Những mảnh, miếng lịch sử đang được lắp ghép để Hải Vân quan sống lại huyền sử công trình gắn với con đường thiên lý đi vào sử sách, vang danh khắp năm châu
Văn bia kỳ lạ
Ngày 24/8, ngay tại nền móng của cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan, Bảo tàng lịch sử Quốc gia có buổi báo cáo sơ bộ kết quả khai quật với lãnh đạo 2 địa phương Đà Nẵng và TT - Huế. Hôm đó, tôi kéo chuyên gia khảo cổ Hoàng Văn Thưởng ra một góc của Hải Vân khi mọi người đang vây quanh lãnh đạo Bảo tàng lịch sử và lãnh đạo địa phương để cùng nghe báo cáo. Là người được giao nhiệm vụ chỉ huy khảo cổ Hải Vân quan, ông Thưởng là người trực tiếp có mặt tại đây từ những nhát cuốc đầu tiên bổ xuống nền đất Hải Vân quan cho đến ngày cuộc khảo cổ hoàn thành. Hỏi kết quả khai quật có gì đặc biệt? Rút điện thoại, ông Thưởng cho tôi xem một hiện vật mà trong báo cáo chưa thấy công bố. Đó là những mảnh vỡ của một văn bia từ thời Nguyễn được nhặt xung quanh Hải Vân quan. Là người gắn bó với nghề khảo cổ, khai quật nhiều công trình, ông Thưởng cho hay, văn bia ở miếu, đình, chùa… thì nhiều nhưng chưa bao giờ gặp văn bia nào tại các công trình kiến trúc thuộc dạng thành lũy phòng thủ như Hải Vân quan. Đây là điều hết sức lạ lẫm. Hình ảnh 3 mảnh văn bia ông Thưởng chụp lại, hai mảnh có chữ và mảnh còn lại chỉ là hoa văn. Hiện các mảnh vỡ của văn bia này đang được đưa về Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế để nghiên cứu và giải mã.
Ông Thưởng tiết lộ, chưa xác định được niên đại, nhưng trên bia có tên nhân vật, tuy nhiên điều kỳ lạ nữa là đối chiếu trong các tư liệu chưa thấy tên nhân vật này. Đường viền bia có Long vân (hoa văn hình rồng) thời phong kiến chỉ có nhà vua mới có quyền cho phép đặt. “Khả năng triều đình hoặc một nhân vật có tầm cỡ đã đặt tấm bia này, với nội dung ca ngợi cảnh đẹp hùng vĩ, hiểm trở và quan trọng của Hải Vân quan”, ông Thưởng nhận định.
Mấy chục năm trước “thi sĩ” Lại Thanh Hà (còn gọi Lại Phiền Hà) nhặt được một mảnh đá vỡ trên đó có hoa văn và chữ viết lạ kỳ. Mảnh vỡ đó được ông đem lát ở lối đi lên nhà vọng cảnh trên đỉnh Hải Vân mà ông tự tay làm nên. Và hết sức bất ngờ, đối chiếu chữ nghĩa, chất liệu cũng như hoa văn của 3 mảnh vỡ mà đoàn khảo cổ thu thập được, mảnh đó hoàn toàn trùng khớp. Thi sĩ Hà trở thành người có công giữ một phần lịch sử Hải Vân quan.
Hôm bảo tàng báo cáo, ông Hà bận đồ tươm tất, chân đi giày, hình ảnh đó khác xa với ông “lão gàn” thường ngày vẫn quần đùi áo rách đi nhặt rác làm sạch cho di tích này. Ông cười hiền: “Hải Vân quan sạch đẹp mình cũng phải khác một tý”. Hỏi chuyện, ông Hà ông kể: ngày trước nhặt được mảnh bia có họa tiết lạ, ông báo cáo với biên phòng trước khi đem lát nền gạch đưa bước chân du khách lên đồi. Nhiều người biết ông nhặt được mảnh vỡ nhưng chẳng mấy ai quan tâm. Hôm đoàn khai quật phát hiện mấy mảnh bia, ông vui vẻ cùng mọi người cạy lên, hiến tặng lại để phục vụ nghiên cứu, giải mã bí mật về Hải Vân quan.
“Vui lắm. Bao nhiêu năm gắn bó nơi này, còn gì vui bằng khi thấy Hải Vân quan dần sống lại. Thơ tôi viết về Hải Vân vì thế lại có thêm nhiều cảm hứng mới”, ông Hà cười nói.
“Những mảnh ghép của văn bia còn lại có thể đang nằm rải rác đâu đó quanh khu vực này. Nếu khai quật, tìm kiếm đầy đủ sẽ giúp chúng ta khám phá ra nhiều điều thú vị về công trình này”, ông Thưởng cho biết.
Ðường thiên lý Bắc Nam dần lộ rõ
Một khám phá rất thú vị mà các nhà khảo cổ, sử học, nghiên cứu hết sức quan tâm là dấu vết về con đường thiên lý Bắc - Nam qua Hải Vân quan từ thời nhà Nguyễn đã được phát lộ. Sau khảo cổ, phía trước nền sân của cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan đào sâu là một lớp đá. Người ngoài sẽ không hiểu cơ man nào đá xếp lớp chồng lên nhau. Theo các chuyên gia, đó chính là lối đi thiên lý từ Kinh đô Huế vào cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Hai lớp đá hai bên chính là taluy, có thể do bị sạt lở sau các trận mưa nên được đắp kè bằng đá núi để chống xói lở và đảm bảo an toàn cho người đi.
Từ cổng Thiên hạ đệ nhất hùng quan, chỉ tay về phía Huế, ông Thưởng cho hay ngay phía dưới, cách khoảng 300m, trong quá trình khảo sát, đoàn khảo cổ phát hiện dấu tích của một đoạn đường thiên lý nữa. Ở đó có dấu vết của một trạm gác với bó móng được xếp bằng đá núi. Để làm rõ cần có khảo sát, nghiên cứu kỹ và chắc chắn nếu phát lộ hết sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị về con đường thiên lý đã đi vào lịch sử.
Khi đoàn khảo cổ nhắc đến con đường thiên lý chỉ cách vị trí mình đang đứng 300m, lập tức ông Nguyễn Dung (Phó chủ tịch UBND tỉnh TT - Huế) yêu cầu: Cả một tường thành dài còn có thể phục dựng được. Chỉ 300m, việc trong tầm tay thì phải làm ngay. Phải khảo cổ kỹ để làm lại nguyên bản, không áp đặt lên di tích Hải Vân và vết tích con đường thiên lý.
Dựa vào những bó vỉa đá, từ cổng Hải Vân quan, dấu vết con đường xưa đi về phía Đà Nẵng cũng dần lộ rõ và có thể xác định hướng đi về phía Nam men theo hướng đông nam, chạy theo sườn núi phía nam của ngọn Hải Vân Sơn xuống vịnh Đà Nẵng ở khu vực làng Vân hiện nay.
Chuyên gia khảo cổ Hoàng Văn Thưởng
Ông Huỳnh Đức Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng thành phố Đà Nẵng, một trong số những người dành nhiều tâm huyết cho Hải Vân quan chia sẻ: “Những người yêu Hải Vân quan đều mơ về con đường thiên lý sẽ được phục hồi. Nếu một ngày gần nhất, được đi trên con đường ngày xưa cha ông đã đi qua sẽ cảm xúc vô cùng. Chúng ta sẽ hiểu hơn về những gian nan, xương máu cha ông đã đổ xuống để xây dựng, bảo vệ được một công trình quan trọng ở vị trí chiến lược bậc nhất của nước nhà. Và chắc chắn một điều, nếu khôi phục được, du khách ưa mạo hiểm, khám phá sẽ về đây để một lần được thiên lý qua Hải Vân quan”.