Bác sĩ bỏ tiền túi khám bệnh cho mọi người

Thứ bảy - 15/06/2019 22:17
Gần 30 năm kể từ khi về hưu, bỏ qua mọi lời mời làm thêm với mức lương hấp dẫn, bác sĩ Trương Thị Hội Tố (SN 1933, ngụ phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, nguyên Hiệu phó Trường Cao đẳng Y tế Nam Định) vẫn miệt mài với công tác khám bệnh từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn.
Bác sĩ bỏ tiền túi khám bệnh cho mọi người

Phòng khám đặc biệt

Nhắc đến bà Trương Thị Hội Tố, nhiều người sẽ nhớ ngay tới Phòng khám từ thiện của Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát mà tiền thân là phòng khám miễn phí do bà cùng người bạn thân là bà Lê Thị Sóc và một số cán bộ y tế đã về hưu mở ra. Phòng khám được khai trương vào đúng Ngày Thầy thuốc Việt Nam - 27/2/1992. 

Bà Tố là bác sĩ chuyên khoa sản với nhiều năm kinh nghiệm, đầu năm 1990 bà về hưu và nhận được nhiều lời mời với mức lương 4 triệu/tháng – số tiền rất lớn lúc bấy giờ. Tuy nhiên, vì muốn giúp đỡ những người nghèo nên bà quyết định từ chối tất cả. Thay vào đó, người phụ nữ này tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện.

Bà thường đạp xe đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách để khám bệnh, tư vấn sức khỏe cho mọi người. Trong quá trình này, bà nảy ra ý tưởng nếu có một phòng khám cố định thì hiệu quả khám bệnh sẽ cao hơn.

Vì vậy, bác sĩ Tố đã vận động và cùng với những người bạn mở phòng khám từ thiện để tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám bệnh bước đầu cho những người có nhu cầu. Đến nay, qua nhiều lần thay đổi địa điểm, phòng khám này đóng tại phường Giáp Bát, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai.

“Xuất phát từ cái tâm với nghề y, cũng từ thực tế công tác, tôi thấy rằng các bệnh viện thường xuyên quá tải, trong khi những người nghèo, ở xa bệnh viện lại ít có điều kiện để đi thăm khám bệnh. Hay đôi khi, có nhiều người chỉ cần thử đường huyết, đo huyết áp mà vẫn phải tới bệnh viện. Như vậy, nếu những người có chuyên môn giúp đỡ, người bệnh sẽ vừa tốn tiền, vừa không mất thời gian, đồng thời lại giảm tải được khá nhiều cho bệnh viện.

Chúng tôi là những người có chuyên môn, có thời gian, có điều kiện, vậy tại sao lại không tìm cách để giúp mọi người, nhất là những người nghèo bớt vất vả? Đó chính là lý do khiến chúng tôi quyết định gom góp lại để mở ra phòng khám tư vấn từ thiện miễn phí”, bà Tố kể lại ý tưởng và quá trình mở phòng khám để tư vấn cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những năm đầu tiên mới thành lập, bác sĩ Tố và những người bạn đã phải rất kiên trì mới có thể duy trì được hoạt động của phòng khám. Không những không có lương, phụ cấp mà những y, bác sĩ tóc đã bạc còn phải bỏ cả tiền túi để mua các loại thuốc men, dụng cụ y tế phục vụ cho việc khám bệnh.

Dần dần “tiếng lành đồn xa”, không chỉ các bệnh nhân tìm đến nhiều hơn mà phòng khám cũng đã nhận được sự giúp đỡ bằng tiền mặt, thuốc men của nhiều cá nhân, đơn vị hảo tâm. Nhờ đó phòng khám có thêm chi phí mua sắm vật tư y tế phục vụ công việc. Thậm chí, có những người ở TP HCM đều đặn gửi tiền, thuốc ra hỗ trợ phòng khám. 

Tất cả đều được các y tá, bác sĩ tại phòng khám cẩn thận gom lại, phân loại và để dành để phục vụ cho bệnh nhân. Bác sĩ Tố vui vẻ cho biết, nhờ đó mà đến nay, phòng khám đã có được các thiết bị tốt hơn, có nhiều loại thuốc hơn để phục vụ người dân. Các y, bác sĩ cũng không còn phải bỏ tiền túi ra mua đồ dùng y tế, thuốc men nữa.

Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp

Những năm qua, phòng khám từ thiện của Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát đã tiếp đón hàng chục nghìn bệnh nhân. Các y, bác sĩ ở đó cũng đã có người mất đi nhưng lại có người khác đủ nhiệt thành xung phong thay thế. Dù là phòng khám miễn phí, không thu tiền bệnh nhân, cũng không hề được nhận khoản lương hay phụ cấp gì nhưng bà Tố và những y, bác sĩ tại phòng khám vẫn luôn giữ gìn y đức, quý mến, tôn trọng và tận tình giúp đỡ các bệnh nhân.

Tất cả những người đến với phòng khám đều được kiểm tra, thăm khám một cách kỹ lưỡng, giải thích rõ ràng tình trạng bệnh lý. Mọi người luôn tâm niệm phải khám, tư vấn cho người bệnh bằng cái tâm, để giúp người bệnh phần nào vơi đi những nhọc nhằn trong cuộc sống, đồng thời cũng góp phần khiến người dân yêu quý ngành y mà bà Tố và những y, bác sỹ ở đó cả đời gắn bó.

1
Nữ bác sỹ già tham gia một hoạt động từ thiện mới đây.

Nhiều người đến với phòng khám không có tiền còn được cho tiền mua thức ăn, tiền xe đi lại. Những người tìm đến phòng khám đa phần là những người có hoàn cảnh  khó khăn.

Kể từ khi thành lập phòng khám, bác sĩ Tố đều đặn thăm khám cho các bệnh nhân. Về sau, gia đình chuyển sang phường Khương Mai sinh sống nhưng bà vẫn không quên “nhiệm vụ” của mình, thay phiên với các y, bác sĩ khác thăm khám cho người bệnh. Chân đau, đi lại khó khăn, vậy nhưng suốt 20 năm nay, bà đều đặn bỏ tiền túi thuê xe ôm từ nhà tới phòng khám để chăm sóc người bệnh mỗi ngày.

Cùng với việc tư vấn, chăm sóc cho bệnh nhân, các y bác sĩ tại phòng khám cũng tích cực đóng góp và kêu gọi mọi người chung tay giúp sức để có thể có những phần quà giúp đỡ những người kém may mắn. Đến nay, khi đã gần 90 tuổi, bà Tố vẫn cố gắng mỗi tuần đến phòng khám 1-2 buổi để thăm khám, tư vấn cho các bệnh nhân. 

Không chỉ hết lòng với phòng khám từ thiện, với tâm niệm còn sức khỏe thì còn cống hiến, tuổi càng cao thì chí càng cao và tấm lòng yêu thương con người, bà Tố vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp do Hội Chữ thập đỏ các cấp của TP Hà Nội phát động.

Bà thường xuyên tham gia vận động ủng hộ những hoàn cảnh gặp khó khăn thông qua các phong trào như Ngân hàng bò ủng hộ những người dân ở Hoài Đức, phong trào bữa ăn miễn phí tại Bệnh viện K, phong trào đỡ đầu những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, phong trào Tháng 5 nhân đạo để thăm trẻ em mồ côi, khởi công xây nhà từ thiện...

Noi gương mẹ, các con của bà mỗi người mỗi việc cũng thường xuyên tham gia ủng hộ các chương trình thiện nguyện do khu dân cư, phường, quận và TP Hà Nội phát động. Bà và các con của bà hiện nay đang nhận đỡ đầu cho 3 cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.

Đặc biệt, chị Vũ Thị Hội Trường – con gái của bà Tố - hiện cũng là Hội viên Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội. Trong suốt nhiều năm liền, chị Trường thường xuyên hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh éo le, như trường hợp một em được chị đứng ra nhận đỡ đầu từ khi còn học lớp 4 cho tới khi tốt nghiệp đại học; hay một em gái có cha mất sớm từ khi em mới 7 tuổi cho đến khi em tốt nghiệp Trung học phổ thông. 

Minh Ngọc

Nguồn tin: Baophapluat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây