Ngôi chùa kỳ bí chứa cổ vật từ vạn năm trước

Thứ năm - 11/07/2019 16:04
Trải qua quá trình trùng tu, tôn tạo nhiều lần, sư trụ trì chùa Nhẫm Dương cùng nhân dân địa phương đã phát hiện ra 26 hang động lớn nhỏ nằm trên dãy núi đá vôi, trong đó có hai hang động quan trọng nhất là Tĩnh Niệm và Thánh Hóa.
Khu vực hang động Thánh Hóa
Khu vực hang động Thánh Hóa

Chùa Nhẫm Dương, ở thôn Nhẫm Dương, xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương được xây dựng từ thời nhà Trần.

Phát hiện cổ vật từ vạn năm trước trong quá trình tìm tượng

Trong lúc khai quật hang động Thánh Hóa tìm pho tượng tổ, sư trụ trì cùng nhóm người đã bất ngờ phát hiện thêm kho xương hóa thạch động vật “khổng lồ”. Đó là câu chuyện đã diễn ra tại chùa Nhẫm Dương. 

Cụ thể, Ni sư Thích Đàm Mơ (56 tuổi) - trụ trì chùa Nhẫm Dương kể rằng, năm 16 tuổi, Ni sư Mơ lên chùa ở và theo Hòa thượng Thích Vô Vi (sư trụ trì chùa Nhẫm Dương lúc bấy giờ) học đạo.

Năm 1985, trước khi viên tịch, Hòa thượng Thích Vô Vi gọi Ni sư Mơ lại và dặn rằng: “Sau khi thầy mất con nên khai thông lại động Thánh Hóa và Tĩnh Niệm sau chùa để tìm lại mấy pho tượng đá của tổ Thủy Nguyệt và tổ Tông Diễn đưa vào chính điện thờ.

Nhớ lời di huấn của sư phụ, cuối năm 1999, Ni sư Mơ cùng với 4 người làm tại chùa bắt tay vào việc khai thông động Thánh Hóa. Nhóm người dùng cuốc, xẻng đào lớp đất đá bên ngoài tìm pho tượng. Khi đào vào được khoảng nửa mét, nN sư Mơ cùng nhóm người tìm thấy 5 pho tượng. Tuy nhiên, do cửa động hẹp nên nhóm người không thể đưa pho tượng ra ngoài mà phải đào rộng ra hai bên.

“Khi đào vào sâu thêm khoảng 30cm nữa tôi cùng mọi người hốt hoảng phát hiện ra rất nhiều xương lẫn trong bùn đất cứng. Tôi định bụng sẽ dùng cuốc, xẻng dỡ bỏ lớp đất để lấy xương ra. Tuy nhiên, khi đụng cuốc vào bùn đất thì cuốc văng ra vì bùn kết lại cứng chắc như đá”, trụ trì chùa Nhẫm Dương nhớ lại.

Sau đó, Ni sư Mơ cùng với nhóm người dùng chầy dùng búa đập nhưng cũng không thể nào lấy được nguyên xương. 

Cuối cùng trụ trì chùa cùng nhóm người đành phải dùng búa, đục, dao... đục từng khối bùn nhỏ để lấy xương ra. Càng đục vào sâu, xương phát lộ ra càng nhiều.

Tuy nhiên, nhóm người càng đào sâu vào hang thì thấy động càng lộ ra rất nhiều loại xương khác nhau. Ban đầu là những mẩu xương trắng đục không biết là của người hay thú, rồi dần đến là những chiếc răng của ngựa, tê giác, voi to dài, trắng muốt. Tiếp đến, là các cổ vật khác được tìm thấy là tiền xu, thạp sứ, đồ trang sức, dụng cụ lao động, giáo mác bằng đồng và đá, đá mài...

Sư thầy Thích Đàm Mơ, 56 tuổi (mặc áo nâu) - trụ trì chùa Nhẫm Dương thông báo cho cơ quan chức năng sở tại về các hiện vật tìm thấy trong hang động

Sư thầy Thích Đàm Mơ, 56 tuổi (mặc áo nâu) - trụ trì chùa Nhẫm Dương thông báo cho cơ quan chức năng sở tại về các hiện vật tìm thấy trong hang động

Mất gần nửa năm mới khai thông xong hang Thánh Hóa

Các mẩu xương sau khi đưa ra khỏi hang động được Ni sư Mơ đựng lẫn lộn vào 2 thúng nan. Còn các cổ vật, Ni sư Mơ để vào các bao tải và giữ gìn cẩn thận trong chùa. Đến nửa năm sau thì hang được khai thông, xương được đưa hết ra ngoài.

“Trong số các hiện vật thu được trong quá trình khơi thông động Thánh Hóa và Tĩnh Niệm thì răng, xương động vật là nhiều nhất. Cái có kích thước to lớn nhất có lẽ là xương gối voi và xương sọ của loài linh dương. Ngoài ra, tiền xu các loại cũng được tìm thấy. Những loại tiền xu này tôi toàn đổ ra sân, người dân ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Sau này bác Tăng Bá Hoành (nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương) về nghiên cứu xác định được niên đại của nhiều loại tiền cổ khác nhau”, Ni sư Mơ kể.

Phó GS.TS Nguyễn Lân Cường cùng sư trụ trì phân loại các loại xương hóa thạch tìm thấy trong hang. Ảnh tư liệu.
Phó GS.TS Nguyễn Lân Cường cùng sư trụ trì phân loại các loại xương hóa thạch tìm thấy trong hang. Ảnh tư liệu.

Sau khi khai thông xong hang động, Ni sư Mơ đã quyết định gọi điện báo cho ông Tăng Bá Hoành, lúc đó là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Nhưng vì bận công việc nên mãi hai tuần sau ông Hoành mới cùng PSG.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam đến chùa tìm hiểu, nghiên cứu. Tại đây, PGS. TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, các cổ vật tìm thấy chính là những dấu tích chứng minh sự tồn tại của người Việt cổ trong một thời gian dài.

Lãnh đạo UBND huyện Kinh Môn cho biết, trong hai năm 2000 và 2001, Bảo tàng Hải Dương đã kết hợp với Viện Khảo cổ, Viện Nghiên cứu địa chất đã thực hiện nhiều cuộc thám sát, điền dã, nghiên cứu và kết luận: Hang Thánh Hóa là di tích khảo cổ học quan trọng của cả nước. Tại hang Thánh Hóa, đã tìm được di cốt hóa thạch nhiều loài động vật như: Voi, tê giác, hổ, báo, lợn rừng, nhím...và đặc biệt tìm thấy khá nhiều răng Pôngô (đười ươi).

Nguồn tin: Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây