Hai năm trước, cả nước xôn xao khi xuất hiện một củ sâm Ngọc Linh khủng, nặng gần 8 lạng, được giao dịch với giá tiền tỷ ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Tuy nhiên, với sự xuất hiện của cặp sâm này, thì củ sâm khủng 2 năm trước, như biểu tượng của loài sâm quý, có lẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Nhà sưu tầm trẻ Trần Đức An với củ sâm quý nặng 950gr.
Nhà sưu tầm trẻ Trần Đức An phải mất khá nhiều công sức, huy động nhiều mối quan hệ, mới sở hữu được hai củ sâm khổng lồ này. Theo đó, củ sâm có xuất xứ từ quả núi thuộc huyện Đak Cheung, tỉnh Sekong, thuộc nước Lào. Quả núi này thuộc dãy Ngọc Linh, cách biên giới tỉnh Kontum không xa.
Theo giới chơi sâm, cũng như các nhà nghiên cứu, loại sâm này dù sinh trưởng ở Quảng Nam, Kon Tum, hay bên Lào, nhưng nếu cùng ở dãy Ngọc Linh, thì giá trị tương đương nhau, vì dãy núi có cùng địa chất, khí hậu.
Củ sâm nặng 920gr.
“Mặc dù sở hữu nhiều vườn sâm quý ở dãy Ngọc Linh, và có cả kho rượu sâm quý, nhưng khi thấy hai củ sâm này, tôi nung nấu phải sở hữu bằng mọi giá, dù biết rằng, nó là cả gia tài” – anh Trần Đức An chia sẻ.
Mặc dù không tiết lộ số tiền bỏ ra để sở hữu hai củ sâm này, nhưng theo đánh giá của giới chơi sâm, giá thị trường hiện tới cả tỷ đồng cho mỗi củ. Cặp sâm đều rất đẹp, già, nhiều đốt, nên tính cả giá trị sưu tầm nữa, thì rất khó định giá, bởi khó có thể tìm được củ sâm hoang dã nữa to như vậy. Chỉ những người có rất nhiều tiền, hoặc có đam mê vô bờ bến với sâm quý, mới dám sở hữu chúng, bởi chúng thực sự là những báu vật vô giá.
Củ sâm khi còn ở bên Lào.
Sâm Ngọc Linh được dược sĩ Đào Kim Long tìm ra năm 1972. Thời điểm đó, dược sĩ Long được giao nhiệm vụ cùng đồng nghiệp nghiên cứu thực vật, đặc biệt là đi tìm nguồn sâm ở vùng K5 phục vụ bộ đội. Khi đến độ cao hơn 1.000m của núi Ngọc Linh, ông phát hiện ra loài sâm tiết trúc quý hiếm. Loại sâm này từng được các nhà thực vật phát hiện ra ở Lào Cai, Lai Châu.
Khi đó, dược sĩ Long gọi là sâm tiết trúc K5, rồi sau gọi là sâm đốt trúc Ngọc Linh theo tên địa danh phát hiện ra nó. Sâm Ngọc Linh đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và thống nhất gọi là Sâm Việt Nam, với tên khoa học là Panax vietnamesis Ha & Grushv.
Theo giới chơi sâm, củ sâm quý hiếm này có giá cả tỷ đồng.
Thậm chí, củ sâm này có giá nhiều tỷ đồng, nếu đại gia nào đó quyết sở hữu.
Theo giới chơi sâm thành thạo, thì sâm tiết trúc (còn gọi là đốt trúc), có nhiều dòng khác nhau, trong đó, quý hiếm và đắt đỏ nhất là dòng sâm mọc ở dãy núi Ngọc Linh (gồm cả Việt Nam và Lào). Dòng sâm quý này cũng có cả ở phần đuôi dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc đất Lai Châu và huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc). Chính vì chúng cùng loài, tương đồng với nhau, nên giá bán trên thị trường tương đương nhau. Khi đem loại sâm này đi định tính, định lượng, thì đều ra kết quả tương đồng với các mẫu thử sâm Ngọc Linh.
“Mặc dù, với kinh nghiệm sưu tầm sâm nhiều năm, chỉ nhìn củ sâm cũng biết chúng thuộc dòng sâm Việt Nam quý hiếm, song tôi vẫn cẩn thận đem đi kiểm nghiệm, và tất nhiên, kết quả hiển thị tương đồng với sâm Việt Nam, hoặc còn gọi là sâm Ngọc Linh” – anh Trần Đức Anh chia sẻ.