly kỳ cụ rắn 200 tuổi
Kể từ mấy lần con rắn bị bắt và được thả đi thả lại thì không còn thợ rắn nào dám bén mảng lên chùa đào bới để săn rắn nữa. Cũng từ đấy mà con rắn bỗng dưng được người dân coi như “rắn thần”, nổi tiếng khắp vùng. Câu chuyện có vẻ ly kỳ, nhân tiện có mấy cụ cao niên trong làng tìm ông Mùa để đánh cờ chúng tôi có dịp tìm hiểu thêm. Theo các cụ trong làng thì đó là câu chuyện liên quan đến chốn linh thiêng nên các cụ không dám nói sai nửa câu. Và cũng từng có nhiều người nhìn thấy kể lại hồi nhỏ hay chăn trâu gần chùa, có lên đó chơi và đã từng vài lần nhìn thấy con rắn, đặc biệt con rắn rất hiền, nhìn thấy người là nó chui vào trong tòa tháp chính giữa. Còn cái xác lột của nó thì người ta bắt gặp nhiều lần.
Theo các cụ trong làng thì đó là câu chuyện liên quan đến chốn linh thiêng nên các cụ không dám nói sai nửa câu. (Hình minh họa)
Cũng theo các bậc cao niên, con rắn không phải là mới có, ngay từ thời các bậc phụ huynh của các cụ trước kia đã từng chứng kiến sự tồn tại của con rắn, lúc ngôi chùa còn tráng lệ thì con rắn đã sống ngay tại tháp chính giữa, sư trụ trì chùa ngày đó cho là điềm lành và nói rằng:“Con rắn này sẽ canh giữ mấy tòa tháp này, chuột bọ sẽ không đục khoét được mấy tòa tháp”, nên không cho ai được đến chọc phá hay bắt rắn. Theo các cụ cao niên thì tính ra con rắn cũng già hơn 200 năm tuổi. Cũng nhờ “oai” cụ rắn mà không ai dám động đến mấy tòa tháp này. Khi ngôi chùa bị phá nhưng ba tòa tháp không hề bị xâm phạm nên còn nguyên vẹn. Người ta cho là con rắn chính là hiện thân của ba vị sư trụ trì hơn trăm tuổi trong ba tòa tháp. Và người dân nơi đây cũng tin rằng con rắn chính là nguyên nhân mà mấy lần những kẻ đào bới ghé thăm nhưng đều phải bỏ chạy mất mật như vậy.
Có nhiều cách giải thích khác nhau
Tìm đến anh Nguyễn Văn Nam, người đã từng cả gan bắt con rắn trong tòa tháp để nghe anh kể về chuyện bắt con “rắn thần” trên núi. Rất may anh Nam ở nhà, anh nói: “Con rắn trông rất bình thường, thuộc loại rắn hổ Chúa nhưng màu của nó xanh sậm chắc do lâu năm, tôi chưa cân nhưng ước tính con rắn phải nặng đến chục cân chứ chẳng ít, hồi bắt nó tôi phải dùng chiếc lồng sắt nhốt chó để nhốt con rắn”.
Khi bắt xong do bị ốm, anh Nam sợ phạm vào chùa nên đã đích thân thả con rắn chứ không phải là từ trạm xá chạy về rồi ngất trên đó. Rồi anh cười bảo: “Ngày đó không biết lên cả gan dám bắt, chứ bây giờ cho tiền cũng không dám bén mảng đến đó nữa”. Gần đây không thấy con rắn xuất hiện, nhưng các cụ và anh Nam cũng không có ai dám can đảm chui vào trong tháp để xem con rắn còn tồn tại hay không nữa.
Để xác minh câu thực hư những câu chuyện có phần kỳ bí của ngôi chùa chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Văn Hiệp, phó trưởng thôn làng Thượng Lâm. Ông Hiệp cho biết sự thực về những câu chuyện trn, ông nói: “Sự việc thì quả là đúng như vậy nhưng có những cách giải thích khác nhau vì có người tin và có người không tin vào chuyện tâm linh”.
Về việc đổi hướng thì chuyện đó xưa lắm rồi nên ông chỉ được các cụ truyền lại như vậy. Còn những chuyện về những người xâm phạm ngôi chùa bị quả báo thì ông cho rằng: “Đúng là những người đó có bị ốm đau, xong đó chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên nên dân làng tin rằng do liên quan đến việc lấy của chùa nên mới bị ốm như vậy”.
Khi lên chùa không được nói bậy theo ông Hiệp thì là một tập tục không riêng chùa nào, mà của chung các chùa. Riêng ở ngôi chùa cổ này thì tập tục được người dân thực hiện nghiêm lắm, dù là người ở làng hay khách thập phương đều biết đến tập tục này của chùa nên tránh tuyệt đối không bao giờ buông lời khiếm nhã.
Còn về chuyện rắn thần sống trong tháp thì theo ông Hiệp là có thực, ông chưa nhìn thấy tận mắt nhưng đã bắt gặp xác lột của nó rất to cạnh mấy tòa tháp cổ. Còn chuyện những kẻ đào bới trộm bỏ chạy trong đêm vì con rắn thì thực hư chưa rõ thế nào, có thể khi đào có người dân phát hiện nên chúng sợ bỏ chạy và người ta dọa như vậy để cho những kẻ khác không nhòm ngó. Khi xảy ra vụ đào bới trộm cách đây nhiều năm, chính quyền đã cắt cử người trông nom cẩn thận nhưng sau đó vẫn xảy ra thêm hai lần nữa. Như vậy theo ông Hiệp thì câu chuyện có thể chỉ là những sự việc đồn thổi mà thành. Nhưng những câu chuyện đó đã làm tăng thêm sự huyền bí của ngôi chùa to nhất xứ Kinh Bắc ngày xưa.
(Theo An Ninh Thủ đô)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự